Chuyện buồn về viết vào sách giáo khoa

29/09/2018 08:03
Phan Tuyết
(GDVN) - Chỉ vì không thể kiểm soát nổi việc học sinh viết vào sách (có em sử dụng sách cũ) nên tiết dạy dù khá thành công cũng bị ban giám khảo đánh trượt.

LTS: Vấn đề liên quan đến sách giáo khoa được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn hiện nay. Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ câu chuyện buồn liên quan đến việc học sinh viết vào sách giáo khoa.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đến bây giờ, cô bạn đồng nghiệp của tôi vẫn chưa thể nào quên được vụ “tai nạn” nghề nghiệp xảy ra với mình ngay trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thị lần ấy. Mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc sách giáo khoa học sinh sử dụng bị viết vào.

Chỉ vì không thể kiểm soát nổi việc học sinh viết vào sách (có em sử dụng sách cũ nhưng chưa bôi xóa) nên tiết dạy dù khá thành công cũng bị ban giám khảo đánh trượt.

Đau hơn thế, cô phải dừng cuộc thi ngay từ tiết dạy đầu tiên. Nỗi đau vì bị trượt theo cô “chẳng nhằm nhò gì so với nỗi đau bị nhiều người không hiểu chuyện thêu dệt và nghĩ sai”.

Cô kể, đó là tiết dạy môn Tiếng Việt tại một trường học khác. Cô chỉ có 15 phút gặp gỡ lớp trước ngày dạy chính thức của mình. Vào lớp, bạn tôi làm quen với các em, nắm sĩ số, lực học của một số học sinh và dặn dò các em chuẩn bị bài ngày mai cho tốt.

Có những câu chuyện buồn liên quan đến việc học sinh viết vào sách giáo khoa. Ảnh minh họa: http://thieunien.vn
Có những câu chuyện buồn liên quan đến việc học sinh viết vào sách giáo khoa. Ảnh minh họa: http://thieunien.vn

Ngày hôm sau, vào tiết dạy, cô khá mừng vì học trò hợp tác rất tốt. Nhiều câu hỏi được đặt ra, học sinh thảo luận và phát biểu sôi nổi. Cô vui vì tiết dạy diễn ra khá đúng như mình chuẩn bị, dự liệu. Cô mừng vui vì ít nhất mình cũng sẽ vượt qua thử thách đầu tiên.

Cô đâu biết rằng, “tai họa” đã ập xuống khi vị trưởng ban giám khảo trong khi ngồi dự đã cầm một số sách giáo khoa lên xem.

Và người ta khẳng định “cô đã gà bài, đã cho học sinh chép câu trả lời, đã làm bài sẵn vào sách bằng viết chì”.

Bằng chứng mà họ đưa ra, nhiều cuốn sách có dấu hiệu tẩy xóa, một số cuốn sách vẫn còn những dòng chữ ghi phần bài làm vào đấy.

Cô phản ứng vì mình không làm điều đó. Hôm làm quen lớp, có cả vị giám sát đứng ngoài hành lang. Dù thế, tiết dạy ấy vẫn bị xếp trung bình đồng nghĩa với việc cô bị chấm dứt thi tiếp tiết 2 vì không đủ điều kiện.

Chuyện buồn về viết vào sách giáo khoa ảnh 2Bộ trưởng Nhạ yêu cầu không để học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa

Đâu đã hết, lớp học ấy và ngôi trường cô dự thi cũng được nhắc nhở, khiển trách.

Cô giáo chủ nhiệm lớp về kiểm tra sách của học trò mới biết các em toàn sử dụng sách cũ (không phải sách cũ một năm mà sách đã qua tay sử dụng ít nhất vài lứa).

Học sinh tố rằng “con không ghi, con mở ra đã thấy rồi”.

Có em nói “con xóa mà không hết. Có trang các anh chị viết bằng bút mực con không thể xóa được”…dù thế, nhà trường vẫn khiển trách giáo viên vì đã để học sinh viết vào sách.

Cô chủ nhiệm lớp phản ứng “không phải sách mới nên tôi không thể kiểm soát được. Sách dùng nhiều năm biết ai viết vào?

Sự việc được báo lên trên để minh oan cho cô giáo nhưng cô bạn tôi vẫn là người chịu thiệt thòi nhất bởi vì cuộc thi đã kết thúc.

Từ vụ việc ấy, phòng giáo dục quán triệt xuống trường, trường quán triệt đến từng giáo viên “tuyệt đối không để cho học sinh viết vào sách”.

Thi thoảng nhà trường kiểm tra đột xuất, bất ngờ và khiển trách lớp nào vi phạm. Giáo viên cũng sợ bị nêu tên, bị khép vào tội quản lý học sinh không tốt nên thường xuyên ra sắc lệnh và thẳng tay phạt những học trò cố tình vi phạm.

Đã có phụ huynh phản ứng “sách tôi bỏ tiền mua nên con tôi có quyền viết vào đấy. Thầy cô không có quyền cấm”. Gặp những tình huống như thế, nhiều thầy cô chỉ biết năn nỉ hết lời cho phụ huynh thông cảm.

Nay, dư luận kịch liệt phản đối việc sách giáo khoa dùng một lần gây lãng phí. Lẽ ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tìm hiểu thực trạng để có biện pháp khắc phục trong khâu biên tập, trình bày và xuất bản. Bộ lại ra yêu cầu nhà trường phải cấm học sinh viết vào sách.

Cấm như thế, có phải đang dồn trách nhiệm và làm khó giáo viên hay không?

Phan Tuyết