Đôi điều về bài giảng “Vợ nhặt” trên Đài truyền hình Hà Nội (2)

19/03/2020 06:48
Ánh Dương
(GDVN) - Ngoài những tranh cãi thì bài giảng “Vợ nhặt” (Kim Lân) của cô Nguyễn Hương Thủy cũng có nhiều nội dung mới mẻ, sâu sắc.

(Tiếp theo bài 1)

2. Nhân vật Tràng

Trước khi nhặt vợ.

Tràng là dân ngụ cư, nghèo, ngờ nghệch, vụng dại (thô kệch về thể xác, ngờ nghệch về nhận thức); con người bị ném vào nạn đói khủng khiếp (người sống xanh xám như những bóng ma, người chết lấn át người sống, cõi âm lấn át cõi dương).

Hành động liều lĩnh, bản năng (thể hiện qua từ ngữ “chậc, kệ”; cạn nghĩ); khát vọng hạnh phúc mãnh liệt (niềm vui lấn át nỗi lo, trở thành con người hào hiệp, mạnh mẽ).

Những thay đổi khi đã “nhặt vợ”.

Trên đường về nhà: khuôn mặt (phớn phở, tủm tỉm cười nụ, mắt sáng lấp lánh); hành động và thái độ (ngăn không cho trẻ con đùa, nghiêm nét mặt, bật cười, mắng yêu).

Về nhà giới thiệu với mẹ: ân cần với thị (trân trọng thị); tự tin, rành rọt với mẹ (không đùa cợt với tình duyên).

Sáng hôm sau (sau đêm tân hôn). 

Thức dậy (ngỡ ngàng, hạnh phúc); nhận ra sự thay đổi (nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, gọn gàng; bà cụ Tứ rạng rỡ hẳn lên; người vợ hiền hậu đúng mực); thấy nên người (cảm động trước cảnh tượng gia đình hạnh phúc; yêu thương, gắn bó với gia đình lạ lùng; có bổn phận lo lắng cho vợ con; mong muốn chung tay góp sức thay đổi gia đình); nghĩ đến lá cờ đỏ sao vàng.

Nhân vật góp phần làm nên một sự vận động mới cho câu chuyện của nhà văn Kim Lân cũng như những đề tài viết về cái đói của những tác phẩm văn học hiện thực trước 1945.

Tranh minh hoạ về cảnh trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Tranh minh hoạ về cảnh trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

3. Nhân vật thị

Trước khi theo tràng về nhà làm vợ. 

Là nạn nhân thê thảm của cái đói (không tên, tàn tạ); hành động liều lĩnh (bị xô đẩy từ cái đói, hành động không xuất phát từ toan tính).

Sau khi theo Tràng về nhà làm vợ. 

Nỗi xót tủi (rón rén, e thẹn; thấm thía hoàn cảnh cay đắng; xấu hổ khi đối diện với bà cụ Tứ); sự thay đổi vào sáng hôm sau (hiền thảo đúng mực; điềm nhiên và miếng cám vào miệng; câu chuyện phá kho thóc Nhật).

Thị góp phần kéo câu chuyện của cái đói sang một câu chuyện khác (thức tỉnh để đến với cách mạng).

Bài tập vận dụng:

* Bài 1. Liệt kê những tính từ thể hiện sự thay đổi tâm trạng của hai nhân vật Tràng và thị.

- Gợi ý: Tràng: phớn phở, khác thường, tủm tỉm, lấp lánh; xăm xăm, đon đả, ngượng nghịu, sờ sợ, lấm lét, lật đật; êm ái, lửng lo, ngỡ ngàng, lững thững, lạ lùng, vui sướng, phấn chấn, xăm xăm, ngoan ngoãn…

Thị: rón rén, e thẹn, nhạt nhẽo, (ngồi) mớm, khư khư, bần thần, (thở) dài, ngượng nghịu, khép nép, lẳng lặng; hiền hậu, đúng mực, điềm nhiên…

Tính từ thể hiện sự thay đổi của hai nhân vật. Với Tràng thì đó là một niềm vui tràn ngập, niềm sung sướng vô biên của một con người có vợ.

Nhưng với thị thì đó là sự lặng lẽ khi thấm thía của thân phân của con người. Cũng có cái thấm thía của con người chợt nhận ra rằng, không phải miếng cơm cho mình hạnh phúc mà chính là tình yêu thương và khát vọng hãy sống cho ra một con người.

Làm sao để thu hút học sinh khi Hải Phòng dạy học trên truyền hình?
Làm sao để thu hút học sinh khi Hải Phòng dạy học trên truyền hình?

* Bài 2. Cảm nhận nhân vật Tràng và thị qua đoạn trích từ câu “giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy… Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”.

- Gợi ý: Học sinh cần chỉ ra được sự vận động, biến đổi về tâm trạng của nhân vật Tràng và nhân vật thị, đồng thời lí giải được sự vận động biến đối ấy, hoặc có thể so sánh đối chiếu về tâm trạng của hai nhân vật này.

* Bài 3. Cảm nhận về hai chi tiết “Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu, thương hại. Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ.” (Chí Phèo – Nam Cao)

Và “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phân lo cho vợ con sau này (Vợ nhặt – Kim Lân).

* Bài 4: Cảm nhận về hình ảnh người phụ nữ qua nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và nhân vật thị (Vợ nhặt – Kim Lân).

Thảo luận

Học sinh cố gắng nắm chắc những nội dung cơ bản về nhân vật Tràng và nhân vật thị. Cùng với đó, các em đọc một vài lần gợi ý bài tập 1 cho nhớ và thử làm bài tập 2.

Riêng bài tập 3, 4 là phần nâng cao, là dạng đề của năm 2018, không đúng với cấu trúc hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Nhân vật bà cụ Tứ

Bà cụ Tứ không có vai trò quan trọng trong cốt truyện nhưng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng chủ đề.

Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ tối hôm trước.

Khi mới nghe tin (ngạc nhiên, phấp phỏng, đứng sững lại, phấp pháy cặp mắt, lập cập, băn khoăn…); khi đã hiểu sự việc (ai oán; xót thương cho mình, cho con tria và cho thị; biết ơn thị; vun vén, nâng niu hạnh phúc bé mọn, vỗ về con dâu).

Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ sáng hôm sau.

Trước bữa ăn (xăm xắn thu xếp nhà cửa; trẻ hẳn ra, khuôn mặt nhẹ nhõm, tươi tỉnh); trong bữa ăn (toàn kể chuyện vui; hứa hẹn, lật đật, lễ mễ bưng nồi cháo cám; dỗ dành các con; nghẹn ngào khóc).

Bà cụ Tứ chủ động vun vén hạnh phúc nhưng bị động trước tình huống bất ngờ. Đó là tấm lòng của người mẹ đầy yêu thương và nâng niu hạnh phúc gia đình.

5. Tổng kết

Truyện ngắn “Vợ nhặt” nói đến tình cảnh thê thảm của người nông dân trước nạn đói khủng khiếp.

Các nhân vật khao khát hạnh phúc gia đình, có niềm tin vào cuộc sống và thể hiện tình yêu thương giữa con người với con người.

Nhà văn Kim Lân đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, năng lực phân tích chân dung nhân vật sắc sảo, thành công trong miêu tả tâm lí nhân vật, sử dụng ngôn ngữ của người kể chuyện và nhân vật rõ nét.

Bài tập vận dụng:

* Bài 1. Liệt kê những lời bà cụ Tứ nói với người con dâu và những điều bà nghĩ và suy nghĩ về tấm lòng người mẹ.

- Gợi ý: Học sinh tìm và gạch chân những lời thoại của bà cụ Tứ khi nói với Tràng và con dâu ở sách giáo khoa.

Từ đó cho thấy, bà cụ Tứ thấu hiểu tất cả mọi cơ sự bằng trải nghiệm của đời mình. Càng hiểu càng thương, càng hiểu càng ân tình và càng hiểu càng có niềm tin.

* Bài 2. Trong tác phẩm “Vợ nhặt”, Kim Lân đã bao nhiêu lần kể về bà cụ Tứ khóc. Những lần ấy, tác giả đã kể tâm trạng bà cụ tứ như thế nào?

- Gợi ý: Bà cụ Tứ đã có 3 lần khóc, đó là tối hôm trước (2 lần), sáng hôm sau (1 lần).

Nước mắt người già rất hiếm. Để cho bà cụ Tứ khóc, Kim Lân muốn nói rằng, câu chuyện Tràng lấy vợ xót thương lắm, không nên có thật.

Những lần khóc, bà cụ Tứ đều cố và giấu nước mắt. Mọi sự đã xảy ra rồi thì phải cố mà thương, nâng niu, trân trọng hiện thực.

Cuộc đời cần có những giọt nước mắt vì con người vốn dĩ có nhiều khổ đau. Khi buồn, chúng ta đừng ngại rơi nước mắt, chỉ có điều, đôi khi chúng ta phải biết quay mặt đi với những người mà mình yêu thương.

* Bài 3. Cảm nhận về phản ứng của bà cô Thị Nở trong đoạn văn “Thấy thị hỏi, bà già kia bật cười… Đã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn, ai lại đi lấy thằng Chí Phèo”. (Chí Phèo – Nam Cao) và bà cụ Tứ qua đoạn văn “Bà lão cúi đầu nín lặng… chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chết chứ biết thế nào mà lo cho hết được” (Vợ nhặt – Kim Lân).

* Bài 4. Phân tích phản ứng của ba nhân vật Tràng, thị và bà cụ Tứ với “nồi cháo cám” trong bữa ăn đầu tiên bà cụ Tứ “đãi” nàng dâu.

- Gợi ý: Bà cụ Tứ (chủ động tạo ra; lật đật, lễ mễ, tươi cười, đon đả; dỗ dành hai con); thị (hai con mắt tối lại, điềm nhiên và vào miệng); Tràng (gợt một miếng bỏ vội vào miệng, mặt chun ngay lại).

Lúc sau (cả ba cắm đầu ăn cho xong lần, không ai nói với ai câu gì; họ tránh nhìn mặt nhau; một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người).

* Bài 5. Kim Lân đã tâm sự rằng “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. 

Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

Hãy làm sáng tỏ nhận định trên qua truyện ngắn “Vợ nhặt”.

Thảo luận

Học sinh nắm chắc về nhân vật bà cụ Tứ và phần tổng kết nội dung, nghệ thuật của tác phẩm “Vợ nhặt”.

Tham khảo gợi ý phần bài giải các bài tập 1, 2, 4; cố gắng làm bài tập 5 sau khi đã nắm vững kiến thức. Riêng bài tập 3 không giống với đề minh họa và đề thi chính thức của kì thi quốc gia năm 2019.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoducthoidai.vn/trao-doi/hap-dan-bai-day-tac-pham-vo-nhat-1311847-v.html?fbclid=IwAR3Y4tSur4VjSy63v7BsIiY3FWrXdxY3AC7xLNkDL4f_4AvSpMCwnZzlkcA

[2] //hanoitv.vn/on-tap-mon-van-lop-12-ngay-09032020-tac-pham-vo-nhat-v134146.html

[3] //www.youtube.com/watch?v=2tjS9XwknFg

[4] //www.youtube.com/watch?v=KHbYfE__CRI

Ánh Dương