Đề xuất giáo viên làm 8 tiếng ở trường, không mang việc về nhà rất đáng xem xét

25/01/2021 06:36
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu lương giáo viên được tăng hợp lý thì việc giáo viên giải quyết 100% công việc tại trường, không đem việc về nhà là một vấn đề đáng bàn, đáng được nghiên cứu.

Sau bài viết “Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường” của tác giả Nhật Khoa đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nêu đề xuất về tăng lương nhà giáo và làm việc 8 giờ/ ngày, 40 giờ/ tuần nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều trong đó có nhiều ý kiến phản đối về đề xuất trên.

Giáo viên cũng có lý khi bức xúc với đề xuất làm việc 40 giờ/ tuần

Về ý kiến giáo viên về đề xuất của tác giả Nhật Khoa là tăng lương và làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần như mọi cán bộ, công chức, viên chức khác sau khi đăng tải nhận được rất nhiều ý kiến, nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất có thể phân thành 3 luồng ý kiến sau.

Thứ nhất, là những ý kiến không đồng tình. Có nhiều giáo viên phản đối vì đa số với lý do nghề giáo là nghề đặc thù, giáo viên dạy ở trường xong rồi về nhà thực hiện việc chấm bài, soạn bài, tập huấn online, rồi làm sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học,… nói chung là rất nhiều việc cộng với lương thấp, giáo viên cho rằng nếu làm 8 giờ tại trường như những cán bộ, công chức, viên chức khác là không phù hợp.

Thứ hai, là những ý kiến còn băn khoăn, sẽ đồng tình nếu giáo viên làm hết 100% công việc tại trường, không làm việc tại nhà khi về nhà, không thức đêm để soạn bài, chuẩn bị thanh tra, kiểm tra,…

Thứ ba, những ý kiến đồng tình hoan nghênh với đề xuất trên cho là ý kiến khá hay, sẽ hạn chế được phần nào vi phạm dạy thêm trái phép tràn lan tốn nhiều thời gian, tiền bạc của nhân dân, bạo lực học đường, vi phạm trật tự giao thông, vi phạm khác,…

Như vậy, có thể thấy với công việc hiện nay của giáo viên, với đồng lương hiện nay, với áp lực công việc hiện nay,… và với việc giáo viên đã quen làm việc kiểu dạy hết tiết rồi về nhà, sau khi về nhà mới giải quyết công việc của trường, lớp thì những ý kiến bức xúc của giáo viên về đề xuất làm việc 40 giờ/ mỗi tuần là không phải không có cơ sở, không phải không có cái lý của thầy cô.

Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến thời gian làm việc của giáo viên. (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến thời gian làm việc của giáo viên. (Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Đề xuất làm việc tại trường 40 giờ/ tuần là ý kiến hay nếu…

Công việc của giáo viên hiện nay khá nhiều như đã nói ở trên là cũng có phần đúng, tuy nhiên chưa đầy đủ. Giáo viên phổ thông hiện nay, công việc chưa công bằng ở từng cấp học, bậc học và chưa công bằng đối với từng giáo viên ở chung cấp học.

Trong các cấp học khác nhau thì hiện nay giáo viên mầm non rất cực vì hầu như làm việc cả ngày, đi sớm về trễ, vừa phải chăm lo các em nhỏ; giáo viên tiểu học nhất là lớp 1 bắt đầu dạy các em cũng vất vả vô cùng, thời gian dạy cũng nhiều,… nói chung giữa các cấp học, bậc học thì giáo viên mầm non, tiểu học có phần cực khổ hơn so với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Còn tại chung một ngôi trường thì cũng không đồng đều ví dụ tại các trường thì tổ trưởng/ nhóm trưởng, phụ trách môn, người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm phổ cập, văn thư, quản lý học sinh, phần mềm, thư viện, thiết bị (hiện nay kiêm nhiệm nhiều), giáo viên có trách nhiệm,… thì những công việc rất cực khổ, khi làm việc tại trường xong thì hầu hết phải về nhà thực hiện rất nhiều việc, có người thực hiện việc đến khuya để soạn bài, chấm bài, làm đồ dùng dạy học, soạn nội dung hội họp,…

Nhưng bên cạnh đó, phải nói thật phải có một số lực lượng giáo viên “cá biệt” chỉ làm việc kiểu đối phó, hết giờ rồi thôi, hồ sơ, báo cáo thì chậm trễ,… nên công việc cứ chậm trễ, không hiệu quả, có một số giáo viên cứ hay than thở, ca thán về nghề, về công việc,… khi phân công công việc thì chậm trễ, rất khó phân công, lấy lý do này, lý do khác,… một số tổ trưởng, giáo viên phải cực thêm vì những giáo viên “cá biệt” trên.

Mọi người cùng nhìn nhận, nếu công việc của giáo viên rất nhiều, thức tới khuya để làm không kịp việc như một số ý kiến thì tại sao trong giờ hành chính có cả hàng triệu học sinh học thêm, cả ngàn giáo viên dạy thêm, nếu thời gian không còn vậy lấy đâu ra thời gian dạy thêm?

Bên cạnh đó, khi xong công việc giảng dạy tại trường trong giờ hành chính còn có rất nhiều giáo viên làm những công việc khác như bán hàng online, “tám chuyện” hay có đủ thứ khác không liên quan đến giáo dục,…

Có thể nói hiện nay, chính vì phân công dạy theo tiết dạy, có người làm việc tại trường nhiều, về nhà phải làm nhiều việc của trường, còn một bộ phận giáo viên khác thực hiện công việc kiểu đối phó,… nên tạo sự bất công, bất cập.

Nếu mọi người cùng cố gắng làm việc thì 100% công việc đều được giải quyết tại trường, giáo viên không phải đem việc về nhà, không phải thức khuya dậy sớm như hiện nay.

Do đó vấn đề bây giờ là nếu giáo viên làm được 100% công việc tại trường và không thực hiện công việc ở nhà, giáo viên được tăng lương, mọi tổ, thành viên đều có không gian làm việc phù hợp, giải quyết tại trường hết công việc, giáo viên thực hiện xong có thể tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phong trào tại trường.

Mọi người đều tay giải quyết công việc, học sinh học tại trường dưới sự quản lý, giám sát, giáo dục của giáo viên, 100% công việc được giải quyết tại trường, không đem việc về nhà,… là một trong những vấn đề hướng tới trong tương lai, nên nếu tăng lương giáo viên phù hợp, tôi cho rằng đề xuất làm việc tại trường, giải quyết công việc tại trường 40 giờ/tuần là giải pháp hay, đáng nghiên cứu.

Chấm dứt việc giáo viên làm việc tại nhà được hay không?

Nói công việc giáo viên thì khá nhiều, nhiều công việc không tên. Tuy nhiên công việc chính của giáo viên đứng lớp bao gồm những công việc cụ thể sau:

Đứng lớp giảng dạy với số tiết, số giờ quy định tùy theo cấp học, bậc học (tiểu học 23 tiết/tuần, trung học cơ sở 19 tiết/tuần, trung học phổ thông 17 tiết/tuần);

Công tác chủ nhiệm nếu có đề ra kế hoạch, quản lý học sinh, sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, hoạt động ngoài giờ lên lớp;

Thực hiện hồ sơ sổ sách kế hoạch bài dạy, kế hoạch giáo dục, sổ điểm, sổ chủ nhiệm (nếu có);

Chấm bài kiểm tra học sinh;

Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên hiện nay việc bồi dưỡng thường xuyên thực hiện trực tuyến và trực tiếp trên phần mềm taphuan.csdl.edu.vn;

Họp tổ chuyên môn 2 lần/ tháng, họp hội đồng sư phạm 1 lần/tháng, họp đột xuất, nếu là đảng viên họp chi bộ 1 lần/tháng,…;

Tham gia các phong trào thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học,… (tự nguyện);

Dự giờ, hội giảng, thao giảng,…( hiện nay không bắt buộc, tùy theo trường)

Hướng dẫn học sinh tham gia các phong trào khoa học kỹ thuật, văn nghệ, thể dục thể thao,..;

Các công việc khác như xử lý học sinh, giải quyết các tình huống phát sinh trong nhà trường, và các công việc đột xuất khác,…

Nhìn chung thì công việc giáo viên đứng lớp là như phần trình bày trên là chính, còn các công việc khác có thể phát sinh thêm.

Tuy nhiên, nếu sắp xếp khoa học và hợp lý thì tất cả các việc tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, chấm bài, trả bài, xử lý học sinh, soạn bài, chấm bài, soạn bài thi giáo viên giỏi, thực hiện đồ dùng dạy học,…tất cả được thực hiện tại trường.

Sắp xếp hợp lý thì giáo viên khi thực hiện công việc 100% tại trường thì đương nhiên tất cả hồ sơ, vấn đề đều giải quyết tại trường, khi về nhà thì sẽ rất ít phải thực hiện công việc liên quan đến trường, lớp.

Tất nhiên, trong một số trường hợp do thiếu sót thì vẫn có lúc vẫn cần làm thêm ở nhà nhưng việc đó là rất ít, hầu như đều giải quyết tại trường.

Khi đó cũng là việc làm công bằng trong giáo dục và công bằng giữa nghề giáo và các nghề khác, nghề giáo nên còn một đặc thù là được nghỉ 2 tháng hè, trong thời gian hè không được phân công công việc cho giáo viên.

Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu lương nhà giáo được tăng hợp lý, đưa lương nhà giáo là lương đặc thù của ngành nghề tương xứng với vai trò, vị thế của nhà giáo, tương xứng với giáo dục là quốc sách hàng đầu, thì việc giáo viên giải quyết 100% công việc tại trường, không đem việc về nhà là một vấn đề đáng bàn, đáng được nghiên cứu.

BÙI NAM