Ngày 22/12/2020, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Văn Hiếu đã ký văn bản 4290/GDĐT-TH, về tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học
Theo văn bản này, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, các trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ủy ban nhân dân thành phố và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Trong đó, thành phố một lần nữa nhấn mạnh lại là tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Thành phố sẽ giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh đi học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Đối với những học sinh gặp khó khăn trong học tập, Sở chỉ đạo giáo viên: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt chú trọng dạy học phân hóa đối tượng.
Chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài học cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt quan tâm tới đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ.
Một hoạt động dạy thêm, học thêm ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Các trường cần làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Hiệu trưởng các trường cần tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức.
Không có lý do gì để học sinh tiểu học phải đi học thêm
Ngày 24/12/2020, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hưng – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 chia sẻ: Học sinh ở cấp độ tiểu học thì không có bất cứ lý do gì phải đi học thêm hết, do các yêu cầu cần đặt ra đối với một học sinh tiểu học bình thường đã rất nhẹ nhàng.
Theo ông Hưng, việc dạy thật, học thật, không chạy theo thành tích, không chạy thi đua, có học sinh lưu ban là chuyện rất bình thường đã được quận thực hiện từ nhiều năm nay, chứ không phải tới giờ mới thực hiện.
Học sinh luôn được dạy học theo hướng cá thể hóa, phát huy tối đa năng lực của từng em, tùy theo năng lực học của các em mà giáo viên xây dựng kế hoạch dạy và học, hoàn toàn không đặt áp lực thi đua, không áp lực thành tích và không so sánh học sinh này với em kia, theo đúng tinh thần “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn còn tình trạng phụ huynh đặt ra các yêu cầu, kỳ vọng quá cao đối với các em học sinh, nhất là đối với các môn về kỹ năng khiến cho các em phải đi học.
Trước đây, quận 8 cũng đã từng cấp phép cho giáo viên dạy thêm ở nhà, dựa trên những quy định về cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền, nhưng nhiều năm nay thì không còn cấp phép nữa rồi.
Để giáo viên không vi phạm, nắm vững các quy định về dạy thêm, học thêm, quận chỉ đạo các hiệu trưởng trong những buổi họp đầu năm phải sinh hoạt kỹ với giáo viên về điều lệ trường tiểu học (những điều giáo viên được và không được làm), thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thậm chí, các giáo viên tiểu học ở các trường còn phải ký cam kết, nộp cho trường, trong đó ghi rõ rằng không được dạy thêm học sinh.
Chính nhờ những biện pháp mạnh như vậy, trong vòng hai năm nay, chưa có giáo viên tiểu học nào của quận bị xử lý về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Nếu có thông tin cung cấp nói giáo viên có dạy thêm, quận sẽ yêu cầu nhà trường xác minh, đúng là giáo viên có dạy thì phải ngưng ngay, giải thích cho phụ huynh hiểu về các quy định của ngành.
Sau đó, nếu có thì Hiệu trưởng các trường cũng phải xử lý giáo viên của mình theo đúng quy trình xử lý cán bộ công chức, viên chức có vi phạm.
Với những học sinh tiểu học quá trình học có khó khăn, học chậm, nhút nhát, quận đều có nói các trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm nói với phụ huynh cho vào trường học trái buổi, để giáo viên kèm và bồi dưỡng thêm.
“Chứ còn xếp học sinh lên lớp, ở lại lớp đều theo các thang điểm, các bài kiểm tra đều có nêu yêu cầu cụ thể, chứ không phải chỉ có chuyện đọc và viết không thôi” – ông Nguyễn Quốc Hưng nói tiếp.
Việc học là cả một quá trình, cần căn cứ vào các yêu cầu cần đạt của từng môn.
Cuối cùng, ông Nguyễn Quốc Hưng kết luận: Việc giáo viên hay sinh viên dạy kèm thêm học sinh bậc tiểu học tại nhà, dựa trên nhu cầu của phụ huynh là hoàn toàn không vi phạm vào các quy định về dạy thêm, học thêm của thông tư 17, miễn là đừng dạy học sinh chính khóa ở trong trường.
Không tán thành việc giáo viên chạy theo thành tích
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, học sinh học yếu hay học khó phần lớn rơi vào dạng học sinh khuyết tật, trẻ hòa nhập, học sinh có gia đình khó khăn, phụ huynh không quan tâm đến việc học, và thực tế còn do sĩ số học sinh ở các lớp tại thành phố hiện vẫn còn khá cao.
Sở hoàn toàn không tán thành việc giáo viên chạy theo thành tích, cho học sinh lên lớp không đúng với năng lực của học sinh. Thực tế thì nhiều năm qua, việc tổ chức đánh giá thi đua đối với các đơn vị trường học thì không dựa vào tỷ lệ học sinh nghỉ học, ở lại lớp mà xem xét tình hình thực tế từng đối tượng học sinh, nhất là các địa bàn đặc thù kinh tế khó khăn.
Giáo viên đầu năm học đều có trách nhiệm khảo sát trình độ đầu vào, theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh, làm căn cứ để trường đánh giá kết quả dạy học của giáo viên.
Căn cứ theo thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học, nếu kết quả đánh giá ở các môn học ở mức hoàn thành thì học sinh sẽ được lên lớp. Những trường hợp học sinh đặc biết thì giáo viên sẽ có kế hoạch phụ đạo riêng cho từng học sinh.
Nếu giữa phụ huynh và giáo viên đánh giá học sinh chưa trùng khớp, thì sẽ tổ chức một buổi làm việc giữa hai bên, có sự tham gia của Ban Giám hiệu nhà trường. Cá biệt thì hiệu trưởng có thể báo cáo, xin ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện.
Các trường cần tăng cường công tác phân loại học sinh ngay từ đầu năm học. Giáo viên cần thường xuyên trao đổi với phụ huynh, để có giải pháp hỗ trợ các em theo từng giai đoạn học tập.
Trường tiểu học cần cần tăng cường nâng cao chất lượng dạy và học ngay từ lớp 1, gồm cả những kỹ năng cơ bản như đọc thành tiếng, viết chữ đúng quy định. Học sinh nào học khó thì giáo viên phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các em.
Học sinh cần được đánh giá đúng chất lượng học, căn cứ theo thông tư 22 (với học sinh khối 2,3,4,5) và thông tư 27 (học sinh khối 1). Trẻ hòa nhập không đánh giá theo chuẩn chung, mà có kế hoạch giáo dục cá nhân với từng em.
Các trường tiểu học cũng cần tăng cường kiểm tra hoạt động chuyên môn của giáo viên.