Gương hiếu học:

Chuyện gia đình người nông dân nuôi 4 con thành cử nhân, thạc sĩ

14/01/2013 07:21
Chí Thanh
(GDVN) - “Tui cho rằng chỉ có trồng người thì mới có thể làm giàu một cách vững chãi, lâu bền được. Cũng vì vậy mà vợ chồng tui đã không tiếc khi quyết định cầm cố ruộng đất để lo cho tụi nhỏ ăn học”, ông Cao Văn Cư chia sẻ.
Cái tin gia đình ông Cao Văn Cư là một trong số 100 gia đình hiếu học được UBND tỉnh Tiền Giang tôn vinh trong dịp Đại hội Gia đình hiếu học tỉnh Tiền Giang năm 2012 vừa qua, không làm nhiều người dân xã Phú Cường, huyện Cai Lậy bất ngờ. Bởi suốt gần 10 năm qua ở huyện Cai Lậy, gia đình ông nông dân Cao Văn Cư với những câu chuyện thú vị xung quanh việc “trồng người” đã trở thành niềm tự hào của vùng đất đứng thứ 3 cả nước về số lượng liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc… Từ trung tâm thị trấn Cai Lậy, phải mất hơn 1 giờ đi xe máy sau đó chuyển qua ghe xuôi theo dòng kênh, chúng tôi mới tìm đến được nhà của ông Cao Văn Cư, nơi vẫn được người dân trong huyện gọi vui là “điểm vun trồng cử nhân, thạc sĩ”. Ngay từ những câu nói đầu tiên, vợ chồng ông Cư bà Thanh đã gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi không chỉ từ dáng vẻ hiền lành, chất phát “đặc sệt chất miền Tây”, mà còn bởi những suy nghĩ rất hiếm thấy ở những người nông dân thuộc vùng tiếp giáp Đồng Tháp Mười.
Ông bà Cư - Thanh, những người nông dân nuôi dạy 4 con thành cử nhân, thạc sĩ.
Ông bà Cư - Thanh, những người nông dân nuôi dạy 4 con thành cử nhân, thạc sĩ.
Bà Thanh chia sẻ: "Bây giờ mấy chú đi đứng còn dễ dàng, chứ trước kia thằng hai Chóng (tức Cao Văn Chóng, con trai đầu lòng của ông Cư bà Thanh) và mấy anh em nó muốn đến trường là phải đi từ 4-5 giờ sáng, xắn quần lội ruộng hơn chục cây số mới đến được trường học. Cũng vì lý do đường sá quá khó khăn, lại thêm hoàn cảnh kinh tế gia đình vất vả, cái ăn cái mặc còn không đủ, nên thằng Chóng, con Ngân nhiều lần xin nghỉ học để ở nhà làm ruộng đỡ đần cha mẹ và để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Nhưng ba nó và tui nhất quyết không chịu cho chúng nó nghỉ học. Tui còn nhớ ổng nói rằng: Ba thà bán hết ruộng đất cũng phải cho tụi con ăn học tới nơi tới chốn để sau này tụi con được nhờ tấm thân, ba má nở mày nở mặt mà xã hội, đất nước cũng dùng được, cần đến”. Kể từ đó anh em thằng Chóng không còn đòi nghỉ học để phụ gia đình nữa mà chú tâm vào học hành. Câu chuyện đến đây thì ông Cư đi đám ở đầu xóm về tới. Sau một lúc trà nước, do còn tranh thủ ra về cho kịp con nước, chúng tôi đánh bạo hỏi thẳng người nông dân là cha của 4 cử nhân, trong đó có 2 người là Thạc sĩ, 2 Đảng viên: “Chú quyết định dốc hết vốn liếng, cầm cố ruộng đất - những thứ quý nhất đối với người nông dân - để đầu tư cho các con ăn học có phải là do chú nhìn thấy được tiềm năng của con mình hay vì lý do nào khác?” Không phải suy nghĩ, vừa nhấp ngụm trà, ông Cư nở nụ cười hiền lành nói: “Tui là nông dân, ngày nào cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên biết rằng với công việc làm ruộng, dù có làm giỏi cách mấy cũng chỉ đủ ăn, khó mà đổi đời. Chuyện đồng ruộng, trồng lúa còn phụ thuộc vào nhiều thứ như lũ lụt, sâu bệnh, trúng mùa thì mất giá… tui cho rằng chỉ có trồng người thì mới có thể làm giàu một cách vững chãi, lâu bền được. Cũng vì vậy mà vợ chồng tui đã không tiếc khi quyết định cầm cố ruộng đất để lo cho tụi nhỏ ăn học”. Năm 1997, người con lớn Cao Văn Chóng là người duy nhất của xã Phú Cường trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Thi đậu đại học đã khó, nhưng vẫn chưa nan giải bằng việc lấy tiền đâu để cho con cái theo học 4 năm ở đất Sài Gòn đắt đỏ. Hơn nữa, lúc này ngoài Cao Văn Chóng trúng tuyển đại học, thì Cao Thị Kim Ngân và 2 người em là Cao Văn Đức và Cao Thị Hải Yến cũng đang bước vào trung học, chuẩn bị nối gót anh trai. Sau nhiều đêm trằn trọc bàn tính, ông Cư và bà Thanh quyết định tìm người cầm cố (thế chấp) 5 công ruộng đang canh tác để lấy tiền cho con ăn học. Một người bà con đã chấp nhận cầm với giá 75 chỉ vàng kèm theo lời hứa khi nào có tiền sẽ cho “chuộc lại”.
Ông bà Cư - Thanh, gia đình duy nhất ở xã Phú Cường được UBND tỉnh Tiền Giang tôn vinh trong Đại hội Gia đình Hiếu học toàn tỉnh năm 2012.
Ông bà Cư - Thanh, gia đình duy nhất ở xã Phú Cường được UBND tỉnh Tiền Giang tôn vinh trong Đại hội Gia đình Hiếu học toàn tỉnh năm 2012.
Số tiền này ông Cư bà Thanh dùng phần lớn cho việc học của 4 anh em Cao Văn Chóng, chỉ dành lại một ít để đầu tư xây dựng lò nấu rượu đế, bỏ mối cho các tiệm tạp hóa trong vùng. Số dư ra từ việc nấu rượu sẽ dùng để nuôi heo bán làm vốn tích lũy và đầu tư cho cuộc sống gia đình. Từ đó, công việc của ông bà Cư - Thanh đã tất bật nay lại càng nặng nề hơn. Hàng ngày, sau công việc đồng áng, dọn cỏ, lên liếp... chiều tối về vợ chồng ông Cư lại quần quật lao vào lò rượu, xong lại nhảy ra săn sóc đàn heo thịt và cả heo nái có lúc lên đến hơn 20 con. Nhờ làm việc bằng gấp ba lần người khác nên kinh tế gia đình không chỉ tạm ổn mà còn có thể chi viện kịp thời cho 4 anh em Cao Văn Chóng thay nhau vào Đại học (3 người học Đại học Kinh tế TP.HCM, cô gái út Cao Thị Hải Yến học Đại học Công nghiệp TP.HCM). Bốn anh em của Chóng đều không chỉ học giỏi mà còn biết tự khẳng định năng lực của bản thân từ rất sớm qua một loạt công việc từ gia sư dạy thêm, cho đến bán bảo hiểm nhân thọ, tiếp thị sản phẩm... Những công việc này vừa mang lại một phần thu nhập, đỡ đần gánh nặng của cha mẹ mà còn giúp anh em Chóng nhanh chóng trưởng thành, dễ dàng chứng tỏ khả năng của mình khi xin việc. Giờ đây, sau khi thành công với vai trò TGĐ Công ty Truyền thông - tổ chức sự kiện Today, ghi dấu ấn với những chương trình đình đám như “Âm vang miền Tây”, “Âm vang miền Đông”, chuyến lưu diễn của ca sĩ Hàn Quốc Bi Rain tại Việt Nam, Gameshow trực tuyến “Vua sân cỏ”… anh Chóng đã đầu quân cho Bình Dương, đảm nhiệm vai trò Phó TGĐ Công ty Cổ phần CLB bóng đá Bình Dương, phụ trách kinh doanh - đối ngoại - thủ tục chuyển nhượng quốc tế. Với vai trò này, anh Chóng được xem là một trong những người làm kinh doanh thành công nhất trong lĩnh vực bóng đá tại Việt Nam.  Khi chúng tôi đề nghị anh Chóng kể về kỷ niệm của mình thời thơ ấu mà qua đó giúp anh có động lực vươn lên trong học tập, anh kể câu chuyện đầy cảm động sau: “Tôi nhớ năm tôi học khoảng lớp 7-8 gì đó. Bình thường vụ lúa Đông Xuân ở quê tôi vào thời đó, đa số thu hoạch trước tết, một phần là do thời tiết, một phần là do nông dân tính toán như vậy để có tiền xài tết. Nhưng năm đó lũ lớn hơn thường lệ nên phải gieo xạ trễ, thành ra vụ Đông Xuân thu hoạch không kịp trước tết. Hàng năm khoảng 20-21 tháng chạp âm lịch, mẹ dẫn anh em tôi ra chợ sắm mỗi đứa vài bộ đồ, đôi dép để mặc đi chúc tết ông bà, và cũng để mặc cả năm. Đây là lần duy nhất trong năm, các anh em tụi tôi được có đồ mới. Năm đó, tôi nhớ là đến ngày tất niên mẹ tôi mới dẫn các anh em đi chợ. Tôi chưa biết vì sao lần này mẹ lại đi sắm đồ tết trễ thế, anh em tụi tôi thì rất nôn nao đòi mẹ dắt đi mua đồ mới. Ra tới chợ, lựa đồ xong tôi thấy mẹ tôi nói với chủ sạp là cho mua thiếu, 10 ngày sau trả. Chủ sạp từ chối, mẹ tôi buồn nhưng không nản chí, đi qua các sạp khác mà vẫn không mua được. Không phải họ không tin mẹ tôi mà không dám bán thiếu, vì trong số các chủ sạp đó cũng có người quen của nhà tôi mà, do dân buôn bán rất ngại nợ nần mấy ngày tết. Cuối cùng, mẹ chỉ đủ tiền mua một ít thịt để cúng tất niên rồi các mẹ con lủi thủi đi về. Năm đó anh em tụi tôi không có đồ mới để mặc dịp tết. Lúc ra về, mấy mẹ con không ai nói với ai câu nào. Tôi thấy mẹ tôi khóc, anh em tôi dù không vui nhưng không ai dám buồn. Hình ảnh giọt nước mắt mẹ rơi vì không có tiền sắm đồ tết cho anh em tôi, đã gây ấn tượng mạnh cho tôi trong bước đường học tập và làm việc sau này. Tôi luôn tự hứa với bản thân mình là phải sống sao cho thật xứng đáng với sự hy sinh và tình thương lớn lao mà cha mẹ đã dành cho anh em chúng tôi". Sau anh Chóng, người em Cao Thị Kim Ngân (SN 1982), cử nhân ngành Tài chính kế toán, hiện đã có gần 10 năm công tác tại Ngân hàng Á châu (ACB). Tiếp theo là anh Cao Văn Đức (SN 1984), sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM với hai tấm bằng cử nhân ngành Quản trị chất lượng và Tài chính ngân hàng, hiện theo học Cao học, chuẩn bị tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, đang công tác tại Ngân hàng Sacombank. Cô em út Cao Thị Hải Yến (SN 1986) sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TP.HCM, hiện công tác tại Phòng Marketing công ty Alkana Việt Nam. Chia sẻ với chúng tôi về “bí quyết” vun trồng những cử nhân, thạc sĩ, ông Cao Văn Cư nói:  “Làm cha mẹ ai mà không muốn con mình học hành tới nơi, tới chốn, thành tài đâu. Nhưng, quan trọng và khác nhau ở chổ chúng ta có dám đầu tư tối đa cho con và làm sao để con cái tự nhận thấy được ý nghĩa, trách nhiệm của mình với việc học mà phấn đấu thì mới mong đạt kết quả cao”. Trước khi ra về, khi nghe chúng tôi hỏi về mấy công ruộng và đất đã cầm cố năm nào để lo cho con ăn học, bà Thanh cười thật tươi rồi nói: "Mình đầu tư cho tụi nó, thì có bao giờ nó bỏ mình đâu. Tụi nó đã chuộc lại được hết số ruộng đã cầm cố năm nào. Nhưng, bây giờ vợ chồng tui còn sức đâu mà làm, giờ chỉ lên xuống Sài Gòn, Bình Dương thăm nom con cháu là hạnh phúc quá rồi”. Trên đường lên ghe về lại trung tâm huyện Cai Lậy, chúng tôi mới biết thêm căn nhà mà các em Chóng đang ở tại TP.HCM cũng là nơi thường xuyên giúp đỡ cho bà con cô bác trong vùng lên tá túc khi đến Sài Gòn khám và điều trị bệnh. Ngoài ra, nơi đây còn là địa chỉ sẵn sàng hỗ trợ cho các em học sinh miệt Phú Cường hiếu học đang dùi mài kinh sử ở TP.HCM có thêm điều kiện để vượt qua hoàn cảnh khó khăn như Cao Văn Chóng và những người em của mình đã từng thành công.
TS. Trần Thanh Đức, GĐ Sở GD&ĐT Tiền Giang:
Đây là gia đình sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư giáo dục cho con cái, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Gia đình ông Cao Văn Cư có bốn người con đều tốt nghiệp ĐH tại các trường ĐH lớn ở TP.HCM, trong đó 2 người con trai đều là thạc sỹ và đảng viên. Bốn người con đều có công việc ổn định, thu nhập tốt. Trong đó anh Cao Văn Chóng từng là học trò của tôi. Việc Tiền Giang tổ chức tôn vinh các gia đình hiếu học nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc đầu tư giáo dục cho con cái. Vì tâm lý người dân phía Nam còn thờ ơ với việc này, đây là một quan điểm sai lầm cần được chấn chỉnh sớm.

Trong đợt tuyên dương 100 gia đình hiếu học 2012 của tỉnh Tiền Giang vừa qua, gia đình ông Cao Văn Cư là gia đình duy nhất của xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) được tôn vinh. Đây xứng đáng là một tấm gương cho không chỉ các gia đình trong tỉnh Tiền Giang mà là cả nước học hỏi noi theo.
Chí Thanh