Có hay không “lợi ích nhóm” trong vấn đề thẩm định sách giáo khoa?

24/10/2020 06:26
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Nguyễn Trọng Bình (giáo viên ở Cần Thơ) đặt nghi vấn về việc liệu có "lợi ích nhóm" trong vấn đề thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1.

Không thừa nhận sai sót, đổ cho thị trường “cạnh tranh không lành mạnh”

Ngay khi vừa bắt đầu năm học mới 2020-2021, trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngày nay, trong vai trò “Tổng chủ biên kiêm chủ biên” sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng bộ sách của ông “là bộ sách được lựa chọn với tỷ lệ cao nhất trong 5 bộ sách giáo khoa” nhưng “có những chuyện không được hay lắm trong cạnh tranh”.

Thậm chí ông còn khẳng định “nhiều tỉnh thành đã đảo ngược kết quả lựa chọn của cơ sở, làm giảm tỷ lệ chọn Cánh Diều. ” [1]

Thế nhưng không lâu sau đó, bộ sách Cánh Diều bị nhiều người phản ứng vì quá nhiều “sạn”.

Không những không thừa nhận điều này, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết một lần nữa lên tiếng khẳng định bộ sách của ông được biên soạn tốt nhất.

Trên trang cá nhân, trả lời thư của một phụ huynh, ông chia sẻ rằng, sách của ông bị dư luận “chĩa mũi nhọn”, “soi mói”, “bóp méo”… là do có sự “cạnh tranh xấu xa”, “không lành mạnh”…

Tiếp theo, Giáo sư Trần Đình Sử - Chủ tịch hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 cũng lên tiếng bảo vệ sách của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết “là phù hợp”, “không sai”.

Có thể thấy, với tư cách những người trong cuộc nhưng lúc đầu cả hai Giáo sư đều không thừa nhận những sai sót trong quyển sách do chính mình biên soạn và thẩm định bất kể sự phản ứng của dư luận trong đó có những người có chuyên môn về ngôn ngữ, có hiểu biết về giáo dục học sinh bậc tiểu học; bất chấp sự không hài lòng của đông đảo phụ huynh về những bài học mà theo họ là thiếu chuẩn mực, không phù hợp với việc giáo dục đạo đức cho trẻ nhỏ.

Chỉ đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc trực tiếp với Bộ Giáo dục và đào tạo và đề nghị phải chân thành tiếp thu ý kiến của người dân thì hai ông Tổng Chủ biên và Chủ tịch hội đồng thẩm định mới “xuống nước” thừa nhận.

Bộ sách Cánh diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm biên soạn. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Bộ sách Cánh diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm biên soạn. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Hội đồng thẩm định “nể nang” hay vì lý do nào khác?

Còn nhớ cách đây hơn một năm, Hội đồng thẩm định sách quốc gia cũng do Giáo sư Trần Đình Sử với vai trò Chủ tịch đã “đánh rớt” sách Tiếng Việt Công nghệ do Giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn ngay từ vòng thẩm định đầu tiên.

Sự việc này cũng gây một dư luận trái chiều trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Một điều đáng chú ý là, tuy không phải là người biên soạn sách nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào đã gửi thư kiến nghị lên Bộ Giáo dục và Đào tạo và sau đó là Thủ tướng Chính phủ đề nghị có câu trả lời thỏa đáng vì sao lại “đánh rớt” bộ sách Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vốn đã được thực tế kiểm định hơn 40 năm?

Nhất là trong suốt thời gian ấy, bộ sách đã trải qua 3 lần tổng kết, đánh giá và kể từ năm học 2008-2009, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đưa vào sử dụng đại trà, với 48 tỉnh thành trên cả nước lựa chọn sử dụng?

Sự việc tiếp tục đẩy lên cao khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi đối thoại với Giáo sư Hồ Ngọc Đại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Và trong buổi đối thoại đã xảy ra một cuộc tranh cãi “tay đôi” rất gay gắt giữa Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Giáo sư Trần Đình Sử.

Một lần nữa Giáo sư Trần Đình Sử vẫn bảo lưu quan điểm của mình khi cho rằng sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Thậm chí, Hội đồng thẩm định với 15 thành viên còn phát hiện ra hơn 300 lỗi sai sót lớn nhỏ trong bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Vẫn không dừng lại ở đó, ngay sau buổi đối thoại, Giáo sư Trần Đình Sử còn tiếp tục lên tiếng chỉ trích Giáo sư Hồ Ngọc Đại trên trang cá nhân của mình những lời lẽ rất nặng nề, mang tính công kích cá nhân nhiều hơn là tập trung mổ xe các vấn đề chuyên chuyên môn.

Nhắc lại sự việc trên, nhất là khi nghe Giáo sư Trần Đình Sử bảo rằng vì “nể nang” [3] nhóm tác giả viết sách Tiếng Việt Cánh Diều nên mới xảy ra sự cố như dư luận phản ánh, tôi cho rằng không thể không đặt câu hỏi về sự công tâm, khách quan của Hội đồng thẩm định mà đứng đầu là Giáo sư Trần Đình Sử trong vấn đề thẩm định các bộ sách giáo khoa thời gian qua. Đặc biệt là với bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Tôi cho rằng, có 3 vấn đề cần có câu trả lời thỏa đáng như sau:

Thứ nhất, có một thực tế không thể chối cãi là, với học sinh lớp 1 thì mục tiêu quan trọng nhất của mọi chương trình giáo dục đều nhằm hướng tới 4 kỹ năng “nghe, nói đọc, viết” đặc biệt là hai kỹ năng “đọc” và “viết” sao cho thật thuần thục, không bị tái mù.

Từ đây, Giáo sư Trần Đình Sử bảo rằng sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại không phù hợp với mục tiêu dạy học theo chương trình mới là hoàn toàn chủ quan và phiến diện.

Bởi lẽ, “mọi lý thuyết đều màu xám”, sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được thực tế kiểm nghiệm hơn 40 năm trong đó có những thế hệ học trò đã theo học trong đó có những người rất nổi tiếng đã lên tiếng thừa nhận như: Giáo sư Ngô Bảo Châu, Phó Giáo sư, bác sĩ, đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu…

Thứ hai, tại sao với sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì Hội đồng thẩm định đã phát hiện ra hơn 300 lỗi sai nhưng với bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều lại không phát hiện “chi chít những hạt sạn” mặc dù cũng “lật từng trang, soi từng chữ”?

Tại sao với sách của Giáo sư Đại thì 15/15 thành viên Hội đồng đánh giá “không đạt” còn sách do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì 100% thành viên bỏ phiếu “đạt” kèm theo đó những lời đánh giá, nhận xét ca ngợi trên mây nhưng lại là bộ sách thảm họa nhất và đến giờ thì Bộ Giáo dục buộc phải yêu cầu chỉnh sửa?

Cuối cùng, cách đây hơn một năm rất nhiều người với cái nhìn cực đoan và nhất là cũng tin vào những gì Giáo sư Trần Đình Sử phát biểu cũng đã phê phán, công kích Giáo sư Hồ Ngọc Đại rất dữ dội trên mạng xã hội dù rằng chưa từng đọc sách của ông.

Thậm chí cũng cắt ghép và chia sẻ những hình ảnh video clip không đúng sự thật từ đó miệt thị, xúc phạm Giáo sư Hồ Ngọc Đại rất nặng nề.

Và cũng lạ thay, khi ấy chẳng thấy một “chuyên gia ngữ văn” nào lên tiếng bênh vực hay bức xúc giùm cho Giáo sư Đại giống như họ đang rất nhanh nhảu lên tiếng bao biện, ngụy biện cho những sai sót rất rõ ràng của Giáo sư Sử và Giáo sư Thuyết những ngày qua?

Những chuyên gia ngữ văn cảm thông, xót xa cho Giáo sư Sử và Giáo sư Thuyết hôm nay bị những người cực đoan miệt thị có nghĩ đến cảm giác của Giáo sư Đại năm xưa và nỗi niềm của các phụ huynh có con nhỏ đang phải học sách Tiếng Việt Cánh Diều chi chít lỗi?

Cần của sự giám sát chặt chẽ Quốc hội

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Quốc hội.

Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, “cử tri và Nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”.

Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều gây ra nhiều phản ứng trong Nhân dân; Bộ Giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường.”[4]

Tôi cho rằng đây là sự vào cuộc rất kịp thời của Quốc hội trước những phản ánh và bức xúc rất chính đáng của nhân dân.

Tuy vậy, để tránh xảy ra những sự cố tương tự và nhất là để công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà thành công như mong đợi, tôi cho rằng cần một kế hoạch và chương trình giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Nhất là, cần có một tổng thanh tra về tất cả những vấn đề có liên quan, qua đó “xử lý nghiêm” những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần tiếp xúc cử tri Hải Phòng ngày 13/10.

Giáo dục là quốc sách, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Nếu chúng ta không làm cẩn thận và nhất là không kịp thời ngăn chặn những biểu hiện của “lợi ích nhóm” trong vấn đề này thì rất khó “ăn nói” với nhân dân về sau.

Tài liệu tham khảo:

[1]:https://ngaynay.vn/giao-duc/gs-nguyen-minh-thuyet-co-nhung-chuyen-khong-hay-lam-trong-canh-tranh-sach-giao-khoa-180235.html

[2]: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/sgk-tieng-viet-1-bi-che-chu-bien-len-tieng-680054.html

[3]: https://soha.vn/gs-tran-dinh-su-hd-tham-dinh-co-phan-ne-nang-khong-kien-quyet-yeu-cau-sua-chua-sgk-tieng-viet-lop-1-20201013095004256.htm

[4]:http://congan.com.vn/tin-chinh/co-dau-hieu-loi-ich-nhom-trong-gia-sach-giao-khoa_101644.html

Nguyễn Trọng Bình