Đề cương, nỗi ám ảnh của cả… phụ huynh!

30/11/2019 06:21
Lê Mai
(GDVN) - Phần lớn giáo viên ra đề kiểm tra đều đã được tập huấn đổi mới kiểm tra đánh giá, thế nhưng giữa chủ trương và thực tế là một …. bờ vực thẳm.

Thời gian này, các tiệm phô tô nhộn nhịp khách hàng “nhí”, phần lớn là vào để phô tô đề cương kiểm tra học kì I.

Không ít phụ huynh "tá hỏa" khi thấy xấp đề cương của con mình; nào là Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, …học môn nào là có đề cương môn đó.

Chị Hoa Anh có con học lớp 6 chia sẻ “Khiếp, mới bé tẹo mà phải học đủ thứ; nằm mơ ngủ đọc cả đề cương môn lịch sử; đi làm về mệt rồi, vẫn phải cầm đề cương dò bài cho con. Thấy nó học, tội quá, chắc phải chuyển vào trường … quốc tế”.

Bạn M. có con học lớp 7 chia sẻ “Người ta đã vận động đổi mới, tránh hàn lâm trong dạy và học, vậy mà cứ bắt học trò học thuộc lòng, biến học trò thành con vẹt, lỗi này thuộc về ai”.

Khi đề cương đã không còn tính bằng trang, mà được tổng hợp thành từng quyển dày, chất cao hơn đầu. (Ảnh minh họa: Đậu Văn Nhật Hoàng/ Tiin.vn)
Khi đề cương đã không còn tính bằng trang, mà được tổng hợp thành từng quyển dày, chất cao hơn đầu. (Ảnh minh họa: Đậu Văn Nhật Hoàng/ Tiin.vn)

Không “học gạo” đề cương có được không?

Phần lớn giáo viên ra đề kiểm tra đều đã được tập huấn đổi mới kiểm tra đánh giá, thế nhưng giữa chủ trương và thực tế là một …. bờ vực thẳm.

Đề kiểm tra vẫn hướng đến “lối cũ ta về”, vẫn còn rất nhiều cụm từ “viết lại bài thơ, khổ thơ”; “trình bày khái niệm, định lý, định luật” “nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa”, “cấu tạo của…”; “kể lại …” v.v...

Nếu không “học gạo” đề cương có được không? Chắc chắn không rồi, làm sao mà đạt điểm cao được?

Đề cương ép học sinh gian dối

Không ít học sinh trước áp lực điểm số đã có tuyệt chiêu “thu nhỏ” đề cương, cứ sau mỗi lần kiểm tra, học sinh “giải tỏa” bằng cách ném “phao” trắng sân trường.

Hiện tượng phao trắng sân trường bị báo chí phản ánh, nên phần lớn các trường đã “quán triệt”, thế nhưng trong đó vẫn không ít “phao”.

Giáo viên, giám thị biết không? Biết, nhưng “bỏ qua” vì “thương” học sinh; kiểm tra tập trung thời gian ngắn, bài nhiều, học sao xuể.

Chính vì thế đã vô tình ép học sinh gian dối, lần đầu còn ngại, sau dần thành thói xấu, cứ kiểm tra, thi là quay cóp; lớn lên đi làm, thói xấu này khó bỏ, làm láo báo cáo hay.

Không cho học sinh đề cương, có được không?

Phải chăng vì học “gạo’ nên sợ đề thi của Phòng, của Sở?
Phải chăng vì học “gạo’ nên sợ đề thi của Phòng, của Sở?

Cứ sắp kiểm tra học kì, giáo viên lại nhận được thông báo yêu cầu nộp đề, đáp án kèm... đề cương ôn tập cho học sinh.

Tất nhiên đề cương được soạn theo đề ra, học thuộc đề cương là làm được đề kiểm tra và ngược lại, vì thế học sinh nào cũng cố mà “gạo”.

Vì tỷ lệ bộ môn đã đăng ký đầu năm, vì thế giáo viên đành làm thêm nhiệm vụ soạn đề cương cho học sinh học.

Cũng có giáo viên không soạn đề cương, chỉ cho đề cương dạng câu hỏi ôn tập “gần” với đề ra, học sinh tự làm bài, tự làm đề cương; học sinh trung bình, yếu, lười, chỉ cần xin bản phô tô của học sinh giỏi là … vô tư.

Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “đề cương ôn tập”, có 262 triệu kết quả, trong vòng 0.48 giây; nhìn vào kết quả, bạn sẽ thấy đề cương ôn tập… nằm ngay trên các website của các trường học.

Để tránh tình trạng quay cóp, học tủ, học lệch, học dựa vào đề cương, cần tổ chức kiểm tra đánh giá nghiêm minh, khách quan.

Đề kiểm tra tập trung kiến thức trọng tâm, tăng cường kĩ năng, tránh học thuộc lòng. Nhà trường, phụ huynh đừng vì áp lực điểm số mà bắt ép học sinh học thuộc lòng. Muốn trẻ hạnh phúc, đơn giản nhất đừng dùng điểm số của trẻ so sánh với “con nhà người ta”.

Kiểm tra học kì I đang đến gần, xin đừng vì đề cương mà làm làm khổ con trẻ mỗi khi nghĩ đến chuyện học hành.

Lê Mai