Đã có một số lượng đáng kể học viên tham gia 2 đề án nghìn tỷ không về nước

14/06/2021 06:36
TẤN TÀI (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số giảng viên tham gia các đề án 322, 911 vi phạm cam kết nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi kinh phí là bài học đắt giá để triển khai đề án 89.

LTS: Tiếp tục chia sẻ về thực tiễn triển khai các đề án 322 và 911 của Đại học Đà Nẵng cũng như những bài học rút ra để thực hiện tốt đề án 89 lần này, Phó Giáo sư Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã có những góp ý để đề án đạt được mục tiêu đề ra.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Phóng viên: Nhiều trường hợp các học viên tham gia đề án nhưng khi học xong thì định cư ở lại nước ngoài, hoặc làm việc cho các công ty nước ngoài (phá vỡ cam kết ban đầu), vậy hướng xử lý những trường hợp này ra sao?

Đã có nhiều trường hợp khởi kiện ra Tòa để thu hồi tiền ngân sách và thực tiễn tại Đại học Đà Nẵng đã thu hồi đối với các giảng viên phá vỡ cam kết (đề án 911) bằng cách nào, thưa thầy?

Phó Giáo sư Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đã có ba trường Đại học thành viên gửi đề án tham gia đào tạo theo đề án 89. Ảnh: TT

Phó Giáo sư Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đã có ba trường Đại học thành viên gửi đề án tham gia đào tạo theo đề án 89. Ảnh: TT

Phó Giáo sư Lê Thành Bắc: Theo tôi được biết thì đã có một số lượng đáng kể học viên tham gia đề án 322, 911 học xong không về nước theo cam kết.

Tuy nhiên việc xử lý các trường hợp phá vỡ cam kết tại các cơ sở đào tạo khác cụ thể ra sao thực sự tôi không có thông tin. Cụ thể với các học viên của Đại học Đà Nẵng tham gia đề án 322 và 911 thì số lượng phá vỡ cam kết không đáng kể.

Cụ thể, trong đề án 322 từ 2000-2010, Đại học Đà Nẵng đã cử đi 109 người đi học tập ở các nước tiên tiến trên thế giới, phần lớn đã hoàn thành chương trình đào tạo và trở lại đơn vị tiếp tục công tác.

Trong số này, có 4 trường hợp gồm: một người không hoàn thành khóa học do sức khỏe, 1 người định cư ở nước ngoài không thể liên lạc được, 2 người (gồm 1 Tiến sĩ và 1 Thạc sĩ) tự ý bỏ về.

Đại học Đà Nẵng đang phối hợp với các đơn vị để xét bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành. Đề án 911 được phê duyệt vào năm 2010, khởi động từ tháng 8-2011, chính thức tuyển sinh từ năm 2012-2017.

Đại học Đà Nẵng đã cử đi 133 người, đến nay 106 người hoàn thành chương trình đào tạo, về lại đơn vị công tác, còn 18 người đang học, 9 người không hoàn thành khóa học (vì một số lý do: sức khỏe, bị trường buộc thôi học).

Trong đó 3 trường hợp đã bồi hoàn; 2 trường hợp đau yếu về nước và Hội đồng xét bồi hoàn đề nghị miễn; 1 trường hợp Bộ báo về ngày 25/5/2021 đang làm thủ tục Hội đồng để xem xét và 1 trường hợp bỏ việc không thể liên lạc được.

Phóng viên: Vấn đề thu hồi học phí của học viên đề án đi học không về được xem là vấn đề khó khăn, phức tạp đối với các trường Đại học. Ngay trong đề án 89 cũng có nêu rõ nếu học viên đi học không về thì nhà Trường phải chịu trách nhiệm thu hồi.

Theo quan điểm của thầy thì quy định như vậy liệu có ổn không? So với các đề án trước đây thì trách nhiệm của nhà trường trong đề án này có gì khác?

Phó Giáo sư Lê Thành Bắc: Đúng là việc thu hồi học phí của các học viên không tuân thủ các cam kết khi đi học bằng học bổng ngân sách thực tế những năm qua rất khó khăn, phức tạp (với đề án 911 khi xảy ra trường hợp người cử đi học phá vỡ cam kết, Bộ gửi công văn về để trường thành lập Hội đồng xét đền bù).

Nay trong đề án 89 thì ghi rõ Trường cử đi phải chịu trách nhiệm thu hồi, có phân rõ trách nhiệm, nhưng đây là nhiệm vụ không đơn giản.

Để hoàn thành được nhiệm vụ này, theo tôi ngoài nỗ lực của các trường trong việc rà soát tuyển chọn đúng đối tượng, có những cam kết rõ ràng quyền lợi/nghĩa vụ với người học (nên có sự Bảo lãnh của gia đình, có xác nhận và chứng thực của địa phương nơi cán bộ đang cư trú).

Cần hợp đồng cụ thể với đơn vị cử đi đào tạo, có cam kết khi trở về bố trí công việc đúng chuyên môn. Trường nên căn cứ kết quả năm trước để cấp học bổng và học phí năm sau, tăng vai trò quản lý của Khoa, Bộ môn có người học giữ liên hệ thường xuyên…

Ngoài ra, thì cần có sự phối hợp của các cấp với nhà trường (ví dụ sứ quán hỗ trợ các trường tìm trường đối tác, hỗ trợ quản lý lưu học sinh, địa phương hỗ trợ giải quyết vi phạm hợp đồng…) cũng như quy định pháp lý rõ ràng hơn để nếu xảy ra cam kết của người học với nhà trường bị phá vỡ phải được xử lý hiệu quả.

Tuy nhiên với đối tượng là các học viên chưa phải là viên chức của trường, chỉ cần có cam kết tốt nghiệp về trường phục vụ trường (đây là điểm mới của đề án 89), nếu họ phá cam kết thì việc trường thu lại kinh phí sẽ khó khăn hơn nữa.

Trong những năm qua, tại Đại học Đà Nẵng triển khai những quy định bắt buộc với viên chức trước khi được cử đi học là phải có bản cam kết với có 7 nội dung (từ mẫu của Bộ có sửa đổi), quan trọng nhất nội dung 5 và 7 như sau:

Cam kết công tác tại Đại học Đà Nẵng với thời gian gấp 3 lần so với tổng thời gian của khóa đào tạo, tính từ thời điểm được cử đi đào tạo;

Nếu không thực hiện đúng các điều cam kết trên, gia đình người học hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo.

Những giảng viên được cử đi đào tạo, khi trở về Đại học Đà Nẵng công tác đã phát huy tốt năng lực của mình, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng giảng viên trong toàn Đại học Đà Nẵng.

Nhiều cán bộ là lực lượng nòng cốt của các khoa, bộ môn, trưởng các nhóm nghiên cứu giảng dạy, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Nhiều ý kiến đóng góp được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề án 89 đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh minh họa: TT

Nhiều ý kiến đóng góp được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề án 89 đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh minh họa: TT

Phóng viên: Việc triển khai đề án 89 tại Đại học Đà Nẵng diễn ra như thế nào rồi, thưa thầy?

Phó Giáo sư Lê Thành Bắc: Về việc triển khai đề án 89 của Đại học Đà Nẵng thì trong năm 2019 Đại học Đà Nẵng đã gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo Báo cáo năng lực và nhu cầu đào tạo trình độ Tiến sĩ/Thạc sĩ trong đó có dự kiến rõ số giảng viên cần đào tạo của từng giai đoạn:

Giai đoạn 2019-2024: 540 giảng viên đào tạo trình độ Tiến sĩ, Giai đoạn 2025-2030: 495 giảng viên đào tạo trình độ Tiến sĩ.

Thực hiện đề án 89 Đại học Đà Nẵng đã triển khai, phổ biến đến các trường đại học thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Đà Nẵng.

Hiện nay, Đại học Đà Nẵng đang rà soát, tổng hợp danh sách ứng viên đủ điều kiện đăng ký dự tuyển theo đề án 89 năm 2021 và năm 2022 để gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có 3 trường thành viên của Đại học Đà Nẵng gồm trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Kinh tế và trường Đại học Sư phạm đã gửi đề án tham gia đào tạo theo đề án 89.

Tuy nhiên Đại học Đà Nẵng đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố danh sách phê duyệt những cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo theo đề án 89 để triển khai các bước tiếp theo.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!

TẤN TÀI (thực hiện)