Đổi mới toàn diện giáo dục: Không lo chuyện “bình mới rượu cũ”?

09/11/2013 07:06
Xuân Trung
(GDVN) - “Chúng ta không thể lấy môn khoa học này, khoa học kia quan trọng rồi đưa nhiều, mà tất cả phải lấy lợi ích của đứa trẻ, lấy mục đích tối cao là hình thành năng lực, phẩm chất từng người lao động Việt Nam mới làm chuẩn để đo lường và tính toán khối lượng kiến thức”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận một lần nữa khẳng định như vậy khi nói về mục tiêu đổi mới các môn học trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Không lo chuyện “bình mới rượu cũ”

Nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng khi đổi mới chương trình theo hướng tích hợp thì số môn học sẽ được giảm mạnh, thay vào đó là tích hợp các môn nằm trong từng lĩnh vực cụ thể (Khoa học xã hội, khoa học tự nhiên...). Liệu đây có phải thay đổi về chất của chương trình học hay không và Bộ GD&ĐT dựa vào cơ sở nào để giảm môn học, liệu kiến thức của học sinh có bị cắt giảm?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra giải thích, Bộ trưởng cho rằng cách học, cách thiết kế chương trình hiện nay của chúng ta giống một số các nước cách đây 30-40 năm trở về trước, tức là ngoài đời sống có môn khoa học nào thì trong trường có môn khoa học đó, cách thiết kế như vậy đòi hỏi khối lượng kiến thức dồn ép vào nhà trường tăng lên vô bờ bến, dồn từ bậc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ xuống bậc phổ thông và dẫn đến quá tải, cách thiết kế đó gần tính khoa học và mang tính hàn lâm, xa rời cuộc sống, làm cho chương trình lớp dưới so với lớp trên là những vòng tròn đồng tâm dứt khoát và trùng lặp, trong đó có nhiều sự trùng lặp biết mà không tránh được.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Lấy mục đích tối cao là hình thành năng lực, phẩm chất của từng người lao động Việt Nam mới làm chuẩn để đo lường và tính toán khối lượng kiến thức. Ảnh Việt Dũng/Tuổi trẻ
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Lấy mục đích tối cao là hình thành năng lực, phẩm chất của từng người lao động Việt Nam mới làm chuẩn để đo lường và tính toán khối lượng kiến thức. Ảnh Việt Dũng/Tuổi trẻ

“Thế giới bây giờ họ thiết kế theo cách khác, không thiết kế môn học theo các môn khoa học mà lựa chọn vô vàn những kiến thức từ trong lĩnh vực của môn khoa học đó, những kiến thức gần với cuộc sống, phù hợp với quy luật của trẻ thơ và đưa vào. Đây không phải đưa môn nào và nhốt chung vào cái túi mà phải theo quy luật của giáo dục, theo quy luật của nhận thức, theo mục tiêu của chúng ta xác định để lựa chọn” Bộ trưởng Luận cho biết.

Về chuyện “bình mới rượu cũ” khi tiến hành đổi mới, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, lần này bộ sẽ làm khác, sẽ không phải thảo luận đưa môn Toán bao nhiêu, môn Lý bao nhiêu mà tất cả kiến thức các môn đó đưa vào đều phải nhằm một mục tiêu góp phần hình thành năng lực, phẩm chất của học sinh theo lộ trình thời gian đã được thiết kế và phù hợp với nhận thức của học sinh.

“Chúng ta không thể lấy môn khoa học này, khoa học kia quan trọng mà đưa nhiều mà tất cả lấy lợi ích của đứa trẻ, lấy mục đích tối cao là hình thành năng lực, phẩm chất của từng người lao động Việt Nam mới làm chuẩn để đo lường và tính toán khối lượng kiến thức” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Đưa ra ý kiến riêng của mình, PGS. TS. Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, việc thay đổi chương trình ở bậc phổ thông bằng cách tích hợp các môn có thể sẽ xuất hiện những môn mới, như vậy các môn cũ như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa có thể sẽ có tên gọi khác.

PGS. TS. Trần Kiều dẫn chứng, có thể hình thành môn Khoa học, nó là sự tích hợp giữa các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học. Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS. Trần Kiều thì dứt khoát sẽ có những khó khăn mà chúng ta sẽ gặp mặc dù đó là xu thế, như ai sẽ là người biên sạn những tài liệu tích hợp đó, ...?

“Vấn đề tích hợp không phải bây giờ mới đặt ra, mà đã đặt ra từ khi chúng ta xây dựng chương trình theo mục tiêu của Quốc hội. Như vậy, tích hợp thế nào để tránh chuyện được đánh giá là bình mới rượu cũ, là sự sắp xếp một số môn học vào cùng một quyển sách, đấy là điều khó” PGS. TS. Trần Kiều nêu ý kiến.

Cơ sở niềm tin thành công vào đổi mới, nếu...?

Những khó khăn, thách thức ngành giáo dục đối với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo đang ở phía trước, xác định đây là một cuộc “cách mạng” trong giáo dục để thúc đẩy sự nghiệp luôn được xem là “quốc sách hàng đầu” phát triển.

Quá trình đổi mới xác định phải đào tạo lại đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa
Quá trình đổi mới xác định phải đào tạo lại đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa

Đi vào cụ thể của nội dung đổi mới giáo dục, Đề án đổi mới xác định chương trình giáo dục phổ thông sẽ đi vào hướng tích hợp và phân hóa, vậy dạy tích hợp sẽ như thế nào, đó vẫn là câu hỏi còn rất nhiều mường tượng.

Giải đáp thắc mắc này, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết đó chỉ là cái tên do chúng ta đặt ra, chúng ta đã lấy quá khứ, lấy vốn sống của mình để gọi tên cho một hiện tượng mới của cuộc sống, và dù có gọi thế nào nhưng không nên đặt vấn đề nhập môn này vào môn kia.

Được biết, để có cơ sở cho phương án dạy học tích hợp ở phổ thông thì Bộ GD&ĐT đã tiến hành thí điểm dạy theo cách này được 3 năm ở hàng nghìn trường học tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi và đặc biệt là nhiều học sinh khó khăn, với những đội ngũ nhà giáo hiện tại, cơ sở vật chất hiện tại để thử nghiệm. Sau quãng thời gian thử nghiệm đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông tin đã có những kết quả khả quan, chất lượng và hiệu quả giáo dục nâng lên, giáo viên bắt kịp, khả năng nhân rộng mô hình này là hiện thực.

“Nhiều người băn khoăn hiện nay sư phạm chưa đổi mới, nhưng chúng ta không thể bỏ 2 triệu thầy cô giáo hiện nay sang bên cạnh để đưa 2 triệu thầy cô giáo mới được đào tạo vào, chúng ta phải đổi mới từ đội ngũ hiện nay của chúng ta, việc đó sẽ được triển khai đào tạo lại” Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Đúng như nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục nhận định, yếu tố quyết định tới sự thành công của lần đổi mới này là con người, đó là đội ngũ nhà giáo ở các bậc học, xác định đúng tầm quan trọng của vấn đề này thì sự nghiệp giáo dục sẽ thành công, và trong Đề án đổi mới đã rất chú trọng đến lực lượng đó.

PGS. TS. Trần Kiều nêu quan điểm, ông tán thành những nhận định và những ý kiến của Ban chấp hành Trung ương trong Đề án lần này khi xác định đúng vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới.

“Chúng ta cũng đã loay hoay tìm xem nút bấm làm cho giáo dục phát triển, vượt qua những thách thức, vượt qua những khó khăn nó là cái gì? Cũng có người đề nghị là SGK, là công tác quản lí, nhưng kì này chúng ta xác định yếu tố quyết định tới chất lượng giáo dục là giáo viên, hiểu theo nghĩa một cơ cấu hợp lí, một số lượng đầy đủ, một chất lượng ở mức độ cao” PGS. TS. Trần Kiều đồng quàn điểm.

Tuy nhiên để làm được điều này phải có những biện pháp mạnh mẽ và phải thực hiện trong cả một lộ trình. “Kì này nếu lực lượng giáo viên có được quyết tâm, có được nhận thức đúng, đặc biệt có được hiểu biết cần thiết để cùng với lãnh đạo bộ và cũng như những bộ phận khác, tôi nghĩ đấy là một cơ sở để đạt được niềm tin thành công trong đổi mới căn bản toàn diện” PGS. TS. Trần Kiều khẳng định./.

Xuân Trung