Sáng ngày 10/7/2025, tại Hà Nội, Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Khoa Kinh doanh và Luật, Đại học Curtin (Australia), Trường Kinh doanh EMLV và Đại học Paris-Saclay (Cộng hòa Pháp), Trường Đại học HEC Montréal (Canada) tổ chức Hội thảo quốc lần thứ IV về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Symposium in Entrepreneurship, Finance, and Innovation - VSEFI 2025). Đây là hội thảo quốc tế thường niên do Trường Quốc tế đồng tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, phụ trách Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội); Giáo sư Vanessa Chang - Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế - Luật, Đại học Tổng hợp Curtin (Úc); Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương - Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci kiêm Chủ tịch AVSE Global (Cộng hoà Pháp); Phó Giáo sư Phạm Thu Phương - Đại học Curtin (Úc) và điều hành AVSE Global.

Diễn giả chính của Hội thảo là Giáo sư Kose John - giáo sư về tài chính và ngân hàng tại Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York, Hoa Kỳ); Giáo sư Wim Vanhaverbeke – giáo sư về đổi mới và khởi nghiệp số, Khoa Kinh doanh và Kinh tế (Đại học Antwerp, Bỉ) và Phó Giáo sư Thái Mai – phó giáo sư về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Giám đốc chương trình Social Business Creation, HEC Montréal.

vis-4868-1758.jpg
Cô Phạm Thu Phương là phó giáo sư về Tài chính tại Đại học Curtin (Úc) và điều hành AVSE Global (ngoài cùng bên trái) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho 2 diễn giả chính của Hội thảo.

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, phụ trách Trường Quốc tế đã bày tỏ niềm vinh dự và vui mừng khi có sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả cả trong nước và quốc tế tại Hội thảo thường niên lần thứ 4 về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VSEFI 2025).

Theo Phó Giáo sư Đào Thanh Trường, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những tiến bộ công nghệ phát triển nhanh chóng, sự bất ổn định về kinh tế cùng các thách thức toàn cầu, nhu cầu về đối thoại liên ngành và hợp tác giải quyết vấn đề đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, với chủ đề “Innovating for Inclusive and Sustainable Growth” (Đổi mới sáng tạo vì tăng trưởng và bao trùm bền vững), hội thảo năm nay đã phản ánh tầm nhìn chung trong việc sử dụng tri thức không chỉ nhằm thúc đẩy kinh doanh hay phát triển kinh tế, mà còn để nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng và trao quyền cho các thế hệ tương lai.

“Tôi tin rằng, hội thảo quốc tế lần này sẽ đóng vai trò quan trọng như một nền tảng năng động nơi các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, doanh nhân và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tụ họp để chia sẻ những hiểu biết, khám phá ý tưởng và nâng cao kiến thức trong ba lĩnh vực quan trọng đối với tương lai của các nền kinh tế và xã hội của chúng ta: khởi nghiệp, tài chính và đổi mới sáng tạo”, Phó Giáo sư Đào Thanh Trường nhấn mạnh.

vis-4746.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, phụ trách Trường Quốc tế phát biểu tại hội thảo

Thầy Trường thông tin thêm, hội thảo năm nay còn thu hút sự tham gia của hơn 40 cơ sở giáo dục đại học và tổ chức đến từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của thế giới đối với đổi mới tài chính và khởi nghiệp. Không những vậy, Hội thảo năm nay còn có 45 bài tham luận chất lượng, được lựa chọn từ hơn 110 bài gửi về và trình bày trong 15 phiên song song.

Trong hai ngày diễn ra hội thảo (10-11/7/2025), thầy Trường cũng như Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) kỳ vọng sẽ cùng các chuyên gia, diễn giả trình bày những bài phát biểu quan trọng cũng như tham gia các phiên thảo luận chuyên sâu và khám phá những nghiên cứu tiên tiến.

“Hy vọng rằng, hội thảo này sẽ khơi dậy những mối quan hệ hợp tác lâu dài, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và truyền cảm hứng để tìm ra các giải pháp sáng tạo cho những thách thức mà chúng ta đang đối mặt”, thầy Trường nói.

Trong phiên đầu tiên của hội thảo, Giáo sư Kose John (Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, Hoa Kỳ) đã có chia sẻ về “Tái tư duy về ổn định ngân hàng và quản lý rủi ro hệ thống”.

vis-4921.jpg
Giáo sư Kose John (Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, Hoa Kỳ) phát biểu tại hội thảo.

Theo Giáo sư John, các nghiên cứu có giá trị cao không nên chạy theo trào lưu là những chủ đề được trích dẫn nhiều, vốn thường mang tính chu kỳ và có độ trễ mà cần tập trung giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, có ảnh hưởng thực sự đến ngành ngân hàng.

Trong bài phát biểu của mình, Giáo sư John đã nhấn mạnh hai chủ đề mang tính kết nối chặt chẽ cần được quan tâm là ổn định ngân hàng và hệ thống tài chính, cùng với quản lý rủi ro hệ thống. Giáo sư đã nêu nhiều ví dụ cụ thể như mức thu nhập của CEO và tác động tới hành vi chấp nhận rủi ro của ngân hàng; định giá hợp lý và thiết kế tối ưu của FDIC và cách các quy định về vốn ảnh hưởng tới lựa chọn rủi ro của ngân hàng.

Đồng thời, Giáo sư cũng đặt ra những câu hỏi gợi mở như: “Mức vốn tối ưu để hạn chế rủi ro nhưng vẫn đảm bảo ổn định là bao nhiêu?” hay “Bảo hiểm tiền gửi nên bao phủ toàn bộ hay một phần, và giá tối ưu của nó là gì?”...

Bài phát biểu của Giáo sư John nhấn mạnh về sự cần thiết phải thiết kế lại các cơ chế bảo hiểm tiền gửi và có chính sách khuyến khích để giảm thiểu rủi ro hệ thống trong bối cảnh tài chính ngày càng phức tạp.

Qua bài phát biểu, nhiều học giả bày tỏ mong muốn được nghe sâu hơn về quan điểm của Giáo sư Kose John liên quan đến vấn đề tính phân mảnh trong bảo hiểm tiền gửi và cách định giá bảo hiểm tiền gửi tối ưu.

Giải đáp về những thắc mắc này, ông chia sẻ rằng đây là những vấn đề cấp thiết, bởi hiện nay còn nhiều ngân hàng nhỏ và phân tán, chưa được bảo vệ đầy đủ, gây ra lỗ hổng cho toàn hệ thống. Chính vì vậy, việc thiết kế lại bảo hiểm tiền gửi không chỉ cần tính đến mức độ bao phủ mà còn cần định giá phù hợp để khuyến khích hành vi an toàn và giảm động cơ chấp nhận rủi ro quá mức. Từ những kinh nghiệm thực tiễn với sự quan sát các thị trường tài chính toàn cầu của mình, Giáo sư Kose John cho rằng, các thiết kế bảo hiểm tiền gửi chưa hợp lý có thể góp phần làm gia tăng rủi ro hệ thống thay vì giảm thiểu.

Có thể nói rằng, những chia sẻ của Giáo sư Kose John đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, đồng thời cung cấp bài học thực tiễn quý giá cho các học giả, nhà hoạch định chính sách và thực tiễn ngân hàng, trong nỗ lực xây dựng một hệ thống tài chính ổn định và bền vững hơn.

Theo chia sẻ từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu như hội thảo lần đầu tiên vào năm 2022 chỉ có khoảng 40 đoàn đến từ 10 quốc gia, thì đến năm nay, Hội thảo quốc tế lần thứ IV về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam - VSEFI 2025 đã thu hút hơn 50 đoàn từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu đến từ Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Úc.

Khác với các kỳ trước tổ chức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, năm nay, hội thảo diễn ra hoàn toàn theo hình thức trực tiếp. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Định, hình thức tổ chức như vậy xuất phát từ việc nhiều nhà khoa học không chỉ muốn trình bày kết quả nghiên cứu mà còn mong muốn trải nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Điều này đã góp phần tạo nên bầu không khí học thuật sinh động và kết nối sâu sắc hơn.

vis-47312.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại VSEFI 2025.

Một điểm đáng chú ý khác của VSEFI 2025 là bối cảnh hội thảo diễn ra trong thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt là làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đời sống và nền kinh tế. "Chính điều này đã tạo nên một dòng chảy học thuật mới tại hội thảo với nhiều bài tham luận chất lượng, phân tích sâu sắc các xu hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển dịch của hệ thống tài chính toàn cầu trong kỷ nguyên AI. Nhiều bài trong số đó hoàn toàn có khả năng được đăng tải trên các tạp chí quốc tế thuộc nhóm Q1, Q2.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Định cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Trường Quốc tế nói riêng và hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung. Với sứ mệnh kết nối quốc tế như chính tên gọi của mình, Trường đã luôn coi việc đồng tổ chức các hội thảo học thuật quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo thầy Định, chủ đề rộng mở của VSEFI là về khởi nghiệp, tài chính và đổi mới sáng tạo hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang đẩy mạnh việc tinh giản hệ thống quản lý và chuyển đổi số.

Chính vì vậy, về mặt nghiên cứu, hội thảo này sẽ là một “cú hích” trong cộng đồng học thuật để thúc đẩy đưa ra giải pháp ứng dụng vào thực tiễn.

Cũng theo thầy Định, dù là một trong ba trường trực thuộc của Đại học Quốc gia Hà Nội cùng 9 trường đại học thành viên khác, Trường Quốc tế vẫn luôn nằm trong nhóm những trường dẫn đầu về công bố khoa học quốc tế.

“Nhiều năm liền, nhà trường nằm ở top 3 đơn vị có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất trong Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có không ít bài đăng trên các tạp chí uy tín hàng đầu. Nếu xét theo tỉ lệ công bố trên cán bộ, giảng viên thì Trường Quốc tế hiện đang giữ vị trí số một", thầy Định chia sẻ.

Theo thầy Định, đây chính là kết quả của quá trình hợp tác học thuật quốc tế bền vững. Các hội thảo như VSEFI không chỉ tạo động lực cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên tìm tòi, công bố mà còn góp phần hình thành và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế lâu dài cho nhà trường.

Mỗi năm, Trường Quốc tế tổ chức khoảng 3 – 4 hội thảo quốc tế với vai trò chủ trì hoặc đồng tổ chức. Hoạt động đào tạo của Trường mang tính liên ngành, tập trung vào ba nhóm lĩnh vực chính: kinh tế – tài chính – quản lý; kỹ thuật – công nghệ; và y sinh – chăm sóc sức khỏe. Hiện tại, Trường đang hướng đến việc phát triển thêm các hội thảo chuyên sâu trong từng nhóm ngành này, đồng thời xây dựng một tạp chí quốc tế có chỉ mục Scopus nhằm tạo nền tảng xuất bản cho các công trình tham luận chất lượng. Đây chính là một bước đi chiến lược để lan tỏa hơn nữa giá trị học thuật mà các hội thảo như VSEFI mang lại.

Dự kiến trong ngày thứ 2 của hội thảo (11/7/2025) sẽ diễn ra phiên đặc biệt với chủ đề "Xuất bản nghiên cứu Khởi nghiệp & Quản trị - Góc nhìn thực tiễn từ Ban biên tập" do Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng nhóm nghiên cứu “Kế toán, Trách nhiệm và Quản trị”, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội điều hành cùng với diễn giả danh tiếng là Phó Giáo sư Thái Mai – Giám đốc chương trình Social Business Creation, HEC, Canada.

vis-4872.jpg
Lãnh đạo Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia, diễn giả tham dự hội thảo.

Được biết, các bài báo gửi về hội thảo sẽ có cơ hội được được xuất bản trong các tuyển tập của các tạp chí khoa học uy tín như International Journal of Managerial Finance, Journal of Knowledge Management, International Journal of Entrepreneurship and Small Business, ....

Với tiền thân là Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Quốc tế được thành lập ngày 01/12/2021. Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế trên cơ sở áp dụng sáng tạo các thành tựu giáo dục, khoa học và công nghệ tiên tiến vào môi trường văn hóa Việt Nam, trường đã thực hiện đào tạo toàn bộ các chương trình bằng ngoại ngữ.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Trường Quốc tế đã có hơn 1000 công bố khoa học của cán bộ, giảng viên, trong đó hơn 900 công bố khoa học quốc tế thuộc danh mục WoS, Scopus. Đồng thời, Trường cũng là địa chỉ uy tín về tổ chức các diễn đàn khoa học quốc tế. Các hội nghị, hội thảo khoa học lớn về quản lí giáo dục, về các lĩnh vực chuyên môn như kinh tế, tài chính, ngân hàng… đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên của nhà trường cũng được diễn ra đều đặn thường niên, thu hút trên 500 sinh viên tham gia với nhiều sản phẩm sáng tạo, có tính thực tiễn, đạt nhiều thành tích cao ở cấp Trường, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và toàn quốc. Không những vậy, sinh viên của Trường cũng tham gia báo cáo tại các hội nghị hội thảo khoa học, công bố khoa học chung với giảng viên trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế. Đây là thành quả của những chính sách ưu đãi hấp dẫn được Trường Quốc tế xây dựng và triển khai nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu trong cán bộ, sinh viên.

Tường San