Đánh giá học sinh không được so sánh với học sinh khác

24/08/2013 06:54
Xuân Trung
(GDVN) - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Văn bản Hướng dẫn thí điểm cách đánh giá học sinh tiểu học theo mô hình trường học mới Việt Nam. Theo đó, hoạt động đánh giá học sinh là những những hoạt động quan sát, kiểm tra quá trình và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

Đợt thí điểm đánh giá học sinh này được Bộ GD&ĐT áp dụng trên 1447 trường tiểu học trong cả nước trong năm học này. Nguyên tắc đánh giá học sinh dựa trên vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của các em; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan và toàn diện.

Đánh giá những biểu hiện phẩm chất và năng lực của học sinh theo mục tiêu giáo dục tiểu học; đánh giá dựa trên thái độ, hành vi, kết quả về kiến thức, kĩ năng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của học sinh; áp dụng các kĩ thuật đánh giá phù hợp với đặc điểm tổ chức lớp học, quá trình hoạt động dạy học/giáo dục trong dự án Mô hình trường học mới (VNEN).

Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

Kết hợp đánh giá của giáo viên, các đoàn thể, tổ chức trong và ngoài nhà trường, cha mẹ học sinh và tự đánh giá của học sinh. Trong đó, đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, đặc biệt không so sánh với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

Đánh giá cũng dựa trên những nội dung cụ thể trong quá trình học sinh học tập tại trường. Cụ thể, đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục tiểu học theo từng môn học và hoạt động giáo dục.

Đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực chung của học sinh tiểu học như: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề. Về sự hình thành, phát triển các phẩm chất của học sinh tiểu học: yêu cha mẹ, gia đình; yêu bạn bè, trường lớp; yêu quê hương, đất nước, con người;...

Các hình thức đánh giá từ thường xuyên cho tới định kỳ. Ở hình thức thường xuyên học sinh tự đánh giá về bản thân và đánh giá về bạn mình. Ngoài ra, giáo viên cũng đánh giá học sinh dựa trên  mục tiêu của bài học. Trong mục này bao gồm cả phụ huynh được tham gia đánh giá, đây được coi là hoạt động tham gia quan sát các hoạt động dạy học/giáo dục của nhà trường.

Đánh giá định kỳ bao gồm các mức từ 1 đến 3 tương ứng với các câu hỏi và bài tập ra cho học sinh từ dễ tới khó. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, cách đánh giá học sinh cũng là một trong những yếu tố giúp đẩy mạnh và hướng tới một xã hội học tập. Bởi vì, khi học sinh  biết coi trọng việc tự học thì sẽ thành công, học thành công sẽ có hứng thứ, có hứng thú để học suốt đời và có khả năng để học suốt đời, có như vậy mới mong có một xã hội học tập.

"Học sinh phải biết tự đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá để biết kiểm soát quá trình học của mình. Lâu nay chúng ta vẫn thầy đánh giá trò, thông qua đánh giá phải làm cho học sinh học tốt hơn chứ không phải chỉ thông qua đánh giá để xếp loại học sinh" Thứ trưởng Hiển khẳng định.     

Được biết, Văn bản này được áp dụng từ năm học 2013-2014, không áp dụng các quy định trái với công văn này trong việc đánh giá học sinh tiểu học VNEN.
Xuân Trung