Giảng viên đại học không thích biên chế, chỉ hợp đồng với trường

13/09/2017 07:28
Tấn Tài
(GDVN) - Nhiều giảng viên tài năng đi học nước ngoài về sẵn sàng ký hợp đồng lao động với trường đại học để tránh ràng buộc bởi những quy định về biên chế, bậc lương.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hải Thập –Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra tại hội nghị bàn về việc triển khai xây dựng đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên tại Đà Nẵng vừa qua.

“Hút” nhân tài bằng cơ chế chính sách

Câu chuyện biên chế giáo dục lại một lần nữa được đưa ra tại hội nghị với sự tham gia của nhiều giảng viên, cán bộ quản lý và đại diện Bộ giáo dục. Nhiều ý kiến thống nhất với quan điểm của ông Thập rằng, đối với những “nhân tài” thì biên chế đang ràng buộc, níu kéo sức cống hiến của giảng viên.

Nhiều giảng viên đại học không muốn bị "trói buộc" bởi những quy định về lương, đãi ngộ của Luật viên chức. Ảnh: giaoduc.net.vn
Nhiều giảng viên đại học không muốn bị "trói buộc" bởi những quy định về lương, đãi ngộ của Luật viên chức. Ảnh: giaoduc.net.vn

Mức lương ba cọc, ba đồng cùng cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng đã làm đội ngũ giảng viên tài năng bị mai một. Nhiều người đã lựa chọn con đường ra đi, dù phải chấp nhận mức đền bù do phá vỡ cam kết đào tạo.

Theo một cán bộ lãnh đạo một trường đại học thành viên (Đại học Đà Nẵng) thì hiện việc tăng lương ở đội ngũ giảng viên là rất khó thực hiện vì nhà nước không có kinh phí.

Giảng viên đại học không thích biên chế, chỉ hợp đồng với trường ảnh 2

Xóa biên chế ở các trường đại học lớn thì dễ, bậc phổ thông cần thận trọng!

Tuy nhiên, theo vị này thì cần tạo điều kiện cho các trường đại học có những cơ chế thoáng hơn nữa, tự chủ hơn nữa để có những ưu đãi cụ thể cho đội ngũ giảng viên.

“Không nhất thiết phải quy định rằng là lương hệ số này rồi quản lý viên chức theo một công thức khô cứng, hành chính hóa đội ngũ giảng viên theo bậc, theo hệ. Như vậy sẽ rất khó cho các trường thu hút được đội ngũ giảng viên giỏi về trường”.

Vị này nói tiếp, chúng tôi nghĩ cần có cơ chế thông thoáng cho các trường đại học để tự chủ trong việc trả lương đội ngũ, để các trường thu hút được “nhân tài”.

Thực tế trong thời gian vừa qua, ví dụ như trường sư phạm không tăng được đội ngũ giảng viên lên mà chỉ thay thế.

Lý do là vì chúng ta yêu cầu tìm người tốt, đặt ra tiêu chuẩn cao. Nhưng với tiền lương như vậy thì người giỏi họ không về. Tôi xin 20-30 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được khoảng 10- 15 người. Số lượng người “đầu quân” về rất nhỏ. Vấn đề là làm sao đưa được người giỏi về với chúng ta?

“Muốn như vậy thì phải tạo ra một cái khung tự chủ cho các trường, để các trường có thể ưu đãi với đội ngũ này bằng việc tạo điều kiện hỗ trợ nghiên cứu khoa, tạo điều kiện giảng dạy để tăng thu nhập…

Chứ tôi nghĩ, như một số địa phương thu hút bằng tiền hỗ trợ 300 triệu đồng hay đất đai thì ngồi chơi ăn hết. Nhưng bây giờ hỗ trợ người ta có việc làm để làm ra tiền, thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng. Thì cái đó mới là quan trọng của việc phát triển đội ngũ giáo viên bền vững”, vị này góp ý thêm.

“Tháo còng” cho các trường đại học

Trao đổi về vấn đề thu hút “nhân tài” cho các trường Đại học, ông Nguyễn Hải Thập đặt vấn đề: “Vấn đề của chúng ta là gì? Là chúng ta cứ theo Luật viên chức, ký hợp đồng theo luật viên chức. Cứ tận hưởng mức lương như vậy, đều đều như vậy thì không được”.

Giảng viên đại học không thích biên chế, chỉ hợp đồng với trường ảnh 3

Muốn xóa biên chế giáo viên phải xây dựng được Luật nhà giáo

Ông kể lại câu chuyện xảy ra năm 2004 tại Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, ông Thập vào trường này triển khai thi tuyển giảng viên cho trường.

“Sau khi thi tuyển xong, một số giảng viên không ký hợp đồng viên chức mà ký hợp đồng lao động. Tôi hỏi lý do vì sao thì được biết giảng viên không thích tuyển dụng theo luật viên chức mà thích tuyển dụng theo Luật lao động.

Tôi hỏi tiếp vì sao thế? Nhiều người trả lời rằng, thầy và Bộ lạc hậu rồi. Vì nếu chúng tôi như thế thì phải tuân thủ theo luật viên chức, đánh giá theo viên chức và trình tự bậc lương theo viên chức.

Còn đối với hợp đồng lao động thì khoán khoản lương luôn. Hết nhiệm vụ giao khoán ấy thì giảng viên đi làm việc khác như: luật sư, tư vấn luật, làm công ty nước ngoài cũng không sao cả. Miễn là tôi làm hết công việc mà hợp đồng đưa ra”, ông Thập kể.

Từ năm 2004 mà trường Luật đã làm như thế rồi. Các trường đại học (công lập) cứ nghiên cứu kỹ văn bản đi, đừng sợ. Giảng viên có quyền ký hợp đồng lao động, không sao cả. Chúng tôi sẽ đưa vấn đề này vào đề án để có căn cứ văn bản pháp lý – ông Thập nói tiếp.

Cũng theo ông Thập, giờ phải có một quy định là không nhất thiết phải tuyển dụng giảng viên theo Luật viên chức mà nhà trường có thể thỏa thuận để ký theo Luật lao động.

“Thầy cô nào thích tuyển dụng theo Luật viên chức thì phải chấp nhận bảng lương, chế độ chính sách của viên chức. Còn ai muốn tuyển dụng theo Luật lao động thì có thể đưa ra thỏa thuận về tiền lương với Hiệu trưởng”, ông Thập nói.

Trường hợp muốn đưa ra các điều kiện đãi ngộ với nhà trường thì thầy cô phải khẳng định được tài năng, mới được chấp nhận ký với mức lương nhất định.

Ví dụ, thầy cô nào có bằng Tiến sĩ, năng lực tiếp cận với xã hội, doanh nghiệp tốt, phát triển chuyên môn theo hướng quốc tế, nâng cao chất lượng đầu ra… thì có thể “ra giá” mới đầu quân về.

Tấn Tài