Con kiểm tra học kì, cha mẹ cũng hụt hơi

10/12/2019 06:22
Cao Nguyên
(GDVN) - Nhiều môn học được kiểm tra dồn dập khiến học sinh quá tải, cùng với đó cha mẹ cũng mệt nhoài với con.

Khoảng gần một tuần trước kì kiểm tra học kì 1 năm học 2019-2020, chúng tôi nhận được thư mời họp phụ huynh của một trường trung học cơ sở ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi tham dự cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm lớp 7 để chuẩn bị cho kì kiểm tra học kì 1 của con em được tốt nhất.

Chỉ là một kì kiểm tra học kì bình thường, thế nhưng, giáo viên chủ nhiệm gọi đó là “kì thi” khiến phụ huynh không khỏi lo lắng.

Giáo viên cũng không quên liệt kê nhiều học sinh có điểm kiểm tra tháng dưới mức trung bình để phụ huynh quan tâm hơn đến con em.

Nhằm giúp học sinh đạt điểm cao trong kì thi này, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở phụ huynh phải đồng hành cùng con. Cha mẹ, người thân phải đốc thúc con cái học bài, dò bài cho con và nhắc con tạm gác vui chơi giải trí.

Cùng với đó, những học sinh yếu của lớp sẽ được giáo viên bộ môn tăng cường phụ đạo vào thời gian rảnh trong tuần.

Cho con đi học thêm, cha mẹ thêm gánh nặng về tiền bạc và thời gian đưa đón. (Tranh minh họa: Congan.com.vn)
Cho con đi học thêm, cha mẹ thêm gánh nặng về tiền bạc và thời gian đưa đón. (Tranh minh họa: Congan.com.vn)

Chúng tôi xem lịch kiểm tra của các môn thì không khỏi bàng hoàng, bởi thời gian gấp rút, trong khi đó có quá nhiều môn kiểm tra.

Cụ thể, chỉ trong một tuần nhưng học sinh lớp 7 phải kiểm tra đến 9 môn (Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngữ văn, Vật lí, Toán, Lịch sử, tiếng Anh và Sinh học).

Mỗi môn kiểm tra, giáo viên đều cho sẵn đề cương giới hạn nội dung ôn tập. Học sinh chỉ việc làm hết các nội dung trong đó là có thể tự tin làm bài.

Thế nhưng, để học hết nội dung ôn tập này trong khoảng 2 tuần, thực sự là quá sức với học sinh.

Chúng tôi đếm được, các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh có khoảng 15 đề ôn tập, với hơn 20 trang đề cương/môn. Các môn còn lại, nội dung ôn tập từ 5-7 bài và đề cương có độ dài cũng không kém các môn nhiều tiết.

Với các môn khoa học xã hội, chúng tôi có thể dò bài cho con, chỉ cần con học thuộc. Và thế là, không kể giờ nghỉ trưa hay buổi tối, cha mẹ, người thân phải tranh thủ dò bài cho con hết môn này đến môn khác, đến khi con đọc thuộc lòng mới thôi.

Đề cương, nỗi ám ảnh của cả… phụ huynh!
Đề cương, nỗi ám ảnh của cả… phụ huynh!

Không được nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, cộng với việc phải bỏ nhiều thời gian dò bài cho con, khiến chúng tôi mệt nhoài.

Nhưng với các môn khoa học tự nhiên, chúng tôi đành bất lực bởi thiếu kiến thức, thiếu phương pháp. Và thế là, dù muốn hay không, chúng tôi phải cho con đi học thêm để không thua chúng kém bạn.

Chúng tôi trao đổi với con về việc học các môn tự nhiên ở trên lớp thì con nói rằng, nếu không đi học thêm, những bạn giỏi cũng chỉ trên 8 điểm, còn bạn khá trên 6 một chút là cùng.

Lí do con đưa ra điểm số như vậy bởi đề ra luôn có những bài tập khó, thầy cô không có nhiều thời gian giảng trên lớp. Cho nên, học sinh nào đi học thêm thì được luyện tập nhiều, làm đi làm lại mới có thể đạt điểm khá, giỏi.

Con cái đi học thêm, chúng tôi thêm gánh nặng về tiền bạc đã đành, nhưng còn mất nhiều thời gian đưa đón. Ở thành phố lớn, việc cha mẹ đưa đón con thật khó khăn vô cùng, đôi lúc không biết phải sắp xếp thời gian sao cho hợp lí.

Cha mẹ làm việc ở công ty, cơ quan cứ nơm nớp lo lắng về thời gian đưa đón con, nên cũng khó chú tâm vào công việc.

Nhiều phụ huynh không an tâm để con tự đi bộ, đi xe đạp hay phương tiện khác vì không đảm bảo an toàn giao thông.

Và chưa biết kết quả sắp tới của con cái thế nào, nhưng cứ đến kì kiểm tra là tất cả đều quá mệt mỏi.

Học sinh lớp 7, chỉ mới 13 tuổi, nhưng các con phải nạp một lượng kiến thức quá sức.

Đành rằng, có những đơn vị kiến thức học sinh cần phải học thuộc, ví như những công thức, định nghĩa, định lí… Nhưng có cần thiết, bất cứ môn nào cũng phải thuộc lòng hay không?

Đến môn Ngữ văn, nhiều giáo viên cũng bắt học sinh phải học thuộc văn mẫu vì lo sợ các em bị điểm thấp, sẽ ảnh hưởng đến thi đua người thầy.

Hơn nữa, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, mà cái gì cũng học thuộc liệu có hợp lí không?

Thầy cô có dám chắc, sau kì kiểm tra học sinh có nhớ hết kiến thức, hay chữ thầy lại trả cho thầy bởi lối học vẹt, học nhồi nhét?

Chúng tôi nhận thấy, học sinh ở các cấp học hiện nay đều bị quá tải bởi chương trình nặng nề. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường, thầy cô nhiều nơi đã biến kiểm tra định kì thành kì thi làm cho việc học càng thêm áp lực.

Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng đợt thay sách giáo khoa sắp tới học sinh sẽ không còn bị bội thực kiến thức nữa.

Thay vào đó, học sinh sẽ được học tập nhẹ nhàng, được rèn thêm kĩ năng sống và được sống đúng nghĩa với tuổi thơ, tuổi hồn nhiên của học sinh.

Cao Nguyên