Đắng lòng người mẹ dân tộc đi bộ 2 ngày thăm con học nội trú

18/10/2011 13:07
Độc giả Hà Thị Hải Yến - Công ty CP Sách Dân tộc
(GDVN) - Mảnh đất đó, ngôi trường đó, những em nhỏ đó tôi đã gặp, nhưng hôm nay lại hiện lên thật xúc động qua trang viết của bác Trần Đăng Tuấn.
Bữa cơm vùng cao mà bác Tuấn chứng kiến vẫn còn ngon lắm!

Cách đây 2 năm, tôi có dịp đi cùng đoàn phóng viên của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội tìm hiểu về việc làm sách phục vụ học sinh dân tộc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi đến Suối Giàng, dù đây là một xã thuộc huyện Văn Chấn - quê hương của tôi, nhưng chuyến đi ấy vẫn để lại cho tôi nhiều xúc động.

Đến thăm lớp học tiếng Mông của trường Tiểu học Suối Giàng, đặc biệt là nơi học bán trú, cả đoàn không ai kìm lòng nổi. Bữa cơm mà anh Tuấn chứng kiến còn có một người lớn nấu cho, còn có rau xanh (dù ít ỏi và một nửa úa vàng), còn bữa cơm chúng tôi gặp khi đó do các em phải tự nấu. Vẻn vẹn chỉ có nồi cơm! Vài em có thêm mấy lát gừng kho mặn với muối.

Cái củ gừng cay nồng ở miền xuôi chỉ dùng làm gia vị cho thịt, cá thêm thơm ngon trở thành thức ăn chính của các em, vậy mà các em ăn mới ngon lành làm sao!
Bữa cơm tự nấu của các em HSCS Suối Giàng. Ảnh chụp tại Suối Giàng ngày 28/12/2009
Bữa cơm tự nấu của các em HSCS Suối Giàng. Ảnh chụp tại Suối Giàng ngày 28/12/2009
Không ai bảo ai, cả đoàn ghé lại cửa hiệu tạp hóa bên đường mua mì tôm, bánh kẹo, mì chính... gửi các thầy cô giáo để chia cho các em và không quên mua thêm nhiều thùng quà khác để đến một trường học cách đó 30km, Trường Tiểu học Sùng Đô (Sùng Đô - địa danh gắn với Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài) để thăm một trường có dạy Tiếng Mông nữa của Yên Bái. Tại đây những gì đã chứng kiến ở Suối Giàng, chúng tôi lại được chứng kiến thêm một lần nữa, nhưng nặng lòng hơn, bởi cái khó khăn, vất vả của học sinh và giáo viên đây còn nhiều hơn Suối Giàng. Dù đã mua quà gửi nhà trường tặng các em, mọi người trong đoàn vẫn thấy thiếu gì đó. Anh Lâm, lái xe của Nhà xuất bản Giáo dục VN cởi chiếc áo đang mặc trên người khoác cho một em nhỏ. Anh Văn ở Đài Truyền hình HN (con trai nhà thơ Trần Dần) cởi chiếc khăn quàng cổ của mình quàng cho 1 em.
2 ngày đi bộ, 3kg gạo và 7000đ
ngày hôm nay... Có một câu chuyện thật cảm động. Chúng tôi bắt gặp một phụ nữ người Mông đứng cửa sổ để xem cô giáo giảng bài. Người phụ nữ đó không biết nói tiếng Kinh.
Người mẹ này đã đi 2 ngày đường để đem đến thăm con học tại Trường TH Suối Giàng. Ảnh chụp tại Suối Giàng ngày 29/12/2009
Người mẹ này đã đi 2 ngày đường để đem đến thăm con học tại Trường TH Suối Giàng. Ảnh chụp tại Suối Giàng ngày 29/12/2009
Thầy Phó Hiệu phải dịch lại cuộc trò chuyện của chị cho chúng tôi thì mới biết rằng chị là một phụ huynh học sinh. Hôm nay, chị đến được trường sau 2 ngày đường, chị đến để đưa cho con mình 3kg gạo và 7000đ. Chị kể chồng chị mất cách đây vài năm, anh từng là trưởng thôn. Trước khi mất anh dặn chị “Dù thế nào cũng phải cho các con học cái chữ”. Vì vậy, nghèo túng đến mấy chị cũng phải cho con đến trường, và chị thật sung sướng, tự hào khi được xem con học. ...để có những Bộ trưởng từ Suối Giàng Trong bài viết của anh Tuấn, bóng dáng người thầy hiện lên thật giản dị, gần gũi và cao cả biết bao! Tôi đã gặp và chứng kiến nhiều thầy cô giáo ở miền núi như vậy. Giữa lúc cuộc sống ở các đô thị ngày càng phát triển, không ít người đua chen làm giàu bất chấp mọi thủ đoạn và tận hưởng cuộc sống thì không ít thầy cô âm thầm, lặng lẽ dùng đồng lương ít ỏi của mình mua lạc, cá khô, bút, vở cho học trò, tất cả chỉ vì “thương quá, chúng nó như con mình, em mình”. Tôi chợt nhớ tới thầy tôi. Thầy Minh – Hiệu trưởng cấp I của tôi. Thầy, một người con Hà Nội dành cả đời cho học sinh ở một xã nghèo nhất đất nước, vậy mà thầy vẫn bảo: dân cưu mang thầy, thầy được cuộc sống như vậy là nhờ dân! Hai lần thầy được chuyển vùng về làm hiệu trưởng của một trường ở Hà Nội, thầy lại vác ba lô quay trở lại trường tôi vì “thương học trò quá, mình đi ai dạy chúng”. Thầy làm vậy đâu phải vì một tấm huân chương. Các thầy cô giáo ở Suối Giàng và nhiều nơi khác nữa dành phần lương của mình để chăm lo cho học trò đâu phải để được tôn vinh, ca ngợi. Song, trong kí ức của người dân miền núi chúng tôi, những người thầy, người cô ấy là tấm gương sáng ngời về tình yêu thương. Sau này tôi trở thành cô giáo một phần cũng do quá cảm phục thầy cô của mình. Chắc chắn trong số những học sinh ngày ngày ăn bữa cơm suông tôi từng gặp, anh Tuấn từng gặp sẽ có người làm nên sự nghiệp, nhờ vào sự hy sinh lặng lẽ của các thầy cô giáo. Và nếu có thêm những tấm lòng như anh Tuấn thì 10, 15 năm nữa sẽ có các cô gái, chàng trai khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần làm chủ đất nước này. Biết đâu trong số các em người Mông ở Suối Giàng hôm nay lại có những người trở thành nhà văn nổi tiếng như Mã A Lềnh (Lào Cai), một bác sĩ tài năng, được nhiều người kính trọng như bác sĩ Vàng A Sàng (Yên Bái) hay một Bộ trưởng gần gũi với dân như Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử?
10, 15 năm sau, các cô bé, cậu bé này sẽ là chủ nhân của đất nước. Ảnh chụp tại Sùng Đô ngày 29/12/2009
10, 15 năm sau, các cô bé, cậu bé này sẽ là chủ nhân của đất nước. Ảnh chụp tại Sùng Đô ngày 29/12/2009
Đọc bài viết của Trần Đăng Tuấn, tôi chợt nhớ tới câu chuyện mà một cán bộ giáo dục của UNICEF kể: một chuyên gia nước ngoài của UNICEF tới thăm một trường miền núi, nơi thụ hưởng một chương trình của UNICEF, bà dặn các em: Các em phải ăn nhiều vào nhé, ăn nhiều để có sức khỏe, để học tốt. Cả lớp im lặng. Một giọng nói non nớt bật ra: Có cái gì đâu mà ăn? Nghe xong câu đó, bà òa khóc như một đứa trẻ. Cá nhân tôi đã cùng một số người thành lập Quỹ hiếu học để khuyến khích việc học hành của con em quê mình, nhưng tôi không thoát khỏi cảm giác xấu hổ vì đóng góp của mình còn quá ít ỏi. Từ câu chuyện về các em học sinh Suối Giàng, Anh Tuấn đã nhen lên ngọn lửa tình yêu. Và tôi tin, từ một ngọn lửa sẽ có thêm nhiều ngọn lửa, thành bó đuốc – kết thành một tình yêu rộng lớn – tình yêu nhân loại. Và khi tình yêu lên tiếng, phép màu có thể xảy ra...
Trong thời gian tới, Báo vẫn tiếp tục là nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm và HS nghèo Suối Giàng nói riêng, các cháu nhỏ vùng cao nói chung.

Mọi tấm lòng hảo tâm xin được gửi về:

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, số 147 phố Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 0541101464009, Ngân hàng Quân đội MB Thăng Long

Điện thoại: 0983.290 677; email: buingochai@giaoduc.net.vn

Trân trọng cảm ơn!
 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
Độc giả Hà Thị Hải Yến - Công ty CP Sách Dân tộc