Điểm chuẩn cao đẳng sẽ... sát sàn

18/07/2012 15:27
Theo Tuổi trẻ
Tuy đánh giá đề thi tuyển sinh cao đẳng năm nay dễ hơn, học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm bài được, nhưng nhiều trường lại dự báo điểm chuẩn sẽ xuống thấp do lượng thí sinh giảm sút nghiêm trọng.
Nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, tp.hcm) trao đổi sau khi thi xong môn lý tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - điểm thi của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM - sáng 15-7. Ảnh: Trần Huỳnh.
Nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, tp.hcm) trao đổi sau khi thi xong môn lý tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - điểm thi của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM - sáng 15-7. Ảnh: Trần Huỳnh.
Ông Nguyễn Hữu Loan - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Thủy sản - cho biết tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm 2012 sụt xuống mức 612 hồ sơ. Song đến ngày thi tuyển thì số thí sinh thực tế đến dự thi còn tụt hơn nữa: chỉ có 297 thí sinh.
“Trường cũng dự báo được sự sụt giảm thí sinh nên đã đăng ký giảm chỉ tiêu từ 700 năm 2011 xuống còn 500 nhưng vẫn không ngờ số lượng thực tế còn thấp hơn thế. Như vậy số dự thi mới chỉ bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu. Không còn cách nào khác, điểm chuẩn của trường có thể dự báo ngay là bằng điểm sàn” - ông Loan nói.
Thí sinh ít dần
Tại Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) với tỉ lệ thí sinh dự thi thấp, các thí sinh dự thi vào trường này chỉ cần đạt mức điểm sàn là ung dung trúng tuyển. Chắc chắn nhà trường sẽ tiếp tục xét tuyển mới có thể đủ 1.800 chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao trong năm nay.
Tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Điện Biên, chỉ tiêu tuyển sinh cho bốn ngành đào tạo là 300, nhưng số thí sinh thực tế đến dự thi chỉ có 208. Theo ông Trần Bá Uẩn - phó trưởng phòng đào tạo của trường - dù cố lấy xuống điểm sàn mà bộ cho phép thì trường vẫn phải xét tuyển các nguyện vọng khác.
Trường CĐ cộng đồng Hải Phòng tuyển 1.300 chỉ tiêu, nhưng số thí sinh dự thi chỉ có 1.118 em, thấp hơn rất nhiều so với năm 2011. Theo ông Nguyễn Văn Bỉnh - trưởng phòng đào tạo nhà trường - nếu lấy đến điểm sàn thì dự kiến khả năng trúng tuyển của thí sinh dự thi cũng chỉ đạt 65%, số còn lại trường sẽ phải tăng cường xét tuyển các nguyện vọng.
Ngay tại Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội - trường có số lượng đăng ký dự thi cao hơn nhiều so với mặt bằng chung các trường cao đẳng phía Bắc thì điểm chuẩn dự đoán cũng thấp hơn rất nhiều so với năm 2011.
Ông Dương Đức Chính - hiệu trưởng nhà trường - cho biết tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay hơn 13.000, đã giảm đến 5.000 so với năm 2011. Song số dự thi còn thấp hơn nữa khi chỉ hơn 8.000 thí sinh dự thi.
“Năm 2011 điểm chuẩn của trường là 14,5 trong khi điểm sàn của bộ là 10 điểm. Xét tương quan cụ thể năm nay, điểm chuẩn của trường sẽ hạ so với năm trước, hoặc bằng điểm sàn, hoặc cao hơn cũng chỉ nhỉnh hơn một chút” - ông Chính nói.
Kinh tế hạ nhiệt, kỹ thuật nhích lên
Đặc biệt, sự giảm sút số lượng thí sinh dự thi cao đẳng năm nay thể hiện khá rõ ở nhóm các ngành kinh tế. Theo ông Nguyễn Văn Bỉnh, số thí sinh dự thi vào ngành tài chính - kế toán vốn là ngành mạnh của Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng năm nay giảm 20% so với năm trước.
Ông Phạm Quốc Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Xây dựng số 1 - cho hay ngành kế toán đã bị vơi dần lượng đăng ký nên trường cũng chỉ còn giữ lại hơn 100 chỉ tiêu cho ngành này.
“Năm 2012, trường tăng tổng chỉ tiêu từ 1.100 lên 1.400, nhưng 300 chỉ tiêu tăng thêm chủ yếu tập trung vào các ngành công nghệ, kỹ thuật, đáp ứng lựa chọn thực tế của thí sinh. Ngành kế toán quá nhiều trường CĐ tuyển sinh, đào tạo nên đã bắt đầu thấy được rõ nét dấu hiệu thừa người, thiếu việc đối với những sinh viên tốt nghiệp ngành này” - ông Hoàn thẳng thắn bày tỏ.
Ông Nguyễn Phúc Đức - phó hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội - cho hay số dự thi vào trường ở ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng giảm, trong khi các ngành công nghệ điện - điện tử, công nghệ xây dựng lại bứt phá ngoạn mục.
“Số đăng ký dự thi ngành công nghệ xây dựng tăng thêm 1/5, ngành công nghệ điện - điện tử tăng gấp hai lần so với năm trước. Thí sinh đã thực tế hơn, biết chọn lựa những ngành mà cơ hội việc làm nhìn thấy ngay sau khi ra trường. Ngành cao đẳng kỹ thuật trang bị cho các em một nghề thực hành ngay sau khi ra trường đã bắt đầu tạo ra sự hấp dẫn tương xứng với giá trị nghề nghiệp thực tế” - ông Đức nhận định.
Trước tình hình đó, điều đáng chú ý là trong tuyển sinh năm nay, số lượng thí sinh dự thi vào khối ngành kỹ thuật đã có dấu hiệu tăng lên. Ông Trần Tấn Dũng - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng - cho biết tỉ lệ thí sinh dự thi của trường năm nay tăng khoảng 2% và số hồ sơ đăng ký dự thi cũng cao hơn khoảng 600.
ThS Nguyễn Văn Thọ, phó hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 2, cũng cho rằng với thực tế nhu cầu nguồn nhân lực trong xã hội hiện nay và thời gian tới, các ngành khối kỹ thuật công nghệ sẽ được chú ý hơn. Sức hút nhóm ngành kinh tế cũng đã bão hòa.
“Khối ngành kinh tế hiện đang có quá nhiều trường đào tạo cả công lập và ngoài công lập. Từ đó lượng thí sinh chia đều các trường này và sẽ giảm dần... Trong khi đó ngành kỹ thuật chỉ tập trung ở một số trường công lập có bề dày kinh nghiệm đào tạo nên thu hút thí sinh đông hơn” - ông Thọ phân tích.

ĐÁP ÁN MÔN VĂN KHỐI C, D HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN SINH KHỐI B HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN VẬT LÝ KHỐI A, A1 HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN LỊCH SỬ KHỐI C HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN LỊCH SỬ KHỐI C HỆ CAO ĐẲNG 2012

Theo Tuổi trẻ