Giải mã chuyện phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm Hà Nội

15/05/2012 06:04
Xuân Trung
(GDVN) - Trò chuyện với Hiệu phó phụ trách khối Tiểu học trường Thực nghiệm Hà Nội mới hay, trong những năm gần đây vì sao số lượng phụ huynh xếp hàng cho con vào lớp 1 tại đây lại quá tải, thậm chí sức nóng của trường này khiến phụ huynh không giữ được bình tĩnh.
Đợt mua đơn cho con vào lớp 1 năm nay tại Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội khiến dư luận đặc biệt quan tâm, hình ảnh phụ huynh thức đêm vạ vật ở vỉa hè, chen lấn, đạp cổng trường để mong có được lá đơn cho con vào học mới thấy mô hình trường thực nghiệm tại Việt Nam vẫn là cái gì đó khiến phụ huynh tò mò. Những sự khác biệt của trường Thực nghiệm Chia sẻ thẳng thắn với chúng tôi, Bà Trương Thị Cẩm Tú – Hiệu phó phụ trách khối Tiểu học Trường PTCS Thực nghiệm cho biết, hiện tại nhà trường đang áp dụng hai chương trình đào tạo, có lẽ đó cũng là lí do khiến phụ huynh muốn được “thử nghiệm” cho con vào học. Chương trình thứ nhất gọi là đại trà, chương trình tiếp theo đó do Trung tâm công nghệ giáo dục (Viện Giáo dục) đưa ra, đào tạo chủ đạo các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh và kỹ năng sống, hai chương trình này được dạy song song với nhau và được chia thành hai khối rõ rệt bao gồm 13 lớp cho chương trình đại trà và 14 lớp cho chương trình thứ hai (áp dụng cho học sinh lớp 1-2-3).
Phó Hiệu trưởng Trương Thị Cẩm Tú chia sẻ: Một môi trường học tập tốt, thân thiện sẽ tạo điều kiện cho trẻ yêu quý thầy, cô, lớp học hơn.
Phó Hiệu trưởng Trương Thị Cẩm Tú chia sẻ: Một môi trường học tập tốt, thân thiện sẽ tạo điều kiện cho trẻ yêu quý thầy, cô, lớp học hơn.
Theo bà Tú, hai chương trình này theo quan điểm giáo dục không có gì khác nhau, tuy nhiên cách tổ chức dạy học cũng như xuất phát điểm luôn luôn lấy học sinh là trung tâm. Đặc biệt hơn nữa, trường luôn luôn tôn trọng sự sáng tạo của học sinh, tôn trọng mỗi một cá nhân phát triển để phát huy hết chức năng, tính chủ động, ghi nhận mức độ học tập của từng học sinh, không gây áp lực cho học sinh. Cụ thể, trong cách học giữa chương trình đại trà và chương trình do Trung tâm Công nghệ giáo dục, nếu đại trà học theo những con chữ thì các lớp học theo chương trình của Trung tâm công nghệ giáo dục sẽ học theo cấu trúc ngữ âm. Sự khác nhau cơ bản giữa hai chương trình này là: “Một bên học sinh ghi lại những con chữ để đọc và viết, một bên phát âm để đọc và viết, do vậy kỹ năng sẽ như nhau nhưng phương pháp có khác nhau chút ít”, bà Tú thông tin. Một điểm khác biệt của trường Thực nghiệm với các trường khác, theo bà Tú, trong quá trình giảng dạy cần phát huy được tính năng động tốt nhất của học sinh, cho các em tự tin. Bên cạnh đó, cô giáo đều ghi nhận các cấp độ trẻ phát triển khác nhau, từ đó trẻ thấy được 100% là chính mình (phát triển một cách tự nhiên, để làm sao trẻ chính là bản thân của trẻ). “Tuyệt nhiên trong trường giáo viên không thể bắt bạn này phải giống bạn kia mà phải để trẻ phát triển đến mức cao nhất nhưng nó vẫn là chính nó. Hơn nữa, kết quả học tập là quan trọng nhưng không phải cố gò ép cho trẻ phải giỏi, trẻ giỏi cái gì thì cô giáo phải tôn trọng cái đó. Tức là những hình thức giáo dục, động viên đều làm tăng được sự phát triển của trẻ cả về nhân cách cũng như trí tuệ, tăng được sự hứng thú. Trẻ được hồn nhiên, không gây áp lực nhưng tất nhiên học là phải giỏi”, bà Tú khẳng định.
Học sinh trong giờ ra chơi tại Trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội .
Học sinh trong giờ ra chơi tại Trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội
.
Vị Hiệu Phó phụ trách khối tiểu học cũng cho biết, bên cạnh các chương trình học tiên tiến thì các chương trình ngoại khóa cũng được trường chú trọng, đặc biệt như đón tết trung thu, tham gia ngày thơ Việt Nam… “Các góc học tập của học sinh, vật dụng học tập được làm từ những phế liệu như vỏ họp sữa và những vật dụng đó không chỉ trưng bày một chỗ mà chúng tôi cho các em thuyết trình lại quá trình làm nên vật dụng đó, vừa trang bị cho các em ý thức bảo vệ môi trường vừa phát triển tư duy rất non tơ của các em, đóng góp trở lại cho hoạt động học tập của chính mình”, bà Tú nói.
Áp dụng cụ thể trong chương trình học, bà Tú chia sẻ, đối với học sinh trường Thực nghiệm tuyệt nhiên không có áp lực về điểm. “Chúng tôi tránh áp lực cho các cháu, không đặt nặng vấn đề điểm số. Nếu có em học kém một chút giáo viên sẽ động viên các em, cho các các có thể phát huy hết sức mạnh của các em chứ không bắt buộc các em nhất thiết phải đạt được thế này, thế kia”, bà Tú khẳng định. Kiên quyết lớp chỉ có 40 học sinh Một trong những lí do khiến trường Thực nghiệm luôn có được môi trường học tập tốt là ổn định số lượng lớp học, ổn định lượng học sinh đúng với tiêu chuẩn 40 học sinh/lớp. Trong những năm qua số lượng 140 chỉ tiêu cho từng năm luôn được trường giữ mức ổn định, mặc dù lượng hồ sơ gửi vào trường mỗi lúc một tăng. Theo bà Tú, trước khi được xét vào học học sinh không phải thi tuyển mà chỉ tham gia đo nghiệm tâm lý, kiểm tra ngôn ngữ tư duy giống như chơi trò chơi tư duy như cho các trẻ chơi xếp hình nhanh, tính thời gian… “Chúng tôi phân lớp 1 ngẫu nhiên, đến lớp các cô gắp thăm rồi vào các lớp, cô giáo nào được phân công chương trình nào thì dạy chương trình đó”, bà Tú chia sẻ về cách thức chia lớp đầu cấp lớp 1. Ngoài ra, vị Hiệu phó này cũng thông tin thêm, năm nào cũng vậy trường không bao giờ tuyển quá quy định là 40 học sinh/lớp và 140 chỉ tiêu. Với chỉ tiêu ít như vậy cộng với môi trường giáo dục thân thiện thì chuyện xếp hàng cho con vào học sẽ còn tiếp diễn. Thầy - trò như hai người bạn lớn Bà Trần Tuyết Lan, giáo viên dạy môn tiếng Việt từ khi thành lập trường cho biết, điều làm nên sức hút của trường Thực nghiệm còn ở chỗ, học sinh học tại đây không phải lo nghĩ về việc có cần phải học thêm tại nhà cô giáo, 20/11 và Tết có phải tới nhà cô không, theo bà Lan hoàn toàn không cần thiết.
Bà Trần Tuyết Lan cho biết: "Việc xưng hô như vậy sẽ tạo cảm giác cho học sinh của mình thân thiện hơn, cô – trò như hai người bạn với nhau, như người bạn lớn và người bạn nhỏ".
Bà Trần Tuyết Lan cho biết: "Việc xưng hô như vậy sẽ tạo cảm giác cho học sinh của mình thân thiện hơn, cô – trò như hai người bạn với nhau, như người bạn lớn và người bạn nhỏ".
Hơn nữa, với một môi trường giáo dục thân thiện, học sinh được thoải mái trò chuyện, trao đổi với thầy cô nhưng không xưng cô-con mà được xưng cô - bạn. “Việc xưng hô như vậy sẽ tạo cảm giác cho học sinh của mình thân thiện hơn, cô – trò như hai người bạn với nhau, như người bạn lớn và người bạn nhỏ”, bà Lan chia sẻ. Theo bà Trần Tuyết Lan, việc trường Thực nghiệm là trường đầu tiên của Hà Nội áp dụng mô hình bán trú 100% cũng thể là lí do khiến nhiều phụ huynh yên tâm gửi con trong khi phải làm việc cả ngày. Đánh giá về số lượng phụ huynh trong mấy ngày qua xếp hàng trước cổng trường để mua đơn cho con, bà Trần Tuyết Lan nhắn nhủ: “Tôi cũng thấy thương phụ huynh, trách phụ huynh thì ít mà trách chính sách giáo dục của ta thì nhiều. Phải làm thế nào để tất cả các trường đều là cơ hội tốt của trẻ, như thế phụ huynh mới bớt khổ”. Còn bà Trương Thị Cẩm Tú – Hiệu phó Khối Tiểu học nhà trường cũng chia sẻ: “Việc hôm trước các phu huynh xếp hàng đông chúng tôi cũng chưa hiểu lý do thực sự vì đâu, có thể do phu huynh quá quý mến hay qua tìm hiểu có mong muốn gửi gắm con em như vậy. Nhà trường luôn luôn quý trọng tấm lòng của phu huynh, nhưng việc phụ huynh xếp hàng đông quá làm cho nhà trường cũng cảm thấy khó xử, bối rối”. Theo bà Tú, tình trạng đạp đổ cửa chưa bao giờ xảy ra, mặc dù những năm trước đó có xếp hàng nhưng rất trình tự, bình tĩnh. “Sang năm nhà trường chắc chắn sẽ có kế hoạch để công tác tuyển sinh trật tự hơn”, bà Tú khẳng định.
Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd
Xuân Trung