Giải đáp băn khoăn về đánh giá xếp loại học sinh theo Thông tư 26

10/01/2021 07:00
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, việc đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được thực hiện theo Thông tư 26/2020.

Hiện nay các cơ sở giáo dục phổ thông đang diễn ra kỳ kiểm tra cuối kỳ I việc đánh giá xếp loại học sinh được thực hiện về học lực và hạnh kiểm sau khi hoàn tất việc chấm, công bố kết quả kiểm tra cuối kỳ I.

Tuy nhiên, việc đánh giá học sinh đã được thực hiện theo thông tư mới có nhiều thay đổi. Trong bài viết này, chúng tôi xin được nêu ra một số điểm mới về đánh giá, xếp loại học sinh từ trung học cơ sở, trung học phổ thông cho các đồng nghiệp cùng tham khảo.

Hiện nay, việc đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được thực hiện theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Dưới đây là các điểm mới cơ bản.

Kết hợp bằng cho điểm và nhận xét ở tất cả các môn học trừ các môn năng khiếu

Theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT trước đây các môn năng khiếu (Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật) thì chỉ đánh giá bằng nhận xét Đạt hay chưa đạt; môn Giáo dục Công dân kết hợp điểm số và nhận xét; các môn còn lại đánh giá bằng điểm số.

Hiện nay tại Thông tư 26 mới này kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại trừ 3 môn năng khiếu.

Điều đó có nghĩa đối với 3 môn năng khiếu Âm nhạc, Thể dục, Mĩ thuật thì chỉ đánh giá bằng đạt hoặc chưa đạt, tất cả các môn còn lại Toán, Lý, Giáo dục Công dân, Sinh,… kết hợp cho điểm và nhận xét.

Việc đánh giá kết hợp các môn trên không phải ghi đạt, chưa đạt hay giỏi, khá mà phải đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Việc đánh giá kèm nhận xét sẽ giúp giáo viên theo sát học sinh hơn, nhận biết được sự thay đổi, tiến bộ của học sinh tuy nhiên sẽ khó khăn cho giáo viên dạy hàng trăm giáo viên sẽ khó khăn trong việc tìm lời nhận xét học sinh.

(Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn)

(Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn)

Không còn kiểm tra 1 tiết

Điểm mới cần chú ý thứ hai là không còn kiểm tra 1 tiết chỉ còn kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ). Thông tư 26 quy định số điểm kiểm tra, đánh giá và cách cho điểm như sau:

Số cột điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên (ĐĐGtx):

Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học (1 tiết/tuần trở xuống): 2 ĐĐGtx;

Môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học (từ 1,5 đến 2 tiết/tuần): 3 ĐĐGtx;

Môn học có từ trên 70 tiết/năm học (Từ 2,5 tiết/tuần trở lên): 4 ĐĐGtx.

Việc cho điểm kiểm tra thường xuyên cũng linh hoạt hơn so với quy định trước đây, không nhất thiết phải kiểm tra miệng, 15 phút mà linh hoạt bằng các hình thức trả bài, thực hành, vấn đáp, thuyết trình, thực tế,….

Về kiểm tra, đánh giá định kì:

Trong mỗi học kì, một môn học có 01 (một) điểm đánh giá giữa kỳ và 01 (một) điểm đánh giá cuối kỳ ở tất cả các môn học;

Như vậy đã bỏ đi quy định kiểm tra 1 tiết so với quy định trước đây.

Thời gian kiểm tra gian kỳ, cuối kỳ do bộ môn đề xuất và hiệu trưởng quyết định.

Như vậy, so với quy định tại Thông tư 58/2011, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá học sinh theo Thông tư 26/2020 đã giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ có 6 đầu điểm.

Sửa đổi tiêu chuẩn xếp loại học lực học sinh

Theo thông tư 26 mới thì sẽ có thêm môn Ngoại ngữ tham gia vào đánh giá chọn học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu cụ thể điểm mới như sau:

Sửa đổi, bổ sung “Điều 13. Tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học

1. Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên;

b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5;

c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.

2. Loại khá, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên;

b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0;

c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.

3. Loại trung bình, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Điểm trung bình các môn học từ 5,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 5,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 5,0 trở lên;

b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 3,5;

c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.

4. Loại yếu: Điểm trung bình các môn học từ 3,5 trở lên, không có môn học nào điểm trung bình dưới 2,0.

5. Loại kém: Các trường hợp còn lại.

Như vậy, việc đưa thêm môn Ngoại ngữ vào tiêu chuẩn, điều kiện xếp loại sẽ có thêm nhiều học sinh được xếp loại giỏi, hạn chế học sinh xếp loại yếu.

Ví dụ học sinh A trước đây điểm trung bình là 8,5 trong đó các môn Toán 7,5; Văn 7,5; Anh văn 8,0 thì trước đây chỉ xếp loại khá thì quy định mới này đã được xếp loại giỏi

Ví dục khác học sinh B điểm trung bình 6,0 trong đó các môn Toán 4,5; Văn 4,5; Anh văn 5,0 thì trước đây chỉ xếp loại yếu phải thi lại thì quy định mới này đã được xếp loại trung bình.

Mở rộng đối tượng học sinh được điều chỉnh xếp loại do khống chế

Theo quy định mới, nếu điểm trung bình học kỳ (ĐTBhk) hoặc điểm trung bình cả năm (ĐTBcn) đạt mức của từng loại quy định tại các Khoản 1, 2 điều này nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" thấp hơn mức quy định cho loại đó nên học lực bị xếp thấp xuống thì được điều chỉnh như sau:

Trường hợp 1: Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại G nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" mà phải xuống loại Tb thì được điều chỉnh xếp loại K.

Ví dụ một học sinh có điểm trung bình là 8,0 đạt tiêu chuẩn giỏi nhưng có duy nhất một môn Ngoại ngữ có điểm trung bình 4,5 chỉ xếp loại trung bình thì được điều chỉnh xếp loại khá

Trường hợp 2: Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại G nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" mà phải xuống loại Y thìa được điều chỉnh xếp loại Tb.

Ví dụ một học sinh có điểm trung bình là 8,0 đạt tiêu chuẩn giỏi nhưng có duy nhất một môn Ngoại ngữ có điểm trung bình 3,4 chỉ xếp loại yếu thì được điều chỉnh xếp loại trung bình.

Trường hợp 3: Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại K nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" mà phải xuống loại Y thì được điều chỉnh xếp loại Tb.

Ví dụ một học sinh có điểm trung bình là 7,0 đạt tiêu chuẩn khá nhưng có duy nhất một môn Ngoại ngữ có điểm trung bình 3,4 chỉ xếp loại yếu thì được điều chỉnh xếp loại trung bình

Trường hợp 4: Nếu ĐTBhk hoặc ĐTBcn đạt mức loại K nhưng do kết quả "của duy nhất một môn học nào đó" mà phải xuống loại Kém thì được điều chỉnh xếp loại Y.

Ví dụ một học sinh có điểm trung bình là 7,0 đạt tiêu chuẩn khá nhưng có duy nhất một môn Ngoại ngữ có điểm trung bình 1,9 chỉ xếp loại kém (lưu ban) thì được điều chỉnh xếp loại yếu được thi lại.

Trên đây là một số điểm mới của việc đánh giá xếp loại học sinh trung học hiện nay.

BÙI NAM