Giáo dục, đào tạo Thừa Thiên Huế cần có vị trí tương xứng hơn nữa

06/03/2017 09:03
Thu Minh
(GDVN) - Chiều 3/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phát triển giáo dục đào tạo.

Ngày 3/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phát triển giáo dục đào tạo địa phương.

Thiếu trường chất lượng cao

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có điều kiện tốt về giáo dục đào tạo với một hệ thống giáo dục, đào tạo hoàn chỉnh và có chất lượng đồng đều.

Hiện toàn tỉnh có 594 trường mầm non, phổ thông với quy mô hơn 250.000 học sinh. Đại học Huế với 8 trường thành viên và một phân hiệu là điểm nhấn quan trọng của giáo dục đào tạo Thừa Thiên Huế.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, giáo dục Thừa Thiên Huế cũng có những khó khăn nhất định như nguồn lực đầu tư thấp, hiện mới chỉ đáp ứng được 20-25%/năm vì thế vấn đề đầu tư cơ sơ vật chất trường lớp còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học.

Công tác quy hoạch các trường đại học, cao đẳng còn vướng mắc. Mặc dù có hệ thống đại học phong phú song chủ yếu tập trung đào tạo lĩnh vực khoa học, xã hội nhân văn mà chưa tập trung đào tạo lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ (mới chỉ có hai ngành công nghệ hoá học và công nghệ sinh học). 

Đây là hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực. 

Đến nay cấp học mầm non, phổ thông ở Thừa Thiên Huế chưa có mô hình trường chất lượng cao, trường quốc tế nhằm tạo ra sự khác biệt cho hệ thống giáo dục đào tạo.

Một số bất cập khác như công tác xã hội hóa giáo dục còn chậm, chất lượng giáo dục phổ thông chưa tương xứng với sự kỳ vọng, so sánh trong tương quan với một số tỉnh, thành phố khác trong cùng khu vực địa lý thì giáo dục Thừa Thiên Huế phát triển có phần chậm. 

Điều này đặt ra cho giáo dục Thừa Thiên Huế rất nhiều thách thức, như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu tại cuộc làm việc, chính quyền địa phương có quyết tâm rất cao trong phát triển giáo dục phổ thông, trong đó rất ủng hộ việc thành lập trường chất lượng cao, trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được và đây là hạn chế rất lớn.

Với giáo dục đại học, Thừa Thiên Huế mong mỏi Đại học Huế sẽ trở thành đại học quốc gia.

Giám đốc Đại học Huế Nguyễn Quang Linh cho rằng, với doanh thu hàng năm khoảng 1.000 tỷ, với một đội ngũ cán bộ giảng viên có chất lượng cao nhất là những ngành có lợi thế như công nghệ sinh học, vi sinh, môi trường, công nghệ nông lâm ngư nghiệp, việc Đại học Huế chưa được nâng lên thành đại học quốc gia là day dứt, trăn trở đối với lãnh đạo địa phương cũng như Đại học Huế.

Đại học Phú Xuân đang đứng trước những khó khăn để tồn tại; Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế trong thách thức chuyển đổi thành trường đại học làm cơ sở cho phát triển nhân lực công nghệ cao; ý tưởng thành lập Học viện Du lịch Huế từ lãnh đạo địa phương cũng là những vấn đề được trao đổi tại cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi từng vấn đề đặt ra đối với giáo dục, đào tạo Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi từng vấn đề đặt ra đối với giáo dục, đào tạo Thừa Thiên Huế.

Phát huy truyền thống của mảnh đất văn hóa, tri thức

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi từng vấn đề đặt ra đối với giáo dục, đào tạo Thừa Thiên Huế.

Đối với việc Đại học Huế mong muốn trở thành đại học quốc gia, Bộ trưởng cho rằng, trước đây Chính phủ thành lập hai đại học quốc gia tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì mục đích tập trung để đầu tư nhưng nay quá trình tự chủ, cạnh tranh hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục đại học đang diễn ra nhanh chóng nên việc đầu tư của nhà nước sẽ được quyết định bởi năng lực của mỗi trường, kể cả các đại học quốc gia cũng không nằm ngoài quá trình này. 

Vì vậy, vấn đề của Đại học Huế hiện nay là cần phối hợp với tỉnh để quy hoạch ngành, chuyên ngành, quy hoạch cơ sở vật chất, đội ngũ trên cơ sở nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực miền Trung. 

Bộ sẽ phối hợp với tỉnh thông qua đại học Huế đầu tư, tuy nhiên đầu tư thế nào phải có cơ sở.

Trước mắt cần tập trung rà soát sắp xếp lại trên cơ sở dự báo ngành nghề, từ đó phân loại tầng thấp tầng cao.

Giáo dục, đào tạo Thừa Thiên Huế cần có vị trí tương xứng hơn nữa ảnh 3

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm gì cho ngành giáo dục sau 9 tháng cầm quân?

Quá trình quy hoạch, sắp xếp phải theo hướng hiệu quả trên nguyên tắc tự chủ, đảm bảo chất lượng. Quy hoạch cần có lộ trình để đầu tư, nếu không sẽ dàn trải, manh mún, chắp vá” - Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng cũng đề nghị, trên cơ sở quy hoạch sẽ thành lập Khoa Quốc tế trên cơ sở sắp xếp Trung tâm Đào tạo Quốc tế hiện có và một số chương trình liên kết quốc tế của Đại học Huế.

Sau khi có được phân khúc đào tạo sẽ hướng tới thành lập một trường đại học quốc tế nằm trong Đại học Huế.

Về việc đặt vấn đề thành lập Học viện du lịch từ Trường Cao đẳng nghề Du lịch, theo Bộ trưởng đây là việc khó.

Tỉnh nên nghiên cứu đầu tư thật tốt khoa du lịch, đi theo hướng chất lượng cao, sau này cũng có thể nâng cấp lên thành một trường đại học nằm trong Đại học Huế.

Vì rõ ràng khi nâng từ cao đẳng lên học viện quy mô sẽ khác hẳn, nếu không tự chủ được sẽ rất khó tuyển sinh.

Về vấn đề của Trường Đại học Phú Xuân, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh và Bộ cùng rà soát, kiểm tra để xứ lý trong thời gian sớm nhất, bảo vệ thương hiệu cho trường.

Bộ trưởng đánh giá cao quyết tâm của địa phương trong việc có được một số trường chất lượng cao, trường quốc tế và đề nghị tỉnh sớm tính toán quy mô trường lớp, chọn một số trường tốt đào tạo chất lượng cao, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho tỉnh về trường chất lượng cao đối với bậc học mầm non.

Ngoài ra, chọn một số trường công lập có thể hội nhập quốc tế để tạo ra chất lượng mũi nhọn.

Đối với nhiệm vụ về giáo viên, đề nghị tỉnh tính toán dự báo nhu cầu về số lượng và chất lượng giáo viên, gắn với đổi mới chương trình sách giáo khoa và gắn với các cơ sở đào tạo sư phạm để tạo ra chuỗi đào tạo tốt. 

Tập trung bám sát 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành; cân đối đầu tư cơ sở vật chất theo hướng cụm trường đồng bộ; chỉ đạo tốt kỳ thi THPT quốc gia bảo đảm khách quan, thuận lợi, an toàn, nghiêm túc;

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT ngày 20/02/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục... cũng là những lưu ý của Bộ trưởng với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc hướng dẫn, kiểm soát việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cụ thể là đạo đức nhà giáo.

Đẩy mạnh dân chủ trong trường học để các thầy cô được nói lên những bất cập, khó khăn, vất vả trong quá trình công tác.

Đồng thời đẩy mạnh tâm lý học đường, để học sinh không rơi vào trạng thái khó kiểm soát, gây ra những sự việc đáng tiếc. 

Cuối cùng, Bộ trưởng mong rằng, giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế sẽ phát huy truyền thống của mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, tri thức để có vị trí tương xứng hơn nữa.

Cũng tại Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm Trường THPT Hai Bà Trưng (trước đây là trường nữ sinh Đồng Khánh).

Thu Minh