Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm để phù hợp với thực tiễn
Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền, vừa đảm bảo thực hiện chuẩn hóa trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả, kết hợp giữa đào tạo và sử dụng trong tình hình mới.
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra thực trạng về đội ngũ giáo viên hiện nay “bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục”.
Đồng thời tại mục 6, Nghị quyết 29-NQ/TW phần nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết đã nêu: “Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm”.
Theo bản dự thảo,giai đoạn 2025 - 2030, giải thể các trường trung cấp, hình thành 6-8 trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh. (Ảnh minh họa: Công Tiến). |
Giải thể các trường trung cấp sư phạm là hợp lý
Quan điểm giáo viên bậc học thấp chỉ cần trình độ đào tạo thấp là điều nhiều chuyên gia về lĩnh vực giáo dục cho rằng cần phải thay đổi.
Nhìn ra các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới thì càng bậc học thấp, việc tuyển chọn, đào tạo giáo viên càng phải kỹ càng, bài bản.
Theo Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Hướng quy hoạch này là phù hợp, vì như thế sẽ tạo ra một số trung tâm mạnh về đào tạo giáo viên.
Còn hiện nay quá manh mún, đội ngũ giảng viên ở các trường địa phương đào tạo giáo viên phổ thông nhiều cơ sở không đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, các trường đào tạo giáo viên quá nhiều, không đảm bảo chất lượng cũng là một nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp”.
Việc quy hoạch chỉ giữ lại một số trường đại học sư phạm trọng điểm và trung tâm, các cơ sở đào tạo giáo viên khác sẽ chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm này là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.
Trong đó, giảm số lượng trường sư phạm ở địa phương theo hướng sáp nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn chất lượng nhằm đảm bảo quy mô đào tạo được xác định hợp lý, hiệu quả.
Bộ trưởng yêu cầu không vội vàng giải thể, sáp nhập các trường sư phạm |
Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ giải thể trường trung cấp sư phạm và không tổ chức đào tạo giáo viên ở các trường trung cấp đa ngành khác.
Các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo giáo viên xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên và chấm dứt nhiệm vụ đào tạo giáo viên trước 2025.
Giai đoạn 2025 - 2030, hình thành các trường sư phạm trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh.
Đồng thời dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm đối với các trường cao đẳng đa ngành có chương trình đào tạo giáo viên.
Thực tế mạng lưới các trường sư phạm ở nước ta hiện nay
Theo số liệu của dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 114 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó trường đại học sư phạm gồm 6 trường, 5 trường đại học Sư phạm kỹ thuật, 2 trường đại học sư phạm thể dục thể thao và Trường đại học sư phạm nghệ thuật trung ương.
Hiện nay, cả nước có 48 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao…) có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương; 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 trường trung cấp sư phạm.
Đề án đánh giá, hiện nay mỗi tỉnh, thành có từ 2 - 4 cơ sở đào tạo giáo viên. Với số lượng trường nhiều như vậy nên việc cung vượt cầu cũng là điều tất yếu.
Những năm qua, nhiều trường sư phạm mới được mở ra, các trường không phải là sư phạm cũng thành lập khoa sư phạm, các trường cao đẳng thì nâng lên đại học sư phạm khiến nguồn cung ngày càng thừa, nhiều trường chỉ tuyển được học sinh trung bình, yếu.
Một khi cung đã vượt cầu cũng đồng nghĩa nhu cầu việc làm của sinh viên sư phạm nhiều hơn, trong khi chúng ta đã định mức số lượng giáo viên. Vì thế, nhũng nhiễu về tiêu cực trong tuyển dụng xảy ra ở nhiều nơi.