Đại biểu Quốc hội đề nghị Thủ tướng thành lập Tổ tư vấn văn hóa giáo dục

16/06/2020 10:11
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là đề nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - đoàn Đồng Tháp trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội ngày 15/6 tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ tư vấn văn hóa giáo dục xuất phát từ các lý do:

Lý do thứ nhất là xuất phát từ vai trò quan trọng của văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, giáo dục và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Quochoi.vn

Lý do thứ hai, với chiến thắng trong đại dịch COVID-19 vừa qua thì chúng ta đã xây dựng được một thương hiệu Việt Nam hội tụ nhiều giá trị, được xây dựng trên nền tảng văn hóa truyền thống là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trách nhiệm cộng đồng như rất nhiều đại biểu đã phân tích.

Lý do thứ ba, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có Tổ tư vấn kinh tế và từ khi thành lập đến nay thì Tổ tư vấn kinh tế đã tư vấn và khuyến nghị với Thủ tướng nhiều giải pháp, nhiều biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Đại biểu nhấn mạnh, trên tinh thần coi văn hóa là nền tảng tư tưởng, giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu thì việc thành lập Tổ tư vấn văn hóa giáo dục sẽ giúp cho Thủ tướng và Chính phủ có những quyết sách đúng đắn hơn, kịp thời hơn về chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ trong trung hạn, dài hạn, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Cũng liên quan đến giáo dục và đào tạo, đại biểu Quách Thế Tản - đoàn Hoà Bình phát biểu, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, Chính phủ đã có sự chỉ đạo rất sát sao, ngành giáo dục đào tạo đã có sự chủ động và nỗ lực rất lớn để ứng phó với dịch bệnh.

Trong khi khoảng nửa tỷ học sinh trên thế giới phải nghỉ học do lo ngại dịch COVID-19 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tốt phương châm tạm dừng đến trường, không dừng học và thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa hoàn thành chương trình kế hoạch năm học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ cho các nhà trường dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phối hợp với Bộ Y tế có những quy định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học, nhất là khi học sinh đi học trở lại.

Tiếp đó, Bộ cũng đã ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II năm học 2019-2020, điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông phù hợp với tình hình thực tế.

Đó là những cố gắng rất đáng ghi nhận của ngành giáo dục và đào tạo, trong khi nhiều nước ở châu Âu và châu Mỹ phải hủy kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông do dịch bệnh.

Đại biểu đề nghị ngành giáo dục tiếp tục phát huy những kết quả này.

"Đại biểu đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện thật tốt việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1.

Vì năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội;

Đồng thời quan tâm cụ thể việc định giá sách giáo khoa sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân, vì đây là một loại hàng hóa đặc biệt.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thì giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn khoảng 3 lần so với bộ sách giáo khoa hiện tại.

Việc này liên quan đến một hạn chế của Chính phủ là cho đến nay Chính phủ cũng chưa ban hành cơ chế tài chính đảm bảo công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa theo yêu cầu Nghị quyết 88 của Quốc hội", đại biểu Quách Thế Tản nhận định.

Đỗ Thơm