Đại học Tôn Đức Thắng là một điển hình xuất sắc về tự chủ đại học

10/09/2019 06:32
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 9/9, Đại học Tôn Đức Thắng trang trọng tổ chức Lễ Khai giảng cho 6.703 tân sinh viên Khóa 23 năm học 2019-2020 và lễ kỷ niệm 22 năm thành lập nhà trường.

Tới dự lễ khai giảng Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao bằng khen cho nhà trường vì đã có thành tích nổi trội về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đang nêu một điển hình xuất sắc về tự chủ đại học
 
Đặc biệt, ngày khai giảng thầy và trò trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng nhận được thông tin, tổ chức xếp hạng đại học thế giới qua thành tựu học thuật (University Ranking by Academic Performance – URAP) công bố xếp hạng theo ngành (fields), theo đó, trường Đại học Tôn Đức Thắng có 3 ngành đạt thứ hạng rất cao (600-700):
 
Ngành công nghệ thông tin và máy tính: xếp thứ 641 thế giới và là đại diện duy nhất của Việt Nam trong bảng này: Information & Computing Sciences.
 
Ngành Toán: xếp thứ 652 thế giới và thứ 2 Việt Nam: Mathematical Sciences.
 
Các ngành Kỹ thuật: xếp thứ 679 thế giới và thứ 1 Việt Nam: Engineering. 

Đại học Tôn Đức Thắng là một điển hình xuất sắc về tự chủ đại học ảnh 1
Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao bằng khen cho  Đại học Tôn Đức Thắng vì đã có thành tích nổi trội về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đang nêu một điển hình xuất sắc về tự chủ đại học. (Ảnh: TDTU)

Nhắn nhủ tới tân sinh viên trong lễ khai giảng, Giáo sư Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúc mừng các em đã phấn đấu vượt bậc để dành được một chỗ học tập trong một đại học có uy tín xã hội và quốc tế.
 
Để phù hợp với môi trường mới, ngay từ những ngày đầu tiên, các em cần nỗ lực tự học, tự đọc, chuyên cần, thực hiện tốt qui chế của Trường, yêu cầu của thày cô để có thể là một sinh viên kỷ luật, tôn trọng tập thể, có tinh thần công dân, ham học và có óc tự phân tích, đánh giá.

Tập thể thày cô sẽ luôn sát cánh để giúp các em đủ điều kiện để trở thành một công dân có ích cho xã hội sau 04 năm học, một khi các anh chị quyết tâm và tuân thủ đúng các yêu cầu của Nhà trường”.

Lãnh đạo Nhà trường tặng học bổng cho thủ khoa đầu vào Khóa 23 (Ảnh: TDTU)
Lãnh đạo Nhà trường tặng học bổng cho thủ khoa đầu vào Khóa 23  (Ảnh: TDTU)

Nhân ngày khai giảng, tổng kết năm học 2018-2019 và kết hợp kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Đại học Tôn Đức Thắng, thầy Hiệu trưởng thay mặt Nhà trường nhắc lại 4 điều và yêu cầu quí thày cô, viên chức, học viên, sinh viên cùng cam kết:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện thành công các Chương trình lớn trong năm học mới đó là:

a) duy trì sự phát triển chất lượng dạy-học đại học và sau đại học một cách bền vững;

b) duy trì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra Trường có việc làm (kể cả học sau đại học) trong vòng 12 tháng kể từ ngày tốt nghiệp đạt 100%;

c) tiếp tục giữ vững sự thành công Chương trình giáo dục 03 nội dung đạo đức.

Thứ hai, quốc tế hóa Nhà trường sâu rộng hơn nữa thông qua các kế hoạch trọng điểm:

a) trao đổi sinh viên Inbound và Outbound đạt trên 1000 người;

b) mở rộng qui mô sau đại học dưới tất cả các hình thức đạt 2.500 người;

c) ít nhất 60 giảng viên/nghiên cứu viên của Trường đi trao đổi học thuật với các trung tâm, viện nghiên cứu, các đại học TOP 500 thế giới;

d)triển khai thành công các hoạt động của Hiệp hội đại học quốc tế (UCI).

Thứ ba, phát triển chất lượng khoa học công nghệ một cách bền vững:

a) mở rộng đội ngũ nhân sự trình độ cao: tuyển mới giáo sư, tiến sĩ làm việc toàn thời gian tối thiểu 80 người; tuyển mới 60 nhân sự để đào tạo tiến sĩ;

b) có ít nhất 2000 công trình công bố trên tạp chí ISI;

c) ký kết ít nhất 40 hợp đồng/dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ, trong đó có ít nhất 6 hợp đồng/dự án với các tổ chức quốc tế;

d) Tạo ít nhất 2 loại giống mới được đăng ký bản quyền trong nước.

Thứ tư, liên tục nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả công tác và tinh thần phụng sự tự nguyện của viên chức; tăng cường công tác quản lý giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; đào tạo lại và tập huấn định kỳ cho giảng viên-viên chức; loại trừ hoàn toàn việc dạy-học không có chất lượng.

Thùy Linh