Tiếng Việt 1 Cánh Diều nhiều lỗi, sai ngôn ngữ, góc nhìn, đối tượng…sửa làm sao?

18/10/2020 09:50
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Truyện cổ tích, ngạn ngữ, thơ ca... Việt Nam thiếu gì chuyện hay mang đậm chất giáo dục, sao không khai thác, lại phải đi vay mượn nước ngoài rồi "phỏng theo"?

Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội trong thời gian qua đã không ít các bậc phụ huynh và giáo viên bày tỏ không thể lý giải nổi vì sao gà trống vốn chỉ là một con vật bình thường lại hóa thành… thú dữ trong sách.

Nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra các trích dẫn theo nhà văn nổi tiếng Lev Tolstoy thì cũng là trích dẫn sai.

Bản gốc câu chuyện khi được dịch ra hoàn toàn khác, người viết sách giáo khoa đã làm mất hẳn ý nghĩa câu chuyện, vừa làm cho lời văn thô, mất ý nghĩa vừa phản giáo dục, tạo sự liên tưởng sai cho trẻ em về sự vật, hiện tượng.

Cũng ở bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, nhiều chỗ sử dụng ngôn ngữ địa phương, không mang tính phổ thông, gây khó hiểu cho học sinh, thậm chí giáo viên cũng thấy rất khó để giải thích cho các em học sinh hiểu được nghĩa của câu.

Chẳng hạn, nhóm biên soạn thay vì viết "nhai" thì dùng những từ như "nhá" (nhá cỏ, nhá dưa), gà con viết thành "gà nhiếp"…

Nhiều giáo viên khi giảng dạy cũng không thể nào hiểu được từ "gà nhiếp". Và đáng nói hơn là bộ sách trên còn đưa vào những bài tập đọc thiếu tính giáo dục, thậm chí cổ xúy bạo lực.

Ông Vinh nêu quan điểm: “Quá nhiều ý kiến rồi, sai be bét như thế, lỗi dày đặc như thế, lỗi cả nội dung, ngôn ngữ, câu cú, góc nhìn, đối tượng…sửa làm sao? Phải bỏ thôi". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Vinh nêu quan điểm: “Quá nhiều ý kiến rồi, sai be bét như thế, lỗi dày đặc như thế, lỗi cả nội dung, ngôn ngữ, câu cú, góc nhìn, đối tượng…sửa làm sao? Phải bỏ thôi". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước vấn đề trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người cho biết ông đã tìm hiểu rất kỹ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều, ông Vinh chia sẻ:

Trước dư luận xã hội chỉ ra những “hạt sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ sách Cánh Diều), nhưng chủ biên và Hội đồng thẩm định cho rằng họ đã làm rất kỹ và trách nhiệm, và họ cũng cho rằng những câu văn trong đó là hợp lý với ghép vần.

Theo tôi đó là bảo thủ, nguỵ biện, coi thường dư luận xã hội, vịn vào những chủ trương, nghị quyết để làm lá chắn cho mình, những việc đó của Chủ biên và hội đồng thẩm định đã đẩy sự việc đi xa thêm.

Trong khi, sự việc đã rõ mười mươi như thế, họ không chịu nhận lỗi, còn cố cãi làm gì. Trước đó nữa, họ còn quy chụp người góp ý là xuyên tạc, là động cơ này kia.

Đây không còn là sạn, không còn khái niệm này nữa, mà là sai, thậm chí có nhiều bài soạn sai lớn: Sai cả góc nhìn, sai cả đối tượng giảng dạy, sai cả việc chỉ cần áp từ mới mà bất cần văn chương, bất cần câu cú, bất cần vẻ đẹp ngôn từ là cách làm ấu trĩ.

Việc làm này nó không có tâm của người sư phạm, nó đối phó, làm lấy được, làm như làm khoán cho xong việc, rất đáng buồn và đáng trách.

Ngay như một số đoạn trích ngụ ngôn, chủ biên sách giáo khoa ghi là của nhà văn Lev Tolstoy nhưng trên thực tế thì ông Lev Tolstoy dịch từ ngụ ngôn Aesop (Ê-dốp).

Đó là sự làm việc ẩu, rất ẩu, cách làm việc copy, cắt dán thành thói quen rất đáng phê phán hiện nay, không truy cứu gốc gác tác phẩm, tác giả, cắt dán liên hồi, nếu trước đó nguồn dẫn sai thì cứ thế sai, sai mãi.

Đến như câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân mà còn sai những 20 năm qua với bao lần in, dù đã được cá nhân nhà thơ tới tận nhà xuất bản đề nghị. Những nhà soạn sách giáo khoa không có tâm của người soạn sách, nó như nhà chế biến hàng hoá vậy, ào ào vậy, không sai mới lạ.

Trong sách này có nhiều truyện ngụ ngôn và có nhiều truyện dạy trẻ cái ác, điều xấu, lừa lọc, khôn lỏi…Đã có muôn vàn ý kiến phê phán điều này, nhưng vì sao các nhà biên soạn không tiếp thu, đó là do nhận thức, do góc nhìn, do họ bảo thủ, cao ngạo.

Họ nghĩ là có thể lấn át được dư luận bằng cái võ của của bằng cấp này kia, nhưng việc họ dẫn truyện ngụ ngôn, xào xáo, và đưa nhiều đoạn với ý tứ, ngôn từ xấu như thế mà họ nghĩ là để giáo dục con trẻ thì sai lầm này thuộc về ý thức của họ”.

Trẻ con sẽ học được gì từ những chú thích sai, cẩu thả trong sách giáo khoa như thế này? Ảnh: TD.

Trẻ con sẽ học được gì từ những chú thích sai, cẩu thả trong sách giáo khoa như thế này? Ảnh: TD.

Không thể sách viết một đằng lại yêu cầu giáo viên dạy một nẻo

Cũng theo Nhà Văn Nguyễn Quang Vinh: “Các nhà biên soạn cho rằng sách giáo khoa như vậy nhưng giáo viên phải tự dạy và biến hóa đi để trẻ hiểu được hướng thiện.

Trách nhiệm của anh là biên soạn sách giáo khoa thành một văn bản mẫu, văn bản pháp lệnh, giờ be bét sai thì anh nói giáo viên có thể tự điều chỉnh, thay thế từ ngữ phù hợp là cách nói thiếu trách nhiệm, phản khoa học, nếu thế thì cần gì phải làm sách giáo khoa.

Nếu thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần đưa cho giáo viên một bộ khung hướng dẫn và tự giáo viên lo lấy, cớ gì phải soạn sách, in sách, bán sách tiêu tốn ngàn ngàn tỉ đồng ngân sách và nhân dân.

Còn việc dạy thử nghiệm sách giáo khoa mới được chính nhóm tác giả và các nhà xuất bản bộ sách đó tổ chức nhưng theo tôi trách nhiệm quản lý, kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều sơ hở, thậm chí nương tay với nhà làm sách, họ tự viết, tự kiểm, tự đánh giá, tự báo cáo thì sao lại không tốt.

Việc phải thử nghiệm nhiều vùng, nhiều nơi, nhiều lớp và nhiều năm mới đưa ra dạy đại trà là việc buộc phải làm, nhưng họ né đi, họ qua loa, chỉ mong nhanh chóng bán sách với những “ quy trình”, để hôm nay chúng ta có một bộ sách giáo khoa lớp 1 mới thảm hại như thế này”.

Sửa hay bỏ bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều?

Ông Vinh nêu quan điểm: “Quá nhiều ý kiến rồi, sai be bét như thế, lỗi dày đặc như thế, lỗi cả nội dung, ngôn ngữ, câu cú, góc nhìn, đối tượng…sửa làm sao? Phải bỏ thôi.

Về cơ bản là tất cả những điều mà dư luận xã hội và báo chí phản ánh về những lỗi sai sót trong cuốn sách này là hoàn toàn đúng, không thể cãi được.

Có ba lý do như sau: Thứ nhất là việc đưa quá nhiều mà lại theo kiểu phỏng theo truyện ngụ ngôn của nước ngoài vào và các nhà biên soạn chỉ chỉnh sửa lại những đoạn văn, những câu cú nhưng khi đọc lên nó vừa vô cảm, không có cảm xúc…nói chung là nó không thành câu.

Điều thứ 2 là kho tàng truyện cổ tích, ca dao tục ngữ, văn chương Việt Nam có biết bao nhiêu lời hay ý đẹp, biết bao nhiêu câu văn, khổ thơ hay mang tính giáo dục sao không đưa vào?

Thứ ba là sau khi đọc cả một bộ sách mà những vấn đề vô cùng quan trọng dạy cho tuổi thơ như vấn đề cần phải xin lỗi, phải cảm ơn hay những động thái về mặt đạo đức thì lại rất hiếm, mà còn sai.

Theo tôi với bản sách Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh Diều chắc chắn phải hủy, không thể nào sửa được bởi góc nhìn sai, kết luận vấn đề sai, biên soạn sai và nhiều hạt sạn như vậy”.

Không ít các bậc phụ huynh và giáo viên bày tỏ không thể lý giải nổi vì sao gà trống vốn chỉ là một con vật bình thường lại hóa thành… thú dữ trong sách. Ảnh: TD.

Không ít các bậc phụ huynh và giáo viên bày tỏ không thể lý giải nổi vì sao gà trống vốn chỉ là một con vật bình thường lại hóa thành… thú dữ trong sách. Ảnh: TD.

Còn về việc nếu bỏ cuốn sách này thì việc các cháu lớp 1 năm nay đã học rồi và phụ huynh đã bỏ tiền ra mua sách sau đó bỏ đi thì ai là người phải chịu trách nhiệm?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, nhấn mạnh: “Sách trước hết là sản phẩm hàng hoá, dù là hàng hoá rất đặc biệt thì nó vẫn là hàng hoá, một hàng hoá lỗi, không dùng được thì người mua trả lại và người bán phải hoàn tiền, không hoàn tiền hoặc chây ì thì có pháp luật can thiệp.

Anh bán một sản phẩm giáo dục sai bét như thế là sai Luật, dứt khoát như vậy. Chưa nói tới hệ luỵ xấu của nó gây ra cho cả một thế hệ, nhiều thế hệ”.

Ông Vinh nói: “Để một bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều đầy lỗi ra thị trường như hiện nay thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm hành chính, trong đó có vai trò của Bộ trưởng. Sau đó nữa thì phân cấp ra mà chịu trách nhiệm.

Còn với nhà xuất bản, anh kiểm duyệt in ra một sản phẩm, không ai ép anh cả, anh tự nguyện, giờ sản phẩm đó sai, xã hội không sử dụng, anh phải chịu toàn bộ chi phí tiền bạc”.

Tùng Dương