Chuyện về bài tập Tết

08/02/2019 06:17
Đỗ Quyên
(GDVN) - Có không ít phụ huynh thấy thầy cô giao bài tập vể nhà lại rất vui mừng khi “Con có việc làm không ham chơi quên bài vở”.

Mỗi dịp Tết về, câu chuyện thầy cô giao bài tập về nhà cho học sinh luôn được nhiều người quan tâm bình luận.

Có không ít phụ huynh thấy thầy cô giao bài tập vể nhà lại rất vui mừng khi “Con có việc làm không ham chơi quên bài vở”.

Ngược lại, có cha mẹ lại kịch liệt phản đối vì cho rằng buộc trẻ làm nhiều bài tập, các em sẽ mất vui trong những ngày Tết.

Nghỉ Tết dài ngày khiến các trường lo ngại học sinh trễ nải học tập (Ảnh minh họa Báo An ninh thủ đô).
Nghỉ Tết dài ngày khiến các trường lo ngại học sinh trễ nải học tập (Ảnh minh họa Báo An ninh thủ đô).

Một số chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng phản đối vì theo họ, giao bài tập dịp Tết là tước đi những ngày Tết vui vẻ của các em…

Ai cũng có cái lý của mình, bài viết là một chút suy nghĩ, tâm tư của tác giả người vẫn thường xuyên giao bài tập về nhà cho học sinh vào mỗi dịp Tết và luôn nhận được sự đồng tình của cha mẹ các em.

Duy trì thói quen học tập để trò dễ bắt nhịp sau khoảng thời gian nghỉ dài

Học sinh được nghỉ Tết khá dài (hơn 2 tuần lễ). Trong khoảng thời gian này (đặc biệt là học sinh tiểu học) khi đến trường nhiều em đã không còn nhớ những kiến thức cơ bản mình mới học trước đó.

Ám ảnh bài tập sau Tết

Sau kì nghỉ Tết, gần như thầy cô nào cũng gặp cảnh học sinh quên bài vở, lực học giảm sút trầm trọng.

 Những tiếng than “Học trò mình quên hết bảng nhân, chia”; “Mấy âm vần mới học xong nghỉ Tết xong đã quên tuốt luột”; “Chỉ mấy phép tính cộng trừ nhân chia cũng chẳng nhớ cách làm”…luôn được đồng nghiệp nói cho nhau nghe.

Với những học sinh có lực học tốt không đáng lo ngại.

Nhưng đa phần là những học sinh yếu, trung bình và thậm chí có lực học khá thời gian nghỉ học lâu chuyện các em không nhớ kiến thức mình đã học trước đó vẫn thường xuyên xảy ra sau mỗi kỳ nghỉ Tết.

Thầy cô đã vô cùng vất vã vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn lại kiến thức cũ để các em theo kịp chương trình.

Vì những lý do ấy, trước kì nghỉ Tết chúng tôi vẫn thường giao bài tập về nhà cho các em dù trong quy định không có.

Thậm chí có một số phụ huynh đã gọi điện yêu cầu thầy cô phải giao bài tập về nhà cho các em.

Thế nhưng bài tập giao về nhà thế nào là đủ?

Có giáo viên ra hàng trăm bài tập, nhiều học sinh làm vật vã mấy ngày Tết cũng chẳng xong.

Ăn Tết mất vui vì... bài tập về nhà

Đã có những em không dám đi chơi Tết vì chưa hoàn thành xong bài tập.

Vì chuyện này, phụ huynh phản ứng, học trò ngao ngán, dư luận bất bình cũng chẳng có gì lạ.

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi vẫn ra bài tập Tết nhưng đó là những yêu cầu học thuộc bảng cửu chương (thực ra là ôn lại vì các em đã học trước đó), ôn các bài tập đọc, học vần đã học và một số bài tập cộng trừ, nhân chia đơn giản (những kiến thức cơ bản), hay viết vài bài chính tả, bài luyện viết, tập viết…

Khi giáo viên yêu cầu, đương nhiên học sinh sẽ hoàn thành. Vì số lượng bài tập không nhiều, kiến thức không khó nên học sinh thường làm vào thời gian sau Tết (gần ngày trở lại trường).

Ngồi làm bài tập, cũng là cách kéo học sinh trở lại thói quen học tập sau một kì nghỉ dài.

Chúng tôi luôn nghĩ “Dù vui chơi, các em vẫn không thể quên nhiệm vụ chính của mình là học”.

Nhờ cách giao bài tập vừa đủ như thế, ngày trở lại trường, nhiều học sinh của chúng tôi đã bắt nhịp tốt hơn với việc học.

Ra bài tập kiểu này có đáng bị lên án hay không?

Đỗ Quyên