Con bị “ép” học thêm, phụ huynh trường Trung học cơ sở Kim Nỗ kêu cứu!

15/10/2021 06:50
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài thời gian học chính khóa 2 buổi/ngày từ thứ 2 đến thứ 6, học sinh lớp 9A1 còn phải học thêm vào các khung giờ phụ, thậm chí vào cả ngày thứ bảy, Chủ nhật.

Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều phụ huynh có con học tại lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội bức xúc cho biết, con cái họ đang rất mệt mỏi vì ngoài lịch học chính khóa từ thứ 2 đến thứ 6 thì con họ còn bị "ép" học thêm trực tuyến vào các khung giờ phụ, thậm chí cả thứ 7 và Chủ nhật.

Theo các phụ huynh này, việc học thêm theo hình thức trực tuyến này chủ yếu được diễn ra với các môn như: Toán, Văn, Hóa học và tiếng Anh, thường xuyên xảy ra tại trường Trung học cơ sở Kim Nỗ với hầu hết các lớp trong nhiều năm nay.

Nếu học sinh nào không tham tham gia hoặc có ý định học thêm ở các lớp do giáo viên khác tổ chức, nằm ngoài sự “sắp xếp” của giáo viên chủ nhiệm thì học sinh ấy sẽ bị “quan tâm đặc biệt” suốt trong quá trình học tại trường.

Phụ huynh Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ (Đông Anh) cho rằng, việc phải học thêm 2 buổi tối/tuần với các môn Toán, Văn, Hóa học và Tiếng Anh trong khi các con phải học chính khóa sáng, chiều từ thứ 2 đến thứ 6 là quá mệt mỏi với con họ. Ảnh: Trung Dũng

Phụ huynh Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ (Đông Anh) cho rằng, việc phải học thêm 2 buổi tối/tuần với các môn Toán, Văn, Hóa học và Tiếng Anh trong khi các con phải học chính khóa sáng, chiều từ thứ 2 đến thứ 6 là quá mệt mỏi với con họ. Ảnh: Trung Dũng

Chị T. phụ huynh có con học lớp 9A1 lo lắng, cho biết: “Ở trên lớp các cô thường dạy cầm chừng để “ép” các con đi học thêm trong lớp của cô. Các con đã học 2 buổi/ngày từ thứ 2 đến thứ 6 và sắp tới đây có thể các con còn phải học tăng cường ở tất cả các khối lớp theo lịch của nhà trường vào các ngày cuối tuần nữa.

Thời lượng các con tham gia học trực tuyến chính khóa trên lớp đã kín như vậy nhưng các con vẫn bị yêu cầu một tuần phải học 2 buổi tối của các môn: Toán, Văn, tiếng Anh và Hóa học. Nhiều học sinh như con tôi không tránh khỏi mệt mỏi, uể oải. Không những thế, nếu các con không muốn học thêm của cô hoặc đi học thêm ở chỗ khác là bị cô doạ nạt, bắt học sinh ngừng ngay việc học thêm ở các lớp đó”.

Để minh chứng cho điều này, các phụ huynh đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều clip, đoạn ghi âm và hình ảnh của các buổi học thêm trực tuyến. Đáng chú ý, trong một đoạn ghi âm chúng tôi nhận được, có giọng của một người nữ giới, được cho là của cô N.T.T- giáo viên chủ nhiệm của lớp 9A1 đang tiến hành điểm danh trong một buổi học trực tuyến. Đặc biệt, người này liên tục có những phát ngôn nặng lời, có tính chất o ép học sinh.

Trước những phát ngôn của người phụ nữ này, các học sinh trong buổi học, được cho là các học sinh của lớp 9A1 chỉ biết im lặng ngồi nghe và làm theo những gì người phụ nữ “chỉ đạo”. Cụ thể, người phụ nữ này yêu cầu học sinh không được tiếp tục học thêm ở các lớp dạy thêm của giáo viên khác ngoài "chỉ định", và còn thẳng thừng chê bai về văn hóa và trình độ của các giáo viên các lớp dạy thêm đó.

Trong suốt đoạn hội thoại, người phụ nữ này luôn bắt đầu việc hỏi tất cả các thành viên khác trong buổi học trực tuyến câu hỏi giống nhau: “Em đang học thêm ở đâu? hoặc đang học thầy (cô) nào?”

Trong đoạn đầu ghi âm, người phụ nữ này nói: “Hôm nay, bạn nào học ở đâu cũng trả lời thật với cô để cô báo cáo với nhà trường. Sau vấn đề này, chúng ta cố gắng đả thông tư tưởng đi, không phải lo lắng. Học chỗ nọ, chỗ kia không bao giờ có kết quả tốt được!”.

Sau đó, người phụ nữ này tiến hành việc “điểm danh”: “Bạn V.A có học ở đâu không?”, một lúc sau không thấy tiếng trả lời trả lời người phụ nữ này lớn tiếng: “Bạn V.A không trả lời, tôi báo cáo với nhà trường đây hay để tôi gọi luôn cho mẹ anh xem là như thế nào nhá!”.

Sau nhiều lần bị réo tên, người có tên V.A trả lời rằng: “Cô ơi, con vừa xuống nhà lấy cái máy tính ạ!”. “Anh V.A có học ở chỗ nào không?”, người phụ nữ hỏi. “Em không ạ!”, người có tên V.A trả lời.

Người phụ nữ này lại tiếp tục: “Bạn P.T.A có học ở đâu không?”, khi nghe bạn P.T.A trả lời: “em có học thêm tiếng Anh của thầy D.”, người này liền lên tiếng chê bai: “không học tiếng Anh của thầy D. nữa, thầy D. chẳng có vị gì trong mấy cái bài học tiếng Anh cả. Các bạn biết thầy D. được đào tạo ở đâu không? Học tại chức ở trường huyện. Không có cái vị gì mà phải học ở đấy. Tập trung vào học trong trường, cô sẽ nói cô H. "để ý" thêm về việc học tiếng Anh của con”.

Tiếp đó, khi hỏi đến bạn có tên B.H về việc học tiếng Anh và biết bạn B.H đang học thêm tiếng Anh ở một giáo viên khác, người này nói: “tiếng Anh của em đã tốt thế rồi, còn học thêm nữa làm gì hả B.H?”. Nghe vậy, bạn B.H đáp “vâng, em nghỉ ạ”. Người phụ nữ này tiếp tục: “nghỉ đi nhá, không học nữa, tập trung vào chỗ cô H đi, cô H. cũng bảo là B.H học tốt tiếng Anh mà”.

Đến lượt bạn T.H với câu hỏi: “học ở đâu?”, bạn T.H đáp “em học tiếng Anh ở lớp cô Y ạ”. Ngay lập tức, người phụ nữ này lớn giọng: “Cô Y với cô H thì cô Y còn là em của cô H cơ mà, cô Y ra trường sau cô H bao nhiêu năm mà bảo cô Y hơn cô H hả T.H. Bỏ ngay cho cô học ở đấy đi, tập trung vào học ở lớp cô H thôi, không học ở đấy nữa”.

Bức xúc vì yêu cầu phải nghỉ học thêm ở lớp khác, bạn T.H đáp: “em học ở đấy không phải cô Y dạy”. Nghe được điều này, người phụ nữ càng lớn giọng hơn: “không phải cô Y dạy mà cô Y thuê người dạy chứ gì, như vậy thì càng không được! Bỏ ngay cho cô đi, cái tiếng Anh này chủ yếu là ngữ pháp, học ở đấy chả giải quyết được cái gì cả. Bỏ ngay cho cô, không đến lúc cô còn phát hiện ra thì chịu trách nhiệm với cô đấy!”.

Lịch học thêm của môn Toán có cụ thể ngày giờ được tạo sẵn trên ứng dụng học trực tuyến có mốc thời gian kết thúc vào buổi tối. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Lịch học thêm của môn Toán có cụ thể ngày giờ được tạo sẵn trên ứng dụng học trực tuyến có mốc thời gian kết thúc vào buổi tối. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Tương tự, lịch học thêm cho môn tiếng Anh cũng được tạo sẵn trên ứng dụng học trực tuyến Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Tương tự, lịch học thêm cho môn tiếng Anh cũng được tạo sẵn trên ứng dụng học trực tuyến

Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Môn Hóa học được lên lịch vào ngày 3/10/2021 (tức ngày Chủ nhật), không có trong thời khóa biểu chính khóa của trường. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Môn Hóa học được lên lịch vào ngày 3/10/2021 (tức ngày Chủ nhật), không có trong thời khóa biểu chính khóa của trường. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Không chỉ thế, theo tìm hiểu của phóng viên, khi đối chiếu với thời khóa biểu học chính khóa của lớp 9A1, trường Trung học cơ sở Kim Nỗ có thể thấy, các học sinh của lớp 9A1 đang có lịch học cố định ngày 2 buổi sáng và chiều, liên tục vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Chúng tôi không tìm thấy kế hoạch phải dạy bổ sung, tăng cường vào các khung thời gian khác từ nhà trường. Các phụ huynh cũng khẳng định, tất cả họ đều không nhận được thông báo nào từ nhà trường về yêu cầu học sinh phải học thêm hoặc học tăng cường.

Tuy nhiên, trong các clip và hình ảnh mà phụ huynh cung cấp có thể thấy, đều đặn vào các ngày có tổ chức học thêm, giáo viên phụ trách sẽ gửi tin nhắn thông báo cho học sinh. Đơn cử, trong chiều 5/10/2021 có tin nhắn thông báo với nội dung: “chiều nay, thứ 3 (5/10) các con học bồi dưỡng môn Toán từ 18 giờ 30 đến 20 giờ 30”.

Ngoài ra, lịch học cụ thể và chi tiết thời gian của ngày học đó như thế nào cũng được các giáo viên phụ trách buổi học thêm đó lên lịch sẵn trên ứng dụng học trực tuyến. Phóng viên cũng ghi nhận được một số thông tin các tiết học được lên lịch. Tất nhiên, các kế hoạch này không có trong thời khóa biểu chính thức của lớp 9A1, trường Trung học cơ sở Kim Nỗ.

Cụ thể một số lịch học thêm được tạo trong ứng dụng học trực tuyến được chúng tôi ghi nhận như sau:

Môn Toán, người tổ chức là N.T.T, với thời gian từ 6 giờ 30 (chiều) đến 8 giờ 30 (tối) trong ngày 5/10, đối chiếu trong thời khóa biểu của trường, trong ngày này chỉ có học buổi sáng và chiều, không có lịch học buổi tối.

Môn Tiếng Anh, người tổ chức T.T.H, thời gian từ 4 giờ 30 (chiều) đến 7 giờ 30 (tối) trong ngày 6/10, trong thời khóa biểu chính khóa của trường không có lịch học buổi tối.

Môn Hóa, người tổ chức là N.T.H, với thời gian học từ 2 giờ (chiều) đến 4 giờ (chiều) trong ngày Chủ nhật (3/10), trong thời khóa biểu chính khóa của trường cũng không có lịch học nào vào ngày Chủ nhật như vậy.

Bên cạnh đó, khi theo dõi trong các clip của các lớp học thêm được phụ huynh cung cấp có thể thấy, dù là buổi học thêm nhưng các học sinh trong lớp 9A1 đều phải trải qua việc điểm danh theo thứ tự để đảm bảo tham gia đủ 100%. Học sinh nào vắng mặt, nghẽn mạng, míc không nói được hoặc gọi tên nhiều lần không trả lời đều bị giáo viên nhắc nhở.

Tin nhắn thông báo thời gian tổ chức học bồi dưỡng từ người được cho là giáo viên chủ nhiệm gửi. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Tin nhắn thông báo thời gian tổ chức học bồi dưỡng từ người được cho là giáo viên chủ nhiệm gửi.

Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Không chỉ bức xúc về việc các học sinh phải học thêm ở các lớp theo “ý muốn” của giáo viên trong trường, mà mức học phí phải chi trả cho các con họ khi tham gia các buổi học thêm trực tuyến cũng khiến các phụ huynh uể oải .

Anh H. một phụ huynh bức xúc cho hay: “Tiền học thêm của các con ở các môn: Văn, Toán, Tiếng Anh đang là 30.000 đồng/buổi, mà mỗi tuần các con phải học thêm 2 buổi/môn. Trung bình một tháng, chi phí cho các con học thêm vào 3 môn này vào khoảng 720.000 đồng. Ngoài ra, với môn Hoá học thì được tính theo tháng với mức 100.000 đồng/ tháng

Như vậy, với tổng tiền học thêm bắt buộc theo lớp là 820.000 đồng/tháng với các môn các con bị “ép” học. Chúng tôi chưa tính đến các khoản đóng góp khác và học thêm ngoài trường, với một vùng ngoại thành Hà Nội, thu nhập của người dân như chúng tôi đa phần rất thấp, phụ huynh chủ yếu là công nhân với mức lương 5-6triệu đồng/tháng thì đây là chi phí rất lớn. Hơn nữa, năm nay dịch bệnh kéo dài, nhiều phụ huynh còn bị thất nghiệp và phải ở nhà thì việc chi tiêu ăn uống, học hành cho mấy đứa con như vậy quả thật quá vất vả”.

Điều 4, Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT quy định về các trường hợp không được dạy thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Trung Dũng