Tiên Học Lễ- Hậu Học Văn có nên bỏ hay không bỏ:

Giáo dục hiện tại đang trở thành “bàn cờ trong thiên hạ"?

09/09/2013 07:51
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - Khẩu hiệu Tiên Học Lễ - Hậu học Văn vẫn cần phải duy trì trong xã hội vì lý do tầng lớp thanh thiếu niên của Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm cần giáo dục về nhân cách. Chữ Lễ ở đây không chỉ bó gọn chữ Lễ trong đạo Khổng như một số ý kiến phản biện.
 

Những ngày gần đây, dư luận đang nóng lên bởi những tranh luận xung quanh quan điểm 'Tiên học lễ…” không còn hợp thời? của tác giả Thanh Phong (Khoa Sư Phạm, Trường ĐH An Giang) được đăng tải trên 1 tờ báo.

Trong bài viết, tác giả cho rằng: Một thời giáo dục lấy tư tưởng Nho giáo làm chủ đạo đã đi qua từ rất lâu, nhiều quan điểm về giáo dục của Nho giáo vẫn còn giữ nguyên giá trị, thế nhưng cũng có những quan điểm cần phải đánh giá lại một cách toàn diện hơn trong bối cảnh mới. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là một trong số đó.

Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Trở lại với câu chuyện Tiên Học Lễ- Hậu Học Văn có nên bỏ hay không bỏ. Dân gian có câu “Cờ Ngoài – Bài trong" mô tả hiện tượng khi đánh cờ ai ở ngoài cũng có thể thành Đế Thích và bình luận những nước cờ “cao giá”.

Có vẻ giáo dục hiện tại đã trở thành “bàn cờ trong thiên hạ" để bất kỳ ai cũng có quyền nói lên chủ kiến “sáng giá" của mình. Trên báo chí truyền thông trong thời gian gần đây có rất nhiều cá nhân mà nghề nghiệp là “cờ ngoài" đối với nền giáo dục bỗng nhiên xuất hiện như một người “sống chết” với nghề giáo dục hàng chục năm?

Các cá nhân này đưa ra những luận điểm gây sốc bằng cách phát biểu những gì trái ngược với thông lệ trong nền giáo dục. Các ý kiến và phản biện trong giáo dục rất phải thận trọng. Trong giáo dục không thể sửa chữa các sản phẩm hư hỏng con người vì chúng ta không thể quay ngược được thời gian.

Một quyết định nhầm trên thị trường chứng khoán có thể mất vài chục tỷ nhưng tiền hôm nay mất đi ngày mai còn có thể tìm được. Một loạt bài viết với tư tưởng cổ súy việc bỏ hẳn đi học lễ sẽ dẫn tới ngộ nhận của hàng chục ngàn thanh thiếu niên không tuân thủ những quy tắc để trở thành hàng chục ngàn bà Tưng, Angela Phương Trinh, Lê Văn Luyện tương lai.

Chúng ta chưa cần tuyên bố bỏ Tiên Học Lễ đã có rất nhiều con cái chửi cha mẹ trên facebook. Giữa hai lựa chọn  duy trì Tiên Học Lễ và lựa chọn thứ hai bỏ khẩu hiệu và có xác xuất sẽ xuất hiện thêm một vài nhân vật thiếu niên “anh hùng" nói trên, chắc chắn đa phần chúng ta sẽ chọn lựa duy trì Tiên Học Lễ. 

Khẩu hiệu Tiên Học Lễ  - Hậu học Văn vẫn cần phải duy trì trong xã hội vì lý do tầng lớp thanh thiếu niên của Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm cần giáo dục về nhân cách. Chữ Lễ ở đây không chỉ bó gọn chữ Lễ trong đạo Khổng như một số ý kiến phản biện.

Chữ Lễ tượng trưng cho phạm trù cách sống và hành xử trong xã hội. Rõ ràng, nền giáo dục căn bản nào cũng nhằm giáo dục, xây dựng và duy trì  cho mỗi cá nhân cách hành xử chuẩn mực trong xã hội. Một cách rõ ràng, chuẩn mực trong xã hội sẽ phải phát triển và thay đổi vì xã hội biến đổi.

Cách đây vài trăm năm, chữ Lễ như tác giả phản biện tuân theo đạo Khổng nhưng bây giờ chữ Lễ trong mình nó cũng thay đổi rất nhiều. Tác  giả Lê Đỗ Huy có nêu lên những ví dụ không tốt của chữ “Lễ".

Hoàn toàn tán đồng với những ý kiến của tác giả tuy nhiên những biểu hiện đó  chỉ là những điểm không hợp lý về cách hiểu chữ Lễ. Chúng ta không thể vì một số điểm không phù hợp lại đòi bỏ đi những triết lý rường cột.

Toàn bộ thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam cần phải hiểu rằng các em cần phải hiểu, áp dụng và phát triển chuẩn mực xã hội của Việt Nam. Chuẩn mực xã hội đó có những gì chưa hợp lý chúng ta trao đổi và sửa chữa thay vì phủ định sạch trơn. 

Một bài viết của một vị tiến sỹ cổ súy cho việc bỏ Tiên Học Lễ khi ngụy biện triết lý UNESCO.  UNESCO đưa ra bốn trụ cột của việc học trong thiên niên kỷ mới, đó là: Học để biết, học để làm, học để khẳng định bản thân và học để chung sống (learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).

Khi nhìn vào trong khẩu hiệu của Unesco hiểu sâu sắc cũng tương đồng với việc Tiên Học Lễ. Nếu như chúng ta hiểu chữ Lễ theo nghĩa rộng thì Learn to be chính là học để cho chúng ta trở thành một cá nhân như thế nào và chúng ta học để làm sao sống hòa thuận – hành xử với những người xung quanh theo chuẩn mực của xã hội đương thời- learning to live to gether.

Không có gì lạ khi phương Đông và phương Tây có những cách tiếp cận giống nhau bởi vì nền giáo dục phổ cập ở đâu cũng hướng tới xác lập chuẩn cho những công dân của mình. 

Nhìn rộng từ phát triển nhân lực, các cá nhân trong xã hội ngày nay luôn luôn phải hướng tới sự hoàn hảo trong kiến thức, thái độ và kỹ năng. Trong ba thành tố, thái độ có tầm quan trọng nhất trong ba yếu tố nói trên trong quan điểm phát triển nhân lực phương Tây. Một lần nữa sự giao thoa thể hiện tại đây.

Đầu tiên một cá nhân cần có những suy nghĩ đúng, thái độ đúng mới có thể có những hành xử và hành động chuẩn mực trong xã hội. Suy nghĩ và thái độ chính là cái chúng ta gọi là Lễ trong toàn bộ quá trình đào tạo. Một số ý kiến cho rằng chữ Tiên trong tiên học lễ đã quá nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ Lễ. Chữ Tiên ở đây hiểu theo nghĩa đó là mức độ ưu tiên thay vì phải học hết lễ mới tới học văn. 

Đại học Hoa sen tại TP HCM đã đề ra tôn chỉ sống tử tế - học đàng hoàng- kết nối năm châu. Khẩu hiệu của nhà trường tại bậc giáo dục đại học- bậc cao nhất trong quá trình đào tạo một cá nhân trong nghề nghiệp cũng không khác với khẩu hiệu Tiên Học Lễ - Hậu Học Văn. Cách đây vài hôm, giáo sư Văn Như Cương có bài đọc cho ngày khai trường dành cho bố mẹ và học sinh.

Trong cả bài viết, ông đã dành 5 điều trong 6 điều để nói lên chữ Lễ theo nghĩa rộng tới cả phụ huynh lẫn học sinh. Có những cá nhân cả đời cũng vẫn chưa đạt tới sống tử tế như tôn chỉ nói trên thì việc ưu tiên – Tiên Học Lễ có lẽ không cần bàn cãi tại đây.

Tuy nhiên một diễn đàn phản biện mở để nhấn mạnh tầm quan trọng phải duy trì khẩu hiệu Tiên Học Lễ kèm theo những phản biện để định nghĩa chính xác chữ Lễ như thế nào sẽ mang lại giá trị rất lớn cho sự nghiệp giáo dục tại Việt Nam.

Thế giới thay đổi rất cần chúng ta hiểu chữ Lễ như thế nào trong quá trình hội nhập chứ không hòa tan với thế giới bên ngoài. 
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam