Cổ đông trường ĐH Hoa Sen: Tự phong phi lợi nhuận là vi phạm pháp luật

01/06/2015 14:52
Thế Quân
(GDVN) - Nhóm các cổ đông chiếm trên 20% vốn điều lệ của nhà trường cho rằng, việc Chủ tịch trường ĐH Hoa Sen tự phong trường phi lợi nhuận là vi phạm pháp luật.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được công văn số 24 ra ngày 30/5/2015 của nhóm các cổ đông chiếm trên 20% vốn điều lệ của trường ĐH Hoa Sen bày tỏ những quan điểm của mình trước việc Chủ tịch HĐQT của trường ĐH Hoa Sen – ông Trần Văn Tạo tự nhận là trường hoạt động phi lợi nhuận.

Theo nhóm các cổ đông này, hiện lãnh đạo trường ĐH Hoa Sen đã cố tình truyền thông sai sự thật rằng trường hoạt động phi lợi nhuận. Trên thực tế, trường này chưa được bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên môn nào công nhận trường là hoạt động phi lợi nhuận.

Cụ thể, tại văn bản số 298 ra ngày 29/1/2015 của Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, nếu Hoa Sen muốn hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận theo điều lệ trường ĐH mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành, nhà trường cần làm hồ sơ để Bộ GD&ĐT thẩm định, trình Thủ Tướng Chính phủ công nhận trường ĐH tư thục hoạt động phi lợi nhuận.

Tại công văn số 1926 ra ngày 11/4/2015 của UBND TP.HCM, lãnh đạo TP đã có ý kiến kết luận, chỉ đạo: Do trường ĐH Hoa Sen chưa làm thủ tục chuyển đổi thành trường ĐH phi lợi nhuận, nên trường phải chấp hành điều lệ trường ĐH hiện hành.

Do đó, ban điều hành trường ĐH Hoa Sen hiện hành tự ý tổ chức đại hội toàn trường ngày 31/1/2015, với danh nghĩa là trường ĐH tư thục hoạt động phi lợi nhuận là không tuân thủ các quy định của điều lệ trường ĐH mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, có hiệu lực thi hành.

Nếu HĐQT của trường ĐH Hoa Sen muốn chuyển đổi trường sang loại hình trường ĐH tư thục hoạt động phi lợi nhuận, thì nhà trường phải tiến hành các thủ tục theo đúng quy định của điều lệ trường ĐH hiện hành.

Điểm b – khoản 2 của điều 34, điều lệ trường ĐH hiện hành đã quy định rõ: Nếu trường ĐH tư thục muốn chuyển đổi sang loại hình hoạt động phi lợi nhuận, cần phải có biên bản họp đại hội đồng cổ đông, phải có sự đồng ý của tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, trừ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường có quy định tỷ lệ này cao hơn.

Cho tới nay, những căng thẳng, rắc rối xảy ra tại trường ĐH Hoa Sen vẫn chưa kết thúc (ảnh minh họa)
Cho tới nay, những căng thẳng, rắc rối xảy ra tại trường ĐH Hoa Sen vẫn chưa kết thúc (ảnh minh họa)

Nhận xét của các cổ đông cho thấy, việc làm này của lãnh đạo ĐH Hoa Sen đương nhiệm, của bà Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng đã cố tình phớt lờ các quy định của pháp luật, tự phong phi lợi nhuận để gạt bỏ các cổ đông ra khỏi trường tư thục, không ngừng truyền thông sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trên website của nhà trường, nhằm che giấu các sai phạm trong công tác quản lý, tài chính đã bị phát hiện trong thời gian vừa qua.

Việc làm này của người đứng đầu trường ĐH Hoa Sen đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường, tác động xấu đến giảng viên, nhân viên và sinh của trường ĐH Hoa Sen.

Đối với việc yêu cầu được xem xét, kiểm tra hồ sơ, sổ sách kế toán của nhóm các cổ đông, việc từ chối của lãnh đạo đương nhiệm nhà trường là vi phạm điểm e, khoản 2 của điều 23 của điều lệ trường ĐH hiện hành. Nội dung trong khoản 2, điều 23 đã ghi rõ: Nhóm cổ đông chiếm trên 10% tổng số vốn góp được xem xét, trích lục sổ biên bản, nghị quyết của HĐQT, báo cáo tài chính, báo cáo của ban kiểm soát, và các tài liệu khác của nhà trường theo các quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Trong thời gian vừa qua, các báo cáo tài chính và thuế của ĐH Hoa Sen do bà Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng ký đã thể hiện nhiều khuất tất, mà nhóm các cổ đông cần phải làm rõ như: Che giấu 119 tỷ đồng lợi nhuận trong suốt từ năm 2010 đến năm 2013, chuyển doanh thu 16 tỷ đồng từ ĐH Hoa Sen sang Công ty TNHH nhà hàng, khách sạn và du lịch Vĩnh An (công ty do bà Phượng làm đại diện trước pháp luật), sai phạm trong đầu tư mua sắm tại dự án ở tòa nhà số 8 đường Nguyễn Văn Tráng, Q.1.

Việc từ chối này đã vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông góp vốn đã được pháp luật quy định. Nếu ban điều hành đương nhiệm của ĐH Hoa Sen thực sự minh bạch về tài chính, thì tại sao lại phải từ chối yêu cầu chính đáng, đúng luật này?

Quan điểm của các cổ đông đã đóng góp vốn vào trường ĐH Hoa Sen thể hiện những quan điểm sau: Yêu cầu ban điều hành của Hiệu trưởng đương nhiệm của ĐH Hoa Sen cần phải công khai, minh bạch các hoạt động, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.

Đồng thời, nhóm các cổ đông này cũng đã yêu cầu, việc chuyển đổi mô hình hoạt động phi lợi nhuận cần tuân thủ đúng theo trình tự, quy định của pháp luật hiện hành.

Các cổ đông phản đối việc lợi dụng danh nghĩa “phi lợi nhuận” của lãnh đạo đương nhiệm trường ĐH Hoa Sen, để nhằm đánh tráo các khái niệm, nhằm mưu cầu các quyền lực, lợi ích cho bản thân, bất chấp các quy định của pháp luật, che giấu các sai phạm trong quản lý.

Thế Quân