Đừng ngại việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học

22/09/2020 05:54
Kim Oanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đừng sợ các em hư, các em lạc lối nếu nhà trường và gia đình có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp các em tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và một trong những điểm mới được quy định là cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.

Nhiều người phản đối sự việc này bởi họ cho rằng cho học sinh sử dụng điện thoại trên lớp sẽ để lại nhiều hệ lụy và giáo viên sẽ không thể nào quản lý được học trò, nhưng cũng có nhiều người đồng tình trước sự việc này.

Chúng tôi cho rằng với thực tế của hiện tại thì cho học sinh sử dụng điện thoại trên lớp sẽ là điều tất yếu, việc quản lý, giám sát, định hướng học sinh sử dụng ra sao đó lại là chuyện của nhà trường, của thầy cô giáo đứng lớp.

Vì thế, dù có đôi chút băn khoăn nhưng có lẽ cấm học sinh, nhất là học sinh trung học phổ thông sử dụng điện thoại trên lớp trong lúc này có lẽ không còn phù hợp nữa.

Việc Bộ cho học sinh sử dụng điện thoại đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau (Ảnh minh họa: Báo Lao động thủ đô)

Việc Bộ cho học sinh sử dụng điện thoại đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau

(Ảnh minh họa: Báo Lao động thủ đô)

Cho học sinh sử dụng điện thoại sẽ có nhiều ưu điểm hơn

Việc cho học sinh đem điện thoại vào lớp học tất nhiên nó sẽ có những mặt trái nhất định nếu như nhà trường và thầy cô giáo quản lý không tốt. Bởi, điện thoại thông minh được nối mạng Internet thì học sinh có thể chơi game online, có thể xem nhiều clip độc hại…

Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu người lớn kiểm soát, giám sát được và có những quy chế rõ ràng để ràng buộc học trò thì mặt lợi sẽ được phát huy.

Hơn nữa, chúng ta phải xác định rõ là những điện thoại có nhiều chức năng, giá thành cao thì hiện nay chưa có nhiều học sinh sử dụng. Nhìn từ thực tế thì học sinh tiểu học rất ít em được cha mẹ sắm cho điện thoại riêng.

Học sinh trung học cơ sở cũng chỉ có một bộ phận học sinh ở khu vực đô thị mới có, học sinh nông thôn cũng đa phần cha mẹ chưa cho mua. Chỉ có học sinh trung học phổ thông thì phần lớn các em đã có điện thoại riêng.

Vì vậy, xét đến cùng thì phần lớn học sinh phổ thông từ cấp trung học cơ sở trở xuống hiện nay và có thể một số năm tới đây vẫn chưa có điện thoại cho riêng mình. Trong khi, học sinh nông thôn hiện nay vẫn đang chiếm một số lượng lớn hơn cả.

Thực tế, việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại trên lớp khi chưa được phép của giáo viên đứng lớp hiện nay không quá khó và có thể hoàn toàn nằm trong sự quản lý, giám sát của thầy cô giáo.

Vì giáo viên đứng lớp sẽ bao quát được toàn bộ lớp học. Học sinh chỉ cần làm việc riêng là có thể giáo viên dễ dàng phát hiện. Vấn đề còn lại là giáo viên đứng lớp quản lý lớp như thế nào mà thôi.

Cho học sinh sử dụng điện thoại trong những lúc thảo luận bài tập cũng là một điều phù hợp chứ có gì đâu mà sợ. Bởi, hiện nay không có điện thoại nên nhà trường lại mới có thể đưa nhiều sách bổ trợ, sách tham khảo vào bán cho học trò nhiều đến vậy.

Nếu được sử dụng điện thoại, được tra cứu các tài liệu thì thử hỏi khi nhà trường bán sách tham khảo, học trò đâu cần thiết phải mua.

Chúng ta phải xác định rõ Internet là một kho tài liệu về học thuật khổng lồ mà ai cũng cần để tham khảo, học tập và trau dồi kiến thức cho riêng mình.

Không chỉ học trò cần mà giáo viên cũng cần, mọi người đều cần google.com thì cớ gì phải cấm học trò. Và cấm sẽ là điều khiên cưỡng trong bối cảnh hiện nay.

Lâu nay, chúng ta cứ quan niệm cái gì không quản được là cấm nên cấm học trò mang điện thoại đến trường. Nhưng thử hỏi cấm để làm gì? Sau mỗi giờ học, học sinh có thể vui chơi, học sinh có thể chụp một vài kiểu hình để tạo sự hứng khởi trong học tập chẳng lẽ lại không tốt hay sao?

Giáo viên cũng không cần thiết phải lo sợ khi bị học sinh quay phim hay ghi âm lại nếu như người thầy đứng lớp có những ngôn phong, hành động phù hợp với đạo đức của nhà giáo. Nếu giáo viên không xúc phạm, không đánh học trò thì việc học trò có điện thoại thông minh cũng chẳng có gì phải dè chừng.

Nhà trường, gia đình cần có những định hướng cần thiết

Thực tế cho thấy học sinh ở những gia đình có điều kiện thì các em tiếp xúc, sử dụng điện thoại thông minh, máy tính được nối mạng Internet thì những ngày mới 2-3 tuổi. Nhưng, việc các em hư hay không hư, nghiện game hay không nghiện đều do phần định hướng, quản lý của gia đình.

Trong bối cảnh hiện nay, việc học sinh học tập trên Internet là quá đỗi bình thường. Chẳng hạn như năm học vừa qua, khi mà dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì tất cả các cấp học từ tiểu học trở lên trên cả nước đều tiến hành giảng dạy trực tuyến, nếu không có điện thoại, máy tính thì làm sao học trò học được?.

Và trong năm học này thì Bộ cũng đã chủ trương giảng dạy một số đơn vị kiến thức bằng hình thức trực tuyến nên việc học sinh được sử dụng điện thoại trong học tập cũng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT vừa ban hành cũng chỉ cho phép học trò sử dụng điện thoại nhưng chỉ là sử dụng để phục vụ cho mục đích học tập nên nhà trường, thầy cô hoàn toàn có thể cấm khi học trò sử dụng vào mục đích khác.

Khi Thông tư này có hiệu lực thì nhà trường cần có những nội quy hướng dẫn riêng. Lúc nào, giờ nào thì học sinh được quyền sử dụng điện thoại.

Giờ nào sử dụng điện thoại thì bị cấm chứ không phải lúc nào học sinh cũng lăm lăm cầm chiếc điện thoại trên tay và muốn làm gì thì làm.

Đối với gia đình thì cũng hoàn toàn chủ động việc này. Có thể cho con em mình mượn lúc học tập và nếu có điều kiện thì mua cho con em mình nhưng phải quy định, hướng dẫn các em vào những mục đích lành mạnh, an toàn.

Xã hội phát triển, khoa học công nghệ thay đổi từng ngày và mỗi con người cũng phải thích ứng để phù hợp với thực tế.

Cái gì cũng có 2 mặt, cũng có ưu điểm và hạn chế, nhất là mạng Internet được kết nối với toàn cầu.

Vì thế, một khi Bộ đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong học tập ở trường thì nhà trường, thầy cô cần có những định hướng để học trò khai thác những cái hay, cái đẹp và biết tránh cái xấu, cái chưa phù hợp.

Đừng sợ các em hư, đừng sợ các em lạc lối nếu nhà trường và gia đình có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp các em tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin vào mục đích học tập của mình.

Kim Oanh