Giải mã hiện tượng "đàn em Lê Văn Luyện"

07/12/2011 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - “Vãi Luyện”, “ Ra đường…, ra đường gặp côn đồ xưng em anh Lê Văn Luyện”… những câu nói cửa miệng đáng báo động của một bộ phận giới trẻ.

LTS: Sự việc một nhóm thanh thiếu niên ở xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thành lập Blog với tên gọi “Sống về đêm”, tự nhận là “Đàn em của Lê Văn Luyện”, chung tiền mua máy về chế tạo hung khí và có những cách hành xử côn đồ, dã man… rồi liên tiếp những vụ bạo lực học đường, đánh, lột áo bạn quay video tung lên mạng trong thời gian qua một lần nữa báo động về sự suy thoái đạo đức, lệch lạc hành vi, nhận thức; báo động về thói a dua, học đòi… của một bộ phận giới trẻ hiện nay.  

Báo giáo dục Việt Nam đã đi tìm câu trả lời, “giải mã” cho hiện tượng này. Hãy nghe các chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học, nói về hiện tượng xã hội này.

Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn: “Không có cái đích để đến, không ai dẫn dụ đi vào đường quang đành… đâm quàng bụi rậm”

Trao đổi với phóng viên báo Điện tử giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn bày tỏ quan điểm: “Thời gian gần đây, tôi được nhiều phụ huynh, các nhà báo gọi điện hỏi về những vụ việc này. Đúng là sự việc này đang rất đáng báo động vì nó là sự “sa sút” nghiêm trọng về nhân cách, đạo đức, lối sống, hành vi của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn (Ảnh TH)
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn (Ảnh TH)

Đứng trên góc độ tâm lý, trẻ em nói chung, các em vị thành niên nói riêng đang ở lứa tuổi “muốn làm cái gì đó cho ra dáng đàn ông, ra dáng ngưới lớn”, muốn “khẳng định bản thân không phải là loại xoàng”, “muốn nổi bần bật”... Động cơ muốn “nổi” không có gì chê trách, nhưng cách các em chọn để “nổi” lại sai lầm, dẫn đến có những hành vi vượt quá chuẩn mực đạo đức cho phép… Đây là một thực tế rất đáng buồn, đáng báo động trong quá trình phát triển, trưởng thành của giới trẻ hiện nay”

Nhóm thanh niên tự xưng là em của Lê Văn Luyện ở Điện Bàn, Quảng Nam
Nhóm thanh niên tự xưng là em của Lê Văn Luyện ở Điện Bàn, Quảng Nam

Nói về nguyên nhân dẫn đến những nhận thức lầm lạc làm nảy sinh những hành vi đi ngược lại quy chuẩn đạo đức của nhóm thanh thiếu niên này, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cho biết: “Nào có ai hướng dẫn các em phải hành động như thế nào để trở thành “người hùng” đâu, bởi các em bỏ học sớm, lêu lổng, gia đình thiếu quan tâm, sống xa rời sách báo, ít được tham gia những hoạt động xã hội lành mạnh...

Thế là các em ngộ nhận rằng, làm như các em sẽ được quan tâm, ít ra là được mọi người “biết đến”. Đây cũng là cái cách một số người không có tài thực sự nhưng, muốn sớm “nổi tiếng” bằng cách tạo ra những vụ scandal. Chẳng ai sinh ra muốn “làm giặc”, nhưng không được dẫn dụ đi vào đường quang đành đâm quàng bụi rậm…”

Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn gọi những hành vi ngược chuẩn này là “sản phẩm” nhãn tiền của xã hội khi vai trò của giáo dục nhà trường, giáo dục tâm lý, giáo dục gia đình còn chưa thực sự sát sao với giới trẻ.

“Thời chúng tôi thuộc lòng câu khẩu hiệu: “Học để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự  Giai cấp và Nhân dân, phụng sự Tổ quốc và Nhân loại”. Thế giới khuyến nghị 4 trụ cột giáo dục của thế kỷ 21 là: “Học để biết, học để biết làm, học để chung sống và học để tự khẳng định bản thân”. Còn thực tế hiện nay, nhiều học sinh coi: Học để được điểm cao, học để lên lớp, học để thi đỗ, học để bố mẹ vui lòng…

Hình như cái mục đích của sự học cũng không thực sự trúng đích. Học gắn liền với các kỳ thi, tìm học sinh giỏi, chứ không coi “học để biết sống tử tế” là mục tiêu lớn nhất. Thế mới có chuyện học sinh học kém bị Nhà trường khuyên chuyển lớp, chuyển trường khác, thậm chí gia đình còn được khuyên cho con nghỉ học.

Không có “cái đích” để đến thì cứ chạy lung tung, sai lầm dễ vấp ngã. Gieo gì gặt nấy mà!...”, chuyên gia này nhận định.

Những hình ảnh ghê rợn trên blog "Sống về đêm" của nhóm thanh thiếu niên xã Điện Bàn, Quảng Nam
Những hình ảnh ghê rợn trên blog "Sống về đêm" của nhóm thanh thiếu niên xã Điện Bàn, Quảng Nam

Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn chia sẻ thêm: “Để dẹp một vụ hay vài vụ Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa hay nhóm “Đàn em Lê Văn Luyện”, những vụ bạo lực học đường… không quá khó, nhưng chỉ là việc “hỏng đâu sửa đó” mang tính chắp vá.

Cái cốt lõi vấn đề là điều chỉnh đường hướng giáo dục ở cả ba lĩnh vực (gia đình, nhà trường, xã hội) sao cho không còn nảy sinh những vụ việc nói trên. Ở một số nước, con cái vị thành niên hư hỏng, cha mẹ chịu trách nhiệm, giống như nhà sản xuất cho ra đời những “sản phẩm có lỗi”, phải bị xử phạt.

Còn ở ta, cứ sinh ra, cứ bỏ mặc, khi có tội thì chối tội rằng “con cái chúng tôi là con xã hội, chúng tôi không dạy chúng trở thành người xấu”. Thế là chẳng biết quy trách nhiệm cho bên nào. Nhà trường cũng bảo chúng tôi không dạy các em làm sai hoặc “các em làm sai là lúc chúng không ở trường”, nên chúng tôi vô tội. Cuối cùng là lỗi tại xã hội, vì “xã hội là chẳng riêng ai”, hòa cả làng!”

TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam: “Một bộ phận giới trẻ đang lầm đường lạc lối…”

TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam lý giải: “Hiện tượng này không quá bất ngờ và không có gì là khó hiểu ở giới trẻ hiện nay. Giới trẻ hiện nay luôn có tâm lý và khát khao muốn khẳng định mình. Một bộ phận người trẻ muốn khẳng định mình bằng những con đường chân chính nhờ vào tài năng, kiến thức… nhưng, ngược lại một bộ phấn khác lại muốn “lăng – xê” mình bằng những cách thức “côn dồ hóa”, “lưu manh hóa”.

TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình: "Một bộ phận giới trẻ đang làm đường lạc lối trên con đường trưởng thành, hình thành nhân cách". (Ảnh Thu Hòe)
TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình: "Một bộ phận giới trẻ đang làm đường lạc lối trên con đường trưởng thành, hình thành nhân cách". (Ảnh Thu Hòe)

Tâm lý muốn khẳng định mình ở giới trẻ không có gì đáng phê phán thậm chí còn đáng được khích lệ, biểu dương. Tuy nhiên, vấn đề dặt ra là, một bộ phận giới trẻ đã và đang bị “nhầm đường lạc lối” trong suy nghĩ, nhận thức dẫn đến sự sai lệch  hành vi.

Tâm lý chơi chội, thích gây sự chú ý, thích được nổi tiếng ở mức độ thái quá, một bộ phận không nhỏ sẵn sàng nghĩ ra những cách riêng của mình để được người khác “vuốt mặt phải nể mũi”…”

TS. Trịnh Hòa Bình cho biết thêm: “Nếu là 1 cá nhân nào đó thì vấn đề đã không có gì đáng bàn cãi nhưng đây là một nhóm gồm nhiều thanh thiếu niên và chắc chắn đây cũng không phải là nhóm duy nhất có những hành vi lệch lạc như vậy.

Tôi thật sự thấy choáng váng khi hằng ngày ra đường vẫn gặp những câu cửa miệng của giới trẻ “vãi Luyện”, “em anh Luyện”… và rồi đến những bài thơ, bài hát chế về Lê Văn Luyện, những game về Lê Văn Luyện.

Nay lại thêm chiêu “mài gương, sắm giáo”, tôn thờ bạo lực, thích đề cao mình theo hướng độc đáo, dị thường thì đó thực sự là một lời thách thức cộng đồng. Những thanh thiếu niên này không chỉ đang lầm lạc nhận thức mà còn đang mang một tâm lý bệnh hoạn, bị băng hoại về mặt đạo đức…”

“Giới trẻ cần được thụ hướng một nền giáo dục hoàn thiện từ gia đình, nhà trường, xã hội… Thiết nghĩ, những hiện tượng này xảy ra là vì giới trẻ đã bị “hẫng hụt” trong cuộc sống, phải thừa hưởng một nền giáo dục “chưa đến nơi”, sống trong một gia đình khi mà bố mẹ chưa thực sự coi trọng việc giáo dục nhân cách, tâm lý cho con…”, TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Thu Hòe