Địa phương nào có tỉ lệ giáo viên giỏi cao bất thường, Bộ nên thanh tra

24/07/2021 07:00
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ cần có cuộc thanh tra giám sát những địa phương có tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp cao để có sự chấn chỉnh kịp thời (thay vì tuyên dương, khen ngợi như trước)

Tình trạng quá nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi diễn ra trong nhiều năm đã được chấm dứt bằng những quy định trong Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục ban hành ngày 20/12/2019.

Áp dụng đúng Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT thì sẽ chọn được giáo viên giỏi thực chất (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Áp dụng đúng Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT thì sẽ chọn được giáo viên giỏi thực chất (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Do đó, năm học 2020-2021, các trường học trong cả nước đã áp dụng Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT, nhiều trường học ở các địa phương đã không thể tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi vì gần như không có giáo viên nào trong trường đủ yêu cầu mà thông tư quy định.

Minh chứng rõ ràng nhất là tại địa phương nơi người viết đang công tác, trong năm học 2020-2021 vừa qua, do áp dụng những quy định của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT gần 40 trường tiểu học đã không thể tổ chức Hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Trong khi những năm trước đó, năm nào những trường học nơi này tỷ lệ giáo viên dạy giỏi cấp trường gần như đều cao ngật ngưỡng, 100%, họa hoằn mới có trường đạt mức 99%.

Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT quy định rõ tiêu chuẩn tham dự Hội thi:

a) Giáo viên tham dự Hội thi cấp trường đảm bảo các tiêu chuẩn sau đây: Giáo viên tham dự Hội thi cấp trường phải đảm bảo đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi.

Trong đó, các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức Tốt;

Mức Tốt của các tiêu chí thuộc Tiêu chuẩn 2 Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định thế nào? Ngoài quy định chung như "Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục", thì phải đạt các tiêu chí cụ thể như sau:

1. Tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuyên môn của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

2. Tiêu chí 4. Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục.

3. Tiêu chí 5. Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp về kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm vận dụng những phương pháp

4. Tiêu chí 6. Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp kinh nghiệm triển khai hiệu quả việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập và sự tiến bộ của học sinh.

5. Tiêu chí 7. Tư vấn và hỗ trợ học sinh

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp kinh nghiệm triển khai hiệu quả hoạt động tư vấn và hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục

Với quy định các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) phải đạt mức Tốt như thế thì mới được tham gia Hội thi giáo viên giỏi cấp trường.

Chúng tôi có thể khẳng định ngay rằng, giáo viên đạt Tốt tất cả những tiêu chí trong tiêu chuẩn 2 (hoặc chí ít cũng phải đạt 2/3 tiêu chí tốt) thế này trong một trường sẽ không có nhiều, những giáo viên trẻ gần như chưa thể đạt. Nếu có (xếp theo kiểu nương nhẹ tay một chút) thì mỗi trường cũng chỉ được một vài người là cao.

Bản thân người viết bài đã có 4 năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện/thị xã, 8 năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 8 năm đạt chiến sĩ thi đua cơ sở và hàng chục năm làm Tổ trưởng chuyên môn, nhiều năm có mặt trong ban giám khảo Hội thi giáo viên giỏi cấp trường, Hội đồng khoa học của nhà trường, được Ban giám hiệu nhà trường cũng như nhiều đồng nghiệp tín nhiệm và đánh giá là giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng.

Dù thế, người viết cũng chỉ dám xếp các tiêu chí ở Tiêu chuẩn 2 của mình ở mức Khá để thấy đạt được mức Tốt phải nổi trội, phải xuất sắc đến mức nào?

Do khó như vậy nên năm học 2019-2020, nhiều trường học ở địa phương tôi, giáo viên chỉ xếp các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 ở mức Đạt và Khá. Vì vậy, năm học 2020-2021, áp dụng thông tư mới về Hội thi giáo viên giỏi đã có rất nhiều trường không có một giáo viên nào đủ điều kiện dự thi và Hội thi giáo viên giỏi đã không thể diễn ra theo chu kỳ.

Nếu xảy ra tình trạng nhiều giáo viên giỏi như trước đây thì nguy cơ trường học ấy sẽ lách quy định của Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT là khá cao

Như phân tích ở trên, giáo viên muốn tham dự Hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thì ngay các tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 (Tiêu chuẩn Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ) phải được xếp Tốt.

Muốn đạt được mức Tốt ở tiêu chuẩn này không hề đơn giản, giáo viên phải thật sự xuất sắc. Một trường học, nếu xếp công tâm cũng chẳng có mấy người. Bởi thế, nếu ai lọt vào “cánh cửa hẹp” này dù chưa thi thì bản thân họ đã thật sự xứng đáng.

Tuy thế, điều đáng lo ngại rằng, liệu có bao nhiêu trường học xếp đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục? Bao nhiêu trường chọn giáo viên một cách công bằng, minh bạch? Chỉ sợ vì căn bệnh ngụy thành tích nhiều trường học sẽ nới rộng việc xếp loại theo các tiêu chí ở Tiêu chuẩn 2 để giáo viên có đủ điều kiện dự thi giáo viên giỏi. Và, việc loạn giáo viên giỏi như nhiều năm trước đây lại sẽ tiếp diễn.

Trường học lách quy định trong thông tư về Hội thi giáo viên giỏi thế nào?

Rút kinh nghiệm của năm học 2020-2021, nhà trường không thể tổ chức Hội thi giáo viên giỏi. Cuối năm học này, khi đánh giá xếp loại giáo viên, một số đồng nghiệp của chúng tôi tại nhiều địa phương đã cho biết, một số hiệu trưởng trường học đã “bật đèn xanh” cho các tổ chuyên môn xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo kiểu nương tay, nới rộng với những “hạt giống đỏ” mà nhà trường đã nhắm sẵn sẽ đem chuông đi đánh xứ người.

Thế là, những giáo viên “hạt giống đỏ” sẽ được xếp loại Tốt ở các tiêu chí trong Tiêu chuẩn 2 (có người chưa thật sự xứng đáng). Điều này đã gây ra sự bất công, không công bằng cho khá nhiều giáo viên khác.

Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) đã cho rằng: “Xét về mọi phương diện mình chẳng thua những thầy cô giáo đó mà chỉ thua không được lòng hiệu trưởng nên không được xếp Tốt và đồng nghĩa sẽ không được tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường cho năm tới”.

Thầy giáo D. (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết: “Được lòng cấp trên thì lọt danh sách đi thi, không được lòng thì mình có phấn đấu cỡ nào cũng chẳng bao giờ có tên...”.

Chúng tôi cho rằng, việc ra đời của Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông đã giảm áp lực đáng kể cho giáo viên ở các cơ sở giáo dục không bị ép buộc phải tham dự Hội thi khi bản thân không có nhu cầu.

Đồng thời cũng khống chế được lượng giáo viên giỏi ảo, giỏi theo chỉ tiêu phong trào. Điều được lớn hơn chính là nhà trường, ngành giáo dục sẽ chọn được những giáo viên giỏi, đúng nghĩa giỏi, thật sự xứng đáng để đồng nghiệp phấn đấu, học tập và noi theo.

Tuy nhiên, vì thành tích muốn nâng tỷ lệ giáo viên giỏi cho nhà trường và vì cả tình cảm riêng tư mà không ít hiệu trưởng đã nương tay, dễ dãi trong việc xếp loại giáo viên này, khe khắt với giáo viên khác dẫn đến người được đi thi giáo viên giỏi chưa hẳn đã xứng đáng hơn người không lọt vào danh sách dự thi.

Điều này không khuyến khích giáo viên nỗ lực phấn đấu trong học tập và giảng dạy mà lại nảy sinh tiêu cực tìm kiếm cơ hội lấy lòng cấp trên để được khẳng định mình.

Những đề xuất

Trong sinh hoạt chuyên môn, trong giảng dạy hằng ngày của giáo viên thì Tổ trưởng và các thành viên trong tổ luôn là những người hiểu và nắm chắc năng lực của từng giáo viên.

Không có cách nào hữu hiệu hơn là các Tổ trưởng chuyên môn phải phát huy hết vai trò của mình để thực hiện tốt việc đánh giá giáo viên ở tổ một cách chính xác nhất. Để từ đó, có tiếng nói trong các cuộc họp liên tịch đánh giá, phân loại giáo viên.

Bên cạnh đó, Phó hiệu trưởng (người theo dõi chuyên môn nhà trường) cũng cần có sự công tâm khi dự giờ, đánh giá xếp loại giáo viên.

Sau cùng, mỗi hiệu trưởng hãy đừng vì cảm xúc cá nhân mà tỏ ra kẻ yêu người ghét, đừng vì thành tích bản thân, đừng vì suy nghĩ trường nhiều giáo viên giỏi sẽ là trường danh tiếng để du di, qua loa trong xếp loại nhằm lấy số lượng át chất lượng.

Hiệu trưởng cần chấp nhận cả hiện thực có thể sẽ không có ai đạt được tiêu chuẩn này hoặc chỉ đôi ba người thì trường vẫn mở Hội thi bình thường. Phải chứng minh cho mọi người thấy rằng, người đạt được các tiêu chí trong Tiêu chuẩn 2 phải thật sự là người giỏi.

Có thế, giáo viên mới nể phục và có sự phấn đấu bằng năng lực, sự cố gắng bằng khổ luyện của mình chứ không phải kiểu a dua, xu nịnh lấy lòng như cách mà một số thầy cô vẫn thường áp dụng.

Sau cùng, Bộ Giáo dục đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định về các Hội thi giáo viên giỏi cũng cần có các cuộc thanh tra, giám sát những địa phương nào có tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp nhiều để có sự chấn chỉnh kịp thời (thay vì tuyên dương, khen ngợi như trước đây).

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2019-tt-bgddt-quy-dinh-ve-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-179675-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết