Tự chủ đại học về mặt tài chính, tổ chức nhân sự vẫn còn nhiều vướng mắc

25/11/2020 15:33
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” là diễn đàn quan trọng gắn Quốc hội với cử tri...

Ngày 25/11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với các đơn vị tổ chức gặp mặt báo chí (lần 2) thông tin về hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn”.

Buổi họp báo có sự tham gia của ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; ông Vũ Minh Đạo, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng ông Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và ông Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng nhấn mạnh: “Trước những yêu cầu mới của thời đại, giáo dục đại học nước ta cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tự chủ đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo”.

Cũng theo ông Thắng, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, tuy nhiên, từ quy định chính sách đến thực tiễn thi hành vẫn còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ, có những khoảng cách cần phải thu hẹp.

Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” là diễn đàn quan trọng gắn Quốc hội với cử tri, gắn việc hoạch định chính sách của Nhà nước với tiếng nói của các chủ thể liên quan trực tiếp, hướng tới việc trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong giáo dục đại học, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành và có hiệu lực thực thi từ tháng 7/2019.

Các đại biểu chủ trì cuộc gặp mặt báo chí thông tin về Hội thảo Giáo dục 2020. (Ảnh: Phạm Minh)

Các đại biểu chủ trì cuộc gặp mặt báo chí thông tin về Hội thảo Giáo dục 2020. (Ảnh: Phạm Minh)

Trên cơ sở đó, Hội thảo đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp mới.

Hội thảo sẽ chính thức diễn ra vào ngày 27/11/2020 tại Phòng Thăng Long, Nhà Quốc hội, với sự tham gia của khoảng 250 đại biểu, có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hiện đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý đại diện cơ sở giáo dục đại học và các chuyên gia, nhà khoa học.

Thảo luận tại buổi gặp mặt báo chí, phóng viên Thu Phương - báo Công an Nhân dân nêu vấn đề: “Đã có rất nhiều cuộc hội thảo liên quan đến tự chủ giáo dục đại học nhưng đến nay, việc thực hiện vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc về luật chưa thể giải quyết. Liệu rằng Hội thảo lần này có kỳ vọng sẽ giải quyết được những vướng mắc đang gặp phải”?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban, Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết:

“Hội thảo đặt ra rất nhiều mục tiêu nhưng hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Thực tế hiện nay, tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc, vì hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học được điều chỉnh bởi những luật khác nhau.

Cụ thể như, vấn đề về nhân sự phụ thuộc Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức; vấn đề tài chính tài sản phụ thuộc vào Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công; vấn đề về nghiên cứu khoa học thì phụ thuộc Luật Khoa học công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc về tự chủ giáo dục đại học.

Tuy nhiên, về mặt quy trình, về mặt quy định lại không thực hiện được vì đây là luật chuyên ngành, không thể dùng luật chuyên ngành để điều chỉnh những luật khác”.

Toàn cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về Hội thảo Giáo dục 2020. (Ảnh: Phạm Minh)

Toàn cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về Hội thảo Giáo dục 2020. (Ảnh: Phạm Minh)

Cũng theo ông Phạm Tất Thắng, ở nước ta hiện nay, tự chủ đại học về cơ bản vẫn là tự chủ học thuật, chuyên môn. Với vấn đề về tài chính tài sản, tổ chức nhân sự.,... vẫn còn nhiều vướng mắc.

Mặc dù Hội đồng trường đã được giao trách nhiệm có thể ban hành những quy định hướng dẫn và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng không thể thoát khỏi khuôn khổ quy định của luật chuyên ngành.

Ông Phạm Tất Thắng nêu quan điểm: “Để tạo hành lang pháp lý đủ rộng cho tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, một trong những việc quan trọng là sửa đổi luật chuyên ngành và sửa đổi một số điều luật chuyên ngành có liên quan”.

Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” sẽ nhìn nhận những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn, trên cơ sở đó để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đại biểu quốc hội cùng hiến kế để tháo gỡ vấn đề này.

Phạm Minh