Đưa trung học nghề vào dự thảo Luật sửa đổi, trường nghề đánh giá là bước đi tích cực

10/07/2025 10:55
Tường San
Theo dõi trên Google News

GDVN -Theo chia sẻ từ lãnh đạo CSGDNN, việc có chương trình trung học nghề sẽ là một bước đi tích cực, mang lại thuận lợi cho cả người học và cơ sở đào tạo.

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là về nội dung liên quan đến chương trình đào tạo trình độ trung học nghề.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lãnh đạo trường cao đẳng, nếu chương trình trung học nghề được ban hành chính thức trong Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở ra thêm một hướng đi học tập rõ ràng và thiết thực cho học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở.

Chương trình trung học nghề sẽ làm thay đổi nhận thức của nhiều phụ huynh

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh Quốc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho biết, trong hai năm gần đây, số lượng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại trường chiếm tỷ lệ khá cao, đạt hơn 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó, học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đăng ký học vào trường thường chia thành hai nhóm: một nhóm chỉ tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp (chiếm khoảng 2/3 tổng số), nhóm còn lại chọn chương trình 9+ (chiếm khoảng 1/3 tổng số).

503646110-715004194472511-766465372303688239-n.jpg
Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trong một buổi tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: Website Nhà trường.

Theo thầy Quốc, nếu chương trình trung học nghề được chính thức ban hành sẽ là điều kiện thuận lợi rất lớn cho các trường cao đẳng trong công tác tuyển sinh, nhất là khi chương trình này đang cho phép học sinh có thể vừa học văn hóa trung học phổ thông, vừa học nghề, đồng thời sau khi tốt nghiệp lại có thể tiếp tục lựa chọn học liên thông lên bậc học cao hơn. Từ đó tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình tuyển sinh đối tượng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở.

Bởi thực tế hiện nay nhiều phụ huynh vẫn mong muốn con em mình sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 sẽ vào học tiếp tại trường trung học phổ thông để thi và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong khi đó, nếu chương trình trung học nghề với bằng tốt nghiệp có giá trị tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (như Dự thảo đã nêu), phụ huynh và học sinh sẽ có thêm một lựa chọn phù hợp với nhu cầu và năng lực của người học cũng như đáp ứng mong mỏi của phụ huynh về một chiếc bằng “danh chính ngôn thuận” so với hiện nay.

Để phân luồng hiệu quả, phải xuất phát chủ yếu từ nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh công tác phân luồng còn nhiều khó khăn như hiện nay, nếu có chương trình trung học nghề sẽ trở thành một lựa chọn của học sinh lớp 9 chứ không phải chờ trượt lớp 10 mới chọn học nghề như hiện nay.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết, việc cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức đào tạo kết hợp cả văn hóa và nghề từ lâu đã là mong muốn của nhiều đơn vị trong hệ thống.

Hiện nay, mô hình đào tạo 9+ vốn đang được triển khai gồm hai chương trình riêng biệt dành cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong khi đó, nếu chương trình trung học nghề được xây dựng và ban hành chính thức dưới dạng một chương trình thống nhất, tích hợp giữa văn hóa và nghề nghiệp sẽ là hướng đi thuận lợi và hiệu quả hơn cho cả người học lẫn cơ sở đào tạo.

dcn1.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Ảnh: Website Nhà trường.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, việc xây dựng chương trình trung học nghề là một bước đi tích cực. Theo thầy Khánh, khi các trường cao đẳng đủ điều kiện được trực tiếp đảm nhận chức năng đào tạo văn hóa trung học phổ thông, sẽ giúp việc tổ chức giảng dạy thuận lợi hơn, đồng thời nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng đào tạo, thay vì phải phụ thuộc vào các trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay.

Đặc biệt, điều này còn giúp giảm áp lực về thời lượng học văn hóa, vốn có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề đối với học sinh.

Thầy Khánh nhận định, chương trình trung học nghề nếu được triển khai hiệu quả sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động cũng như nhu cầu học tập suốt đời bởi nó tạo điều kiện cho người học tiếp tục học lên trình độ cao hơn. Qua đó, góp phần tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống giáo dục và hỗ trợ công tác tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thuận lợi hơn.

Trường cao đẳng sẵn sàng đào tạo chương trình trung học nghề

Thầy Quốc cho hay, hiện tại, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên, giáo viên để giảng dạy các môn về nghề cũng như các môn văn hóa. Hơn nữa, cơ sở vật chất cũng sẵn sàng đáp ứng tốt các yêu cầu triển khai chương trình trung học nghề. Do đó, nếu chương trình trung học nghề được ban hành thì nhà trường sẽ bắt tay ngay vào công tác triển khai được.

Được biết, theo Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), chương trình trung học nghề dự kiến tích hợp giữa kiến thức cốt lõi của chương trình trung học phổ thông và chuyên môn nghề.

Thầy Quốc cho rằng, một điều cần làm rõ là chương trình trung học nghề sẽ có khối lượng kiến thức văn hóa và nghề nghiệp ra sao. Nếu khối lượng học nghề ngang với chương trình trung cấp hiện tại thì sẽ là gánh nặng về thời gian cho người học, và có thể gây khó khăn trong việc tiếp thu đồng thời cả kiến thức văn hóa trung học phổ thông và chuyên môn nghề.

Mặt khác, thầy Quốc cũng đánh giá cao tinh thần chủ động mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã mang lại cho các trường trung học phổ thông và kỳ vọng chương trình trung học nghề cũng đạt được hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần xây dựng chương trình có sự liên kết hợp lý giữa nội dung văn hóa và ngành nghề đào tạo, tránh việc học sinh học nặng lý thuyết văn hóa nhưng lại không nắm vững kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương quản lý để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra theo đúng cam kết với phụ huynh, học sinh.

Ngoài ra, theo thầy Quốc, hiện nay chúng ta đã có Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cùng với xu hướng tích hợp nghề và văn hóa trong chương trình trung học nghề như Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đã nêu, nên sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên vào hệ thống các trường cao đẳng để tạo sự thống nhất trong quản lý, tổ chức đào tạo và triển khai chương trình trung học nghề.

Trong khi đó, theo thầy Ngọc, chương trình trung học nghề sẽ tích hợp cả kiến thức văn hóa và những nội dung cốt lõi của giáo dục nghề nghiệp. Nếu được tổ chức bài bản, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay hoàn toàn có đủ năng lực để triển khai chương trình này một cách hiệu quả.

Thầy Ngọc bày tỏ, để thực hiện thành công chương trình trung học nghề, cần có sự chuẩn bị chu đáo từ cả phía cơ quan quản lý lẫn các cơ sở đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp chặt chẽ với các trường để cùng xây dựng chương trình giảng dạy trình độ trung học nghề, nhằm đảm bảo nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu học tập của người học, từ đó giúp các em có thể vừa sẵn sàng đi làm sau tốt nghiệp, vừa có khả năng học lên trình độ cao hơn nếu có nguyện vọng.

Đối với Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, theo thầy Ngọc, nhà trường không gặp trở ngại về cơ sở vật chất hay đội ngũ giảng viên nếu triển khai chương trình trung học nghề. Mọi điều kiện đều đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Liên quan đến cấu trúc chương trình trung học nghề, thầy Ngọc cho rằng, nếu tỷ lệ phân bổ kiến thức văn hóa và kiến thức giáo dục nghề nghiệp theo tỉ lệ khoảng 50/50 sẽ là hợp lý. Tuy nhiên, tỷ lệ cụ thể, cũng như nội dung từng môn học, cần được điều chỉnh linh hoạt theo từng ngành nghề, từng chương trình đào tạo. Quan trọng là kiến thức văn hóa phải có sự gắn kết, liên hệ với nghề nghiệp mà học sinh đang theo học, chứ không thể rập khuôn theo chương trình trung học phổ thông hiện tại. Nếu không có sự tích hợp hợp lý, việc tiếp thu kiến thức và phát triển năng lực nghề của học sinh sẽ gặp nhiều hạn chế.

Với chương trình trung học nghề, thầy Khánh đề xuất nên tích hợp kiến thức chuyên môn nghề trong từng môn học, đơn cử như việc kiến thức đó sẽ áp dụng vào ngành nghề của người học ra sao. Trên thực tế, mô hình này đã được áp dụng hiệu quả tại Nhật Bản và đang là xu hướng đào tạo hiện đại nhằm đảm bảo chất lượng và tính thực tiễn.

Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng là đơn vị đã nhiều lần đề xuất phương án cho phép các trường cao đẳng đủ điều kiện tổ chức đào tạo tích hợp giữa văn hóa trung học phổ thông và đào tạo nghề. Do đó, nhà trường hiện đã sẵn sàng về nguồn lực để triển khai chương trình trung học nghề ngay khi được ban hành. Thầy Khánh kỳ vọng, khi chương trình này đi vào thực tiễn, công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có nhiều bước tiến tích cực và bền vững.

Tường San