Đã cảnh cáo trong Đảng, sớm muộn gì cũng bị xử lý bởi pháp luật

20/06/2019 06:20
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến phán đoán: “Sau khi cảnh cáo về mặt Đảng, tôi tin một thời gian ngắn sẽ có bước xử lý về mặt chính quyền, có thể cách chức hoặc miễn nhiệm".

Ngày 18/6, Tỉnh ủy Hà Giang đã thông báo kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên liên quan đến vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại hội đồng thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018.

Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý - tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và ông Vũ Văn Sử - nguyên tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh Trinh Phúc).
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh Trinh Phúc).

Bình luận xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Sau kỷ luật Đảng thì những vị này có thể phải đối mặt với kỷ luật bên chính quyền. Thậm chí nếu vi phạm Bộ luật hình sự sẽ bị khởi tố hình sự.

Theo ông Lê Như Tiến, hình thức kỷ luật ông Trần Đức Quý và ông Vũ Văn Sử chỉ là bước cảnh cáo về mặt Đảng. Đã cảnh cáo trong Đảng thì sau đó tiếp tục sẽ có những hình thức xử lý ở chính quyền.

Ông Lê Như Tiến phán đoán: “Ngay sau khi cảnh cáo về mặt Đảng, tôi tin chắc một thời gian rất ngắn sẽ có bước xử lý về mặt chính quyền, có thể cách chức hoặc miễn nhiệm đối với các ông này.

Hơn thế nữa, nếu vi phạm trách nhiệm hình sự, vi phạm các điều luật trong Bộ luật hình sự về Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Cảnh cáo Phó Chủ tịch Hà Giang, 210 phụ huynh liên quan đến gian lận điểm thi
Cảnh cáo Phó Chủ tịch Hà Giang, 210 phụ huynh liên quan đến gian lận điểm thi

Vị này nhấn mạnh: “Đây chỉ là bước đầu, ví dụ một số Bộ trưởng, Phó Chủ tịch tỉnh trước đây cũng bị xử lý cảnh cáo trong Đảng.

Sau đó về chính quyền cho thôi giữ chức, sau đó xử lý hình sự”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang: Tại Hội đồng thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang có 309 bài thi của 107 thí sinh được can thiệp nâng điểm.

Tương ứng với số này có 210 bố, mẹ của thí sinh được xác định liên quan đến việc nâng điểm (trong đó, có 2 thí sinh trong cùng một gia đình).

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 5 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đầu tháng 6/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị truy tố 5 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Các bị can bao gồm: Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang);

Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang);

Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang);

Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) và Lê Thị Dung (Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang).

Đồng thời cơ quan điều tra cũng xác định có 107 thí sinh bị can thiệp điểm chưa không phải 114 thí sinh như Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Trinh Phúc