Chuyên gia lưu ý 7 vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học

18/10/2019 07:06
Thùy Linh
(GDVN) - Chúng ta cần có quy định về bộ tiêu chuẩn, tiêu chí riêng kiểm định các lĩnh vực đào tạo khác nhau, chứ không sử dụng bộ chung.

Để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, năng lực hệ thống giáo dục đại học, công tác kiểm định chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng. 

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học năm 2018 (Luật số 32/2018/QH14) đã có những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan cụ thể đến công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, thể hiện qua:

Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học (Điều 49).

Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (Điều 50).

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (Điều 52).

Sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học (Điều 53).

Như vậy, căn cứ vào những điểm đã nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học lần này mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là rà soát toàn diện để gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển giáo dục đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học. 

Tuy nhiên, căn cứ yêu cầu của Luật giáo dục đại học có liên quan đến công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Mai Ước – Chánh văn phòng trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh lưu ý một số điểm có tính gợi mở trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn Luật cũng như thực tiễn triển khai, kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện chính sách đối với công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Chúng ta cần có quy định về bộ tiêu chuẩn, tiêu chí riêng kiểm định các lĩnh vực đào tạo khác nhau, chứ không sử dụng bộ chung cho tất cả các cơ sở, ngành đào tạo. (Ảnh chụp màn hình)
Chúng ta cần có quy định về bộ tiêu chuẩn, tiêu chí riêng kiểm định các lĩnh vực đào tạo khác nhau, chứ không sử dụng bộ chung cho tất cả các cơ sở, ngành đào tạo. (Ảnh chụp màn hình)

Phó giáo sư Trần Mai Ước nêu rõ:

Thứ nhất, sản phẩm đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học là chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội mà trách nhiệm cuối cùng phải thể hiện được là tỷ lệ sinh viên có việc làm. Hiện tại, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học vì “nồi cơm” của mình nên chỉ chú trọng vào công tác tuyển sinh, số  lượng tuyển sinh hàng năm.

Thứ hai, theo qui định, các cơ sở giáo dục đại học đều phải thành lập bộ phận đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng bên trong, nhưng thực tế cơ chế hoạt động, tầm nhìn của đại học, cách tiếp cận thế đang còn rất khác biệt rất lớn giữa các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế.

Thứ tư, hoạt động tự đánh giá, kiểm định trường chủ yếu do một vài đơn vị chuyên trách thực hiện, chưa thực sự trở thành hoạt động thường kì tại các cơ sở giáo dục đại học để các đối tượng liên quan dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin. 

Phải quy định năng lực chuyên môn của cán bộ thực hiện kiểm định giáo dục

Thứ năm, các tổ chức kiểm định phải thực sự là những tổ chức độc lập tuyệt đối cả về chuyên môn lẫn cơ cấu tổ chức. Hệ thống kiểm định hiện nay gần như do Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát tuyệt đối.

Chúng tôi nhấn mạnh đến tính độc lập tuyệt đối và cho rằng, đây là yếu tố đầu tiên, mang tính chất cơ bản của quá trình kiểm định, bởi độc lập, khách quan, minh bạch luôn là nguyên tắc quan trọng nhất của tất cả các mô hình kiểm định.

Thứ sáu, cần có quy định về bộ tiêu chuẩn, tiêu chí riêng kiểm định các lĩnh vực đào tạo khác nhau, chứ không sử dụng bộ chung cho tất cả các cơ sở, ngành đào tạo.

Bên cạnh đó, cũng cần có các văn bản pháp quy qui định về sự thống nhất tổ chức, hoạt động đánh giá và các thước đo giữa các trung tâm kiểm định; danh mục các tổ chức kiểm định quốc tế được Việt Nam công nhận.

Thứ bảy, trong Luật giáo dục đại học lần này vẫn chưa qui định rõ các tổ chức tư nhân có quyền tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hay không. Kèm theo đó là: hình thức kiểm soát hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; điều kiện để thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; thủ tục hành chính các chủ thể phải thực hiện khi tham gia vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Với sự nỗ lực, cùng với quyết tâm đổi mới tư duy và hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta đã cố gắng nỗ lực để hoàn thiện được khá đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để giáo dục đại học nước nhà từng bước tiệm cận với giáo dục đại học thế giới, việc tiếp tục nghiên cứu để xây dựng mô hình hệ thống bảo đảm, kiểm định giáo dục của Việt Nam phù hợp thực tiễn trong nước và quốc tế là điều mang tính tất yếu khách quan trong sự vận động, phát triển.

Thùy Linh