Đề thi bắt theo “hot trend”: Học sinh hào hứng, giáo viên vất vả

12/01/2020 06:00
Vũ Ninh
(GDVN) - Đề thi bắt theo “hot trend” có thể giúp học sinh hào hứng hơn. Tuy nhiên điều này khiến giáo viên vất vả hơn, khi ra đề cần phải chọn lọc ngữ liệu phù hợp.

Trong những năm trở lại đây, đề thi bắt theo “hot trend” (theo xu hướng nóng, nổi tiếng, được nhiều người quan tâm) đang được nhiều kỳ thi sử dụng.

Gần đây, một kênh youtube có tính hiện tượng – Vlog 1977 cũng được đưa vào đề thi môn Hóa học lớp 9 tại trường Trung học cơ sở Phú Xá.

Cụ thể, 2 câu hỏi liên quan đến hiện tượng 1977 Vlog trong đề thi Hóa này:

Chúng ta đang thiếu một vị “thuyền trưởng” để chèo lái bộ môn Ngữ văn
Chúng ta đang thiếu một vị “thuyền trưởng” để chèo lái bộ môn Ngữ văn

"Giáo án lửa thiêng của ông giáo trong tác phẩm của 1977 Vlog được viết trên trang giấy trắng. Vậy chất khí để tẩy trắng trong quá trình sản xuất giấy là gì?...".

"Câu nói nổi tiếng cư dân mạng giới trẻ hiện nay "hãy tôn trọng hàm răng" của Vlog 1977. Vậy trong thành phần của răng có kim loại nào?...".

Việc các đề thi bắt theo các hiện tượng nổi tiếng trên mạng xã hội cũng gây tranh cãi trong cộng đồng giáo viên, học sinh.

Dưới quan điểm của môn Ngữ Văn, cô giáo Phạm Thái Lê nói: “Đề thi môn Ngữ Văn hiện nay cần phải mới mẻ hơn, đa chiều hơn. 

Ngữ liệu được sử dụng cũng cần linh hoạt hơn để tránh tình trạng học tủ, học lệch.

Trong vài năm trở lại đây, đang có xu hướng lồng ghép các sự kiện thời sự vào đề thi môn Ngữ Văn.

Bản thân tôi ủng hộ cách lồng ghép sự kiện thời sự vào trong đề Văn. Điều này sẽ giúp học sinh cảm thấy hào hứng hơn, các em sẽ có hứng thú làm bài hơn”.

Không phải học sinh nào cũng thích đề thi bắt theo hot trend (Ảnh:V.N)
Không phải học sinh nào cũng thích đề thi bắt theo hot trend (Ảnh:V.N)

Tuy nhiên, theo cô Phạm Thái Lê: Việc lồng ghép các sự kiện, hiện tượng nóng trên mạng xã hội vào đề thi cần được tính toán và chọn lọc cẩn thận.

Cô Phạm Thái Lê chia sẻ: “Đối tượng ở đây là các bạn học sinh, các bạn trẻ. Cho nên các em sẽ cảm thấy dễ dàng tiếp cận những vấn đề liên quan, gần gũi đến mình.

Các vấn đề xa vời, cao siêu sẽ khiến cho học sinh khó tiếp thu. Tuy nhiên việc lựa chọn ngữ liệu vào trong đề thi môn Ngữ Văn cũng cần cẩn thận, tránh tình trạng quá đà. Mình hay dùng ngôn ngữ thường ngày gọi là đú theo trend”.

Thầy Nguyễn Ngọc Anh, giáo viên dạy Hóa (Nam Định) nhận xét: “Bản thân tôi cũng ủng hộ các đề thi có hướng mở. Tuy nhiên việc lạm dụng các yếu tố mạng cần được tính toán phù hợp, tránh lạm dụng.

Chẳng hạn như đề thi môn Hóa của trường cấp 2 Phú Xá. Khi đọc câu hỏi tôi cảm thấy phần dẫn nhập với yêu cầu của câu hỏi không có gì liên quan đến nhau thậm chí có phần khiên cưỡng.

Bên cạnh đó đối với môn Hóa có rất nhiều ví dụ thực tế. Cho nên mình không nhất thiết phải dẫn nhập như vậy mà có thể sử dụng cách dẫn nhập khác”.

Việc ra đề thi theo hot trend cần căn cứ theo từng điều kiện cụ thể (Ảnh:V.N)
Việc ra đề thi theo hot trend cần căn cứ theo từng điều kiện cụ thể (Ảnh:V.N)

Cô giáo Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên dạy môn Ngữ Văn (Thái Bình) cũng cho rằng: “Đối với các đề thi đặc biệt là đề thi môn Ngữ Văn những năm gần đây theo xu hướng tích cực hơn.

Ngoài phần nghị luận văn học (truyền thống), các đề thi đã được bổ sung thêm phần nghị luận xã hội. Các vấn đề được lồng ghép tự nhiên vào đề thi. 

Một số hiện tượng nổi tiếng cũng được đưa vào đề Văn. Từ đó sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực văn chương và hiểu biết xã hội”.

Cũng theo cô giáo Lĩnh, ra đề mở và bắt theo “hot trend” có thể khiến học sinh hứng thú tuy nhiên giáo viên khá vất vả khâu ra đề.

Kì lạ, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp tỉnh giống đề Olympic như đúc
Kì lạ, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp tỉnh giống đề Olympic như đúc

Cô giáo Lĩnh chia sẻ: “Cách ra đề như thế này có thể khiến các em khá hứng thú. Tuy nhiên đối với giáo viên lại khá vất vả. 

Để có thể ra được những đề như thế này đòi hỏi giáo viên phải có chuyên môn và hiểu biết các vấn đề xã hội.

Mặt khác đối với đề mở thì các đáp án cũng phải chấm một cách linh hoạt thì học sinh mới có thể bày tỏ được quan điểm, lý lẽ của mình. 

Tôi cho rằng ra đề bắt theo các hiện tượng trên mạng xã hội khá hay nhưng cách dẫn nhập và sự liên quan với đề bài yêu cầu cần phải có để tránh tình trạng lạm dụng, phản cảm”.

Dưới góc độ của học sinh, em Trần Lê Phương, học sinh chuyên Văn trường Phổ thông Trung học chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nhận xét:

"Việc đưa các hiện tượng mạng, sự kiện nóng như Sơn Tùng MTP, U23 Việt Nam…khiến chúng em hứng thú hơn khi làm bài.

Tuy nhiên em nghĩ rằng cách ra đề này chỉ dừng ở phần dẫn nhập không nên ảnh hưởng đến yêu cầu chung của đề bài.

Khi đọc một số đề thi môn Văn, môn Lịch sử, Địa lý…em nhận thấy việc lồng ghép các sự kiện, hot trend vào trong đề thi còn mang tính chất khiên cưỡng, nhiều chỗ chưa hợp lý".

Không nên lạm dụng hoặc sử dụng ngữ liệu quá đà từ mạng xã hội (Ảnh minh họa: baonghean.vn)
Không nên lạm dụng hoặc sử dụng ngữ liệu quá đà từ mạng xã hội (Ảnh minh họa: baonghean.vn)

Bên cạnh đó Lê Phương lý giải: "Ngoài ra không phải bạn học sinh nào cũng thường xuyên theo dõi mạng xã hội. Cho nên sẽ có những bạn biết và không biết những nhân vật, vấn đề thầy cô đề cập. Vì thế em nghĩ đề theo hot trend khá hay nhưng không nên quá lạm dụng".

Xu hướng ra đề thi dựa theo các sự kiện nóng, “hot trend” sẽ còn được nhiều địa phương, các trường và nhiều cuộc thi sử dụng trong tương lai.

Tuy nhiên với những lời tâm sự của cô Lê, cô Lĩnh, thầy Ngọc Anh…giáo viên cũng nên cẩn trọng, tỉ mỉ lồng ghép các ngữ liệu phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng thái quá.

Vũ Ninh