LTS: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai quyết định số 89 phê duyệt đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 (Đề án 89).
Để hoàn thành mục tiêu đề án 89, trong 10 năm tới cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.
Đề án 89 lần này được xem là sự tiếp nối hai đề án trước đó là 322 và 911 khi cả hai đề án này không đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Xung quanh việc Nhà nước tiếp tục bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đào tạo “nhân tài” về phục vụ cho các trường Đại học lần này đã có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.
Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đề án lần này phải được quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm nguồn ngân sách không bị lãng phí, nhân tài được cử đi học phải trở về để phục vụ nhà trường.
Sự tiếp nối “muộn màng”
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ, chính sách đào tạo đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ chất lượng cho các trường Đại học là vấn đề còn nhiều trăn trở.
Đề án 89 đưa ra mục tiêu đào tạo trình độ Tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, trong đó 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới. Ảnh: TT |
Thực tế, nhờ hai đề án trước đó là đề án 322 và đề án 911 mà số lượng Tiến sĩ tại các Trường Đại học đã phát triển nhanh, đáp ứng việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của cơ sở giáo dục đào tạo.
“Ở khu vực miền Trung thì việc tìm kiếm học bổng các nơi rất khó khăn. Nên các em đi theo hai nguồn này khá đông, các em đã học ngoại ngữ và đăng ký đi theo đề án.
Hồi đó, Đại học Đà Nẵng cũng đã ra quy định là các em học Đại học trong nước rồi thì phải học sau Đại học ở nước ngoài, nhằm có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai, hai đề án này cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm. Cùng với đó là đội ngũ giảng viên thời điểm đó không có nhiều khả năng ngoại ngữ để theo học nên phải dừng hai đề án này lại".
Trước những thông tin cho rằng, số lượng Tiến sĩ của Việt Nam đang bị “lạm phát”, nhiều cơ sở đào tạo Tiến sĩ như "gà đẻ trứng". Tuy nhiên, đây là những con số thống kê từ việc đào tạo Tiến sĩ trong nước, đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Còn số lượng Tiến sĩ hiện có trong các Trường Đại học còn quá khiêm tốn so với các trường Đại học trên thế giới.
“Hiện nay các trường Đại học còn thiếu nhiều lắm. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ giáo dục và Đào tạo thì số lượng này chưa đến 30%. Trong khi ở các Trường Đại học trên thế giới, số lượng này có khi đạt 100% để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
Do đó, việc ra đời đề án 89 để tiếp nối hai đề án trước đó là cần thiết. Dù rằng có hơi tiếc nuối là sự tiếp nối này bị đứt quãng một thời gian, chưa có sự tiếp nối liên tục”, Giáo sư Nam nói.
Giáo sư Nam đánh giá, những Tiến sĩ, Thạc sĩ được cử đi học theo đề án 322 và 911 trở về các trường công tác đã phát huy rất tốt những khả năng học được từ các trường đại học uy tín hàng đầu trên thế giới.
Đây là đội ngũ giảng viên có chất lượng cao để triển khai việc nâng tầm nhà trường trên các bảng xếp hạng chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo đại học.
Do đó, đề án 89 cũng mang đến nhiều kỳ vọng cho các trường Đại học trên cả nước sẽ tuyển chọn được những "nhân tài" để phát triển mạnh mẽ trong thời gian đến.
Nguồn nhân lực quý giá
Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, những học viên của đề án 322 và 911 trở về trường công tác đã phát huy hết khả năng của mình.
Với khả năng ngoại ngữ tốt hơn, được tôi luyện ở trong môi trường giảng dạy – nghiên cứu đẳng cấp ở nước ngoài đã mang một luồng sinh khí mới về cho nhà trường. Thúc đẩy đội ngũ giáo viên cùng nổ lực, cố gắng…
Phó Giáo sư Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, đề án 322 "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước", thực hiện từ năm 2000 đến năm 2005 (kéo dài đến năm 2010 theo đề án 356).
Còn đề án 911 “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020”. Với yêu cầu và mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trình độ cao cho đất nước.
“Các đề án trên đã tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng được cử đi đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ học tập ở các nước tiên tiến. Đây là lực lượng rất quan trọng góp phần nâng cao năng lực đào tạo các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu.
Qua đó, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy và quản lý Đại học tiên tiến của đội ngũ giảng viên; Nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước, tranh thủ và phát huy hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước ta”.
Thầy Vinh nói thêm, đối với Trường Đại học Bách khoa nói riêng thì đề án 322 và 911 đã góp phần đào tạo nhiều Thạc sỹ, Tiến sĩ của nhà trường.
Các viên chức này sau khi về nước đã đóng góp tích cực và công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của trường, thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Do đó, việc đề án 89 tiếp nối hai đề án trước mang nhiều ý nghĩa quan trọng, giúp các trường đại học hoàn thiện đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là ở trong cả hai đề án trước đây, đều có những lỗ hổng, gây nhiều trăn trở, lo ngại cho các trường. Đó là việc các giảng viên được cử đi nước ngoài đào tạo nhưng không trở về.