Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận

14/12/2016 08:47
Trinh Phúc
(GDVN) - Chỉ có học sinh là chịu thiệt vì không học được gì, cha mẹ thì tốn tiền, chỉ béo doanh nghiệp liên kết, làm chơi ăn thật.

LTS: Trong các bài viết, “Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội”;

“Hiệu trưởng trình độ ngoại ngữ kém thì giám sát tiếng anh kiểu gì?”…chúng tôi chỉ ra những bất cập trong dạy và học ngoại ngữ liên kết hiện nay.

Trong đó có phản ánh việc một lúc tồn tại nhiều chương trình ngoại ngữ liên kết đang gây khó khăn cho công tác quản lý, giảng dạy.

Việc tồn tại nhiều chương trình một lúc cũng khiến cho phụ huynh bị rối trong việc định hướng giáo dục cho con em mình.

Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục mổ xẻ một vấn đề bất cập nữa trong hoạt động dạy ngoại ngữ liên kết ở bậc Tiểu học.

Đó là vấn đề lợi nhuận siêu khủng dẫn tới sự tồn tại nhiều chương trình ngoại ngữ một lúc như hiện nay.

Chạy chương trình quá dễ

Sở dĩ, tiếng Anh liên kết vào các trường Tiểu học dễ như vậy có nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ có việc ăn chia giữa doanh nghiệp, nhà trường và những nhân tố liên quan.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, có trường công khai cho phụ huynh biết về khoản học phí được chia như thế nào nhưng có trường thì ỉm đi.

Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân nơi có triển khai chương trình ngoại ngữ liên kết (ảnh Trinh Phúc).
Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân nơi có triển khai chương trình ngoại ngữ liên kết (ảnh Trinh Phúc).

Đơn cử, một trường Tiểu học ở quận Đống Đa thông báo cho phụ huynh về số tiền học phí tiếng Anh sẽ được chia 80% thuộc về doanh nghiệp và 20% thuộc về nhà trường để chi phí cho công tác quản lý dạy và học.

Hiệu trưởng của một trương Tiểu học ở quận Thanh Xuân (xin được giấu tên) cho biết:

“Tiền thu học phí, doanh nghiệp có trích một phần cho quỹ phúc lợi của nhà trường”.

Tuy nhiên, số tiền doanh nghiệp để lại cho nhà trường bao nhiêu thì không được tiết lộ cụ thể với phóng viên.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng:

Việc ăn chia theo công thức 80% cho doanh nghiệp và 20% dành cho nhà trường mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong việc phân chia lợi ích liên quan đến tiếng Anh liên kết.

Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận ảnh 2Hiệu trưởng trình độ ngoại ngữ kém thì giám sát liên kết tiếng Anh kiểu gì?

Để làm rõ hơn vấn đề phân chia lợi nhuận trong hoạt động liên kết ngoại ngữ, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với anh Trần Tuấn T., một chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực này.

Theo anh T., để được cấp phép chương trình tiếng Anh liên kết vào trường Tiểu học nói riêng và chương trình tiếng Anh nói chung thủ tục là không khó.

Anh Trần Tuấn T. phân tích rằng:

"Một doanh nghiệp muốn triển khai, trước hết phải ký kết độc quyền khai thác tại Việt Nam với một chương trình ngoại ngữ đã phổ biến ở nước ngoài.

Trên thế giới hiện có rất nhiều chương trình ngoại ngữ vì thế doanh nghiệp chỉ cần liên hệ với một đối tác là họ sẵn sàng chấp thuận.

Vì chương trình đã được giảng dạy ở nước ngoài nên công tác làm thủ tục xin cấp phép để được giảng dạy ở Việt Nam là tương đối dễ dàng.

Hội đồng của Sở sẽ thẩm định chương trình và cho phép chương trình đó giảng dạy ở địa phương mình hay không?.

Sau khi chương trình được chấp thuận thì các doanh nghiệp mới tiến hành triển khai đưa vào các trường học”.

Làm giả ăn thật

Khi đã có chương trình, các doanh nghiệp bắt đầu tham gia cuộc đua phân chia thị phần dạy ngoại ngữ liên kết ở các trường học.

Một lúc tồn tại nhiều chương trình nên các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh để tồn tại.

Tuy nhiên, hiện số lượng trường học ở bậc Tiểu học tại Hà Nội đến hàng trăm trường nên miếng bánh vẫn là rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Để một chương trình nào đó vào trường học cụ thể không chỉ phụ thuộc vào nội dung chương trình, học phí mà còn nhiều vấn đề liên quan khác, chắc chắn không thể không có hoạt động vận động hành lang.

Tiền học phí liên kết ngoại ngữ đang góp thêm vào gánh nặng chi trả của phụ huynh học sinh (ảnh Trinh Phúc).
Tiền học phí liên kết ngoại ngữ đang góp thêm vào gánh nặng chi trả của phụ huynh học sinh (ảnh Trinh Phúc).

Anh Trần Tuấn T. tính toán rằng:

“Chi phí để vận động hành lang đã nằm trong tính toán của các doanh nghiệp.

Cụ thể, phí vận động hành lang rơi vào khoảng 15% đến 20% tiền thu từ học phí của học sinh.

Khoảng 40% - 50% tiền thu học phí  được các doanh nghiệp dành để chi trả cho giáo viên và trích lại một phần cho nhà trường.

Còn lại, số lợi nhuận của doanh nghiệp tối thiểu vẫn đạt mức 30%”.

Nếu thông tin từ anh T. là chính xác thì chỉ cần tính nhẩm thôi việc dạy tiếng Anh liên kết đang mang lại cho các doanh nghiệp lợi nhuận siêu khủng.

Con số đó lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm cho mỗi doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngoại ngữ có am hiểu về thị trường liên kết tiếng Anh tiểu học khi được hỏi đều cho rằng:

“Dạy tiếng Anh liên kết bậc Tiểu học ở Hà Nội đang trong tình trạng "làm giả, ăn thật"!

Vì doanh nghiệp không có ràng buộc về chất lượng, vấn đề kiểm tra, đánh giá cũng nhẹ nhàng nhưng tiền thu học phí thì rất cao”.

Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận ảnh 4Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội

Cũng liên quan đến dạy tiếng Anh liên kết trong các trường Tiểu học, nhiều phụ huynh đang đặt ra câu hỏi thắc mắc là tại sao doanh nghiệp không chịu phí tổn hao về cơ sở vật chất cho nhà trường?

Việc dạy và học tiếng Anh liên kết có được xem là việc lạm dụng cơ sở vật chất công cho mục đích xã hội hóa hay không?

Bình luận về những thắc mắc của phụ huynh học sinh với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo (xin được giấu tên) lý giải rằng:

“Trong các đề án của các trường Tiểu học về liên kết ngoại ngữ được phê duyệt đều đã tính toán hết khấu hao cơ sở vật chất rồi!”.

Một Hiệu trưởng (xin được giấu tên) cũng chia sẻ:

“Do cơ sở vật chất của nhà trường nên các em học sinh được học với mức học phí thấp hơn khi các em học ở các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài.

Đây là ưu điểm mà tiếng Anh Liên kết hơn hẳn tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ”.

Dù lý giải như thế nào, chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc các doanh nghiệp dạy tiếng Anh liên kết không bỏ tiền đầu tư cơ sở vật chất nhưng lại thu về lợi nhuận lên đến 30% trên số tiền học phí là quá lớn.

Do đó, nếu vẫn duy trì mức học phí như hiện tại đó là điều bất công với phụ huynh học sinh.

Học phí cao sẽ tạo nên một áp lực nặng nề cho phụ huynh đặc biệt phụ huynh có hoàn cảnh nghèo.

Làm sao việc dạy và học ngoại ngữ liên kết vừa đảm bảo được chất lượng, lại hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà trường và phụ huynh đang là bài toán chờ đợi Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội vào cuộc xử lý, trả lời?

Trong câu chuyện này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể đứng ngoài cuộc...

Trinh Phúc