Đầu năm nghe thầy giáo bàn chuyện đứng lớp

02/01/2015 07:10
Hồng Nhung (ghi)
(GDVN) - “Văn là người, 100% các bộ môn khác đều phải sử dụng đến Văn… và có 3 yếu tố tạo nên một giờ học Văn chất lượng và hiệu quả”.

Đó là chia sẻ của thầy Trương Ngọc Tùng – giáo viên, Tổ trưởng tổ Văn của Trường THPT Minh Phú (Hà Nội).

Là một giáo viên tham gia công tác giảng dạy nhiều năm trong bộ môn Ngữ văn, thầy Trương Ngọc Tùng đã rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm cho những giờ học Văn hứng thú và hiệu quả đối với học sinh, đặc biệt là việc làm sao để tạo được một giờ học thân thiện dân chủ. Những chia sẻ của thầy sẽ là kinh nghiệm cho nhiều giáo viên trẻ đang và sẽ bắt đầu sự nghiệp trồng người cao quý, cũng là chia sẻ của một người thầy luôn mong muốn được trao đổi, học hỏi vì sự tiến bộ của học sinh.

Thầy Tương Ngọc Tùng (người ngồi thứ 6 hàng đầu) và những giây phút vui vẻ bên học trò thân yêu. (Ảnh: NVCC)
Thầy Tương Ngọc Tùng (người ngồi thứ 6 hàng đầu)  và những giây phút vui vẻ bên học trò thân yêu. (Ảnh: NVCC)

Theo thầy Ngọc Tùng, có 3 yếu tố để tạo nên một giờ học Văn chất lượng và hiệu quả, đó là thầy nhiệt tình thân thiện, học sinh tích cực chủ động ham học, phương pháp dạy và học phù hợp hấp dẫn.

Tuy nhiên, hiện nay học sinh thường “ngại” học Văn, nên vai trò của người giáo viên trong mỗi giờ học Văn càng trở nên quan trọng. Người thầy cần phải là người dẫn dắt giờ học, dẫn dắt học sinh tiếp cận vấn đề, tạo hứng thú cho các em.

Muốn tạo hứng thú cho học sinh học Văn, trước hết, thầy giáo phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của đối tượng học, xem học sinh của mình trình độ đến đâu, độ ham muốn học thế nào để có thể phân loại, điều chỉnh phương pháp, nội dung cho phù hợp. Tiếp đó là phải tạo được không khí học tập, gây hứng thú, ham muốn chờ đợi bài học, tiết học.

Có 3 yếu tố để tạo nên một giờ học Văn chất lượng và hiệu quả, đó là thầy nhiệt tình thân thiện, học sinh tích cực chủ động ham học, phương pháp dạy và học phù hợp hấp dẫn.

Giáo viên không gây căng thẳng trong giờ dạy bằng sự áp đặt, gây tâm lý ức chế sợ sệt. Lấy học sinh làm đối tượng trung tâm, người dạy đóng vai trò hướng dẫn, gợi dẫn, định hướng. Học sinh phát biểu sai cũng tốt, hãy ấy cái sai đó để làm bài học cho cái đúng. Ngoài ra, giáo viên cũng cần thưởng điểm kịp thời để động viên, khuyên khích.

Theo thầy Trương Ngọc Tùng, “Văn học là nhân học” - nhà văn Gorky từng bàn như vậy. Văn là người, 100% các bộ môn khác đều phải sử dụng đến Văn. Trong cuộc sống, giao tiếp, ứng xử, trao đổi tư tưởng tình cảm, công việc… đều cần vận dụng các kiến thức của môn Văn vào. Văn dạy con người thành người, dạy Lễ trí tín nghĩa nhân. Do đó, môn Văn trong mọi thời đại đều rất vô cùng cần thiết.

Quan trọng là như thế, nhưng cũng không ngoại trừ nhiều trường hợp học sinh học Văn theo kiểu chống đối, học cho có… chứ chưa thực sự có niềm yêu thích, đam mê dành cho môn Văn. Để đáp ứng nhu cầu của những người “học cho có” này, hiện nay trên thị trường xuất hiện dày đặc các sách tham khảo.

Thầy Tùng chia sẻ rằng, nếu đọc sách tham khảo mà ứng dụng cho đúng hai chữ “tham khảo” thì quá tốt, nhưng đại đa số học sinh hiện nay đã tự biến mình thành cái máy photocoppy biết cầm bút. Do đó, về vấn đề này cần phối kết hợp tốt giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên, để làm sao sử dụng sách tham khảo có hiệu quả, tránh lạm dụng.

Thầy Tùng cũng chia sẻ 7 tiêu chí (7 bước) để tạo một giờ học thân thiện dân chủ. 7 bước này được chia thành các khoảng thời gian khác nhau, có bắt đầu từ khi chuẩn bị vào giờ học cho đến khi giờ học kết thúc.

Bước vào lớp, khi học sinh đứng lên chào, giáo viên nên đáp lại bằng một nụ cười cùng lời chào thân thiện để tạo không khí hứng khởi ban đầu cho tiết học.

Thứ nhất, một giờ học thoải mái, thân thiện sẽ bắt đầu từ chính những cử chỉ dù là nhỏ nhất của giáo viên. Khi thầy cô giáo bước vào lớp, học sinh đứng lên chào, thay vì mang bộ mặt “lạnh lùng không cảm xúc”, giáo viên nên đáp lại học sinh bằng một nụ cười cùng lời chào thân thiện. Bước đầu này sẽ tạo không khí hứng khởi ban đầu cho tiết học.

Bước thứ hai, giáo viên không nên gây căng thẳng, lo lắng cho học trò bằng hành động như kiểm tra bài cũ, trách mắng học sinh mắc lỗi từ tiết trước… Nên vào bài học bằng một câu chuyện kể hoặc chi tiết, hình ảnh có liên quan tới bài học để gây háo hức cho học sinh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta hoàn toàn bỏ qua bước kiểm tra bài cũ, điều này nằm ở khả năng dẫn dắt của người thầy.

Trong quá trình xây dựng bài, giáo viên luôn gợi mở, tạo không khí sôi nổi trong lớp là bước thứ 3 cho một giờ học chất lượng. Dù học sinh trả lời sai, thầy cô cần có cách nói, cách dẫn dắt tế nhị để các em nhận ra, đồng thời giúp học sinh tự tin hơn. Thầy cô tuyệt đối không mắng mỏ chê trách trực tiếp học trò, nên kịp thời khen những học sinh có tiến bộ.

Thứ tư, trong hoạt động nhóm nên phát huy tính tích cực của từng cá nhân để các em chia sẻ, diễn đạt và bộc lộ tinh thần hòa nhập làm việc nhóm. Giáo viên không được áp đặt máy móc ý kiến cá nhân, trừ những chuẩn mực mang tính chân lý.

Một điều quan trọng trong quá trình dạy, ngoài kiến thức sách giáo khoa, thầy cô nên xen kẽ trao đổi với học sinh kiến thức về cuộc sống, xã hội (có liên quan tới bài học) để học sinh nói lên suy nghĩ của mình và dạy các em bài học làm người.

Tiêu chí thứ 6 là giáo viên cần tạo môi trường học tập cởi mở, vui vẻ, hào hứng xuyên suốt giờ học để các em giảm căng thẳng tiếp thu bài tốt hơn. Thầy cô có thể trao những món quà nho nhỏ cho cá nhân, tổ, nhóm khi trả lời đúng, chính xác những vấn đề khó.

Giờ học thân thiện mà hiệu quả sẽ kết thúc bằng việc giáo viên nên mở ra một ý nào đó gây sự chờ đợi khám phá cho học sinh ở tiết sau.

Chào đón năm mới 2015, qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Tùng gửi lời chúc đến các thầy cô giáo trên cả nước một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý; chúc các em học sinh bước sang năm mới học tập thật tốt, làm nhiều việc có ích cho xã hội.

Hồng Nhung (ghi)