Chuẩn đầu ra của các trường đại học chỉ để đối phó?

15/03/2012 16:17
Theo Lao động
Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự quan ngại trước việc kiểm định chất lượng ĐH hiện nay của Bộ GD-ĐT

Sau 2 năm triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012, theo thống kê của Bộ GDĐT, còn gần 80 trường chưa báo cáo kết quả; việc tổ chức triển khai ở một số trường còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả không cao.

Kiểm định còn quá “mỏng”

Trong cuộc đối thoại trực tuyến vừa qua, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ sự quan ngại trước việc kiểm định chất lượng ĐH hiện nay của Bộ GDĐT khi các trường được thành lập nhiều mà bộ phận làm công việc kiểm định lại quá mỏng, không đủ để rà soát các trường có bảo đảm được chất lượng như cam kết thành lập.
Cuối năm 2011, mới chỉ kiểm tra 20 trường ĐH về cam kết thành lập trường mà Bộ đã phải quyết định đình chỉ tuyển sinh đối với 3 trường và 12 ngành đào tạo của 4 trường ĐH khác. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận công tác kiểm định giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu, các trường vẫn được khuyến khích... tự đánh giá. Hiện Bộ đang có những đoàn kiểm tra việc cam kết thành lập trường ở 80 trường ĐH. Tuy nhiên, cách xử lý các sai phạm này hầu như chỉ dừng ở mức nhắc nhở, cảnh báo để các trường khắc phục, bổ sung những điều kiện thiếu, bất đắc dĩ mới phải dừng tuyển sinh.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu có phải vì công tác kiểm định chưa tốt nên chất lượng giáo dục ĐH chưa cao? Trò chuyện trực tiếp với Bộ trưởng, một công chức trẻ đã không giấu được sự hoang mang đối với chính khả năng, trình độ thật sự của mình dù đã tốt nghiệp ĐH ba năm, đã đi làm và hiện đang tiếp tục học cao học: “Sau khi tốt nghiệp ĐH, cháu đã rơi vào một cuộc khủng hoảng vì không biết mình sẽ làm gì và làm ở đâu vì thật sự những gì cháu học khác xa rất nhiều so với thực tế. Chương trình cao học cháu sắp tốt nghiệp thì quá chồng chéo, không thực chất”.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng phải thừa nhận: “Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều điều phải bàn” và cho biết “đã đưa ra quy định cao hơn về chuẩn, điều kiện mà các trường được phép tổ chức đào tạo sau ĐH và tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục ĐH không còn đủ điều kiện đáp ứng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để rút chỉ tiêu”. Bộ yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ĐH có chuyển đổi chương trình đào tạo từ hướng đào tạo những cái mình có năng lực sang hướng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

Xây dựng chuẩn đầu ra chỉ để đối phó?

Bộ GDĐT cho biết, thời gian qua còn nhiều trường chưa thực hiện ba công khai trên website. Nội dung công khai của các trường còn hạn chế, phần lớn chỉ công khai văn bản, thủ tục hành chính. Nội dung chuẩn đầu ra của các trường chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” giống nhau; một số trường tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng sai quy định như tuyển sinh sai đối tượng, sai vùng tuyển, một số địa phương ủy quyền cho các công ty, doanh nghiệp không có chức năng đào tạo, nhưng đứng ra tổ chức tuyển sinh dưới danh nghĩa theo địa chỉ... gây bất bình trong dư luận xã hội.
Chính lãnh đạo các trường ĐH cũng băn khoăn rất nhiều về chuẩn đầu ra này. PGS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên nêu quan điểm: Việc xây dựng chuẩn đầu ra phải có lộ trình, hầu hết các trường mới công bố chuẩn đầu ra theo chương trình đào tạo mà chưa xây dựng được chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội. Bởi muốn thực hiện được điều này, bản chân chương trình đào tạo phải thay đổi, bắt kịp được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, mà điều này thì rất khó thực hiện.
PGS.TS Đặng Văn Uy, Hiệu trưởng ĐH Hàng hải nêu thực tế: Chuẩn đầu ra phải đáp ứng được 3 yếu tố: Kiến thức, tay nghề và ngoại ngữ, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có tiêu chí ngoại ngữ là có thể đánh giá được (qua điểm TOEIC), còn lại hai tiêu chí kia việc đánh giá rất mơ hồ.

Trước áp lực của Bộ, nhiều trường thừa nhận, công bố chuẩn đầu ra chỉ để cho “có”, đối phó với yêu cầu của Bộ chứ chưa đúng thực chất.
Theo Lao động