Đề thi Sinh ĐH 2012 chưa chặt chẽ: Sĩ tử càng học giỏi càng lúng túng

16/07/2012 05:50
Bích Thảo
(GDVN) - Nhiều sĩ tử phản ánh đề thi môn Sinh học kì thi tuyển sinh ĐH năm 2012 một câu hỏi có đến hai đáp án đúng. Không ít thí sinh mất điểm oan uổng vì câu hỏi chưa thật sự chặt chẽ.
Một câu hỏi trắc nghiệm có hai đáp án đúng?

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đáp án đề thi tuyển sinh Đại học môn Sinh học năm 2012, rất nhiều thí sinh cũng như những giáo viên có tâm huyết với bộ môn này đã bày tỏ băn khoăn với câu hỏi 28 đề thi mã 731.

Câu hỏi 28 gây nhiều tranh cãi
Câu hỏi 28 gây nhiều tranh cãi

Câu 28 đề 731 cho: Ruồi giấm có bộ NST 2n = 8. Trên mỗi cặp NST thường xét hai cặp gen dị hợp, trên cặp NST giới tính xét 1 gen có 2 alen nằm ở vùng không tương đồng của NST giới tính X. Nếu không xảy ra đột biến thì khi các ruồi đực có kiểu gen khác nhau về các gen đang xét giảm phân có thể tạo ra tối đa bao nhiêu loại tinh trùng?

A. 192          B. 24               C. 16 .             D.128

Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được ý kiến của thầy Võ Quốc Hiển, Th.s Khoa học Sinh học, Trường Đại học Phương Đông; đồng thời đã tham khảo một số ý kiến của các thầy như T.S Vũ Đức Lưu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Th.S Trịnh Việt Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội; Th.S Lê Hồng Điệp, trường THPT chuyên Lam Sơn - Thanh Hóa, em Nguyễn Diệu Linh và một số thí sinh học lớp chuyên Sinh - THPT chuyên ĐH KHTN, vừa thi tuyển vào đại học năm 2012:
Theo giải thích của Ths. Võ Quốc Hiển câu hỏi này chưa thật sự chặt chẽ. Với câu hỏi như vậy có thể tìm ra hai đáp án khác nhau: Đáp án một là 192 loại tinh trùng theo lí thuyết và đáp án hai là 24 loại tinh trùng trên thực tế.
Ths. Hiển phân tích: Theo cách giải thông thường: ruồi giấm có 4 cặp NST thường, 1 cặp NST giới tính - ở con đực là XY. Ở ruồi giấm đực, các gen liên kết hoàn toàn:
- Mỗi cặp NST thường có 2 cặp gen dị hợp (Ví dụ: AB/ab) sẽ cho 4 loại tinh trùng (theo lý thuyết), do đó 3 cặp NST thường sẽ cho: 4 x 4 x 4 =  64 loại tinh trùng.
- Cặp NST giới tính 1 gen có 2 alen (Ví dụ: D và d) cho 3 loại tinh trùng XD, Xd, và Y.
Kết quả tạo ra tối đa: 4 x 4 x 4 x 3 = 192 loại tinh trùng.
Như vậy, theo cách hiểu thông thường: một gen thường có 2 alen nên ta có kết quả là đáp án A (192) như của Bộ GD và ĐT đã công bố.
“Nhưng đối với những thí sinh học ở các trường chuyên thì đề ra như vậy là chưa chặt chẽ và có thể dẫn đến việc giải ra những kết quả khác” Ths. Hiền cho biết.
Theo lý thuyết: 1 cặp NST thường có 2 cặp gen dị hợp (AB/ab) sẽ cho 2 loại tinh trùng (vì ruồi đực liên kết hoàn toàn).
Nên thực tế ruồi giấm đực chỉ cho tối đa 2 x 2 x 2 x 3 = 24 loại tinh trùng và đáp án B (24) mới đúng.
Nhiều học sinh giỏi lúng túng chọn đáp án

Như vậy, cả 2 đáp án A (192) và B (24) đều đúng tùy theo cách hiểu của thí sinh học giỏi ở các trường THPT và lớp chuyên.
Nếu câu 28 đề 731 sửa lại là: ruồi giấm có bộ NST 2n = 8. Trên mỗi cặp NST thường xét hai cặp gen dị hợp, mỗi gen có 2 alen; trên cặp NST giới tính xét 1 gen có 2 alen nằm ở vùng không tương đồng của NST giới tính X. Nếu không xảy ra đột biến thì khi các ruồi đực có kiểu gen khác nhau về các gen đang xét giảm phân, theo lý thuyết, có thể tạo ra tối đa bao nhiêu loại tinh trùng?
A. 192                                  B. 24               C. 16 .    D.128
Như vậy thì đề bài mới có duy nhất một đáp án đúng là A (192).
Và như vậy, các thí sinh mới không bị thiệt thòi về điểm số cũng như phân tâm trong khi làm bài mà thời gian chỉ có 90 phút, hơn nữa đề bài dài và khó, nhất là các câu về bài tập như đề thi tuyển sinh năm nay - Ths. Hiển đưa ra ý kiến.
Số điểm bị trừ trong câu hỏi này là 0,2 nhưng nó có thể làm cho các sĩ tử băn khoăn, thiếu lòng tin vào sự chính xác trong đề của Bộ Giáo dục.
Bích Thảo