Giáo sư Nguyễn Lân Dũng dự báo sự khốc liệt của thị trường lao động tương lai

07/04/2021 09:11
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau độ tuổi 35, tìm việc làm rất khó nếu không có một tay nghề đủ thuyết phục. Ngoài ra, hàng nghìn sinh viên ra trường mỗi năm hiện còn đang loay hoay.

Ngày 6/4, gần 1900 em học sinh Trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 2, Hiệp Hoà, Bắc Giang đã may mắn được nghe Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích. Sự kiện này nằm trong chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp tổ chức.

Hiện nay, nhà trường có 42 lớp với gần 1900 học sinh. Số lượng cán bộ, giáo viên và nhân viên là 103 người, tất cả đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn quy định. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đang từng bước hoàn thiện, khang trang.

Các năm trở lại đây, trường liên tục đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến và xuất sắc cấp tỉnh”. Đặc biệt, năm 2013 trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì.

Trong khoảng 3 tiếng hội thảo, cả nghìn học sinh luôn chăm chú lắng nghe từng chia sẻ, trao đổi của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Gần 1900 học sinh chăm chú lắng nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện. Ảnh: Trung Dũng.

Gần 1900 học sinh chăm chú lắng nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trò chuyện. Ảnh: Trung Dũng.

Được biết, Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 2 được thành lập tháng 9/1973. Những ngày đầu mới thành lập, trường chỉ có 308 học sinh, đến nay, sau 46 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã có 21.368 học sinh tốt nghiệp ra trường.

Tỷ lệ đỗ Đại học, Cao đẳng 10 năm trở lại đây là 70%, trong đó có nhiều học sinh thành đạt trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế. Nhiều học sinh đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý cao cấp, các chủ doanh nghiệp và cán bộ lãnh đạo.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ ra sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động trong tương lai

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ ra sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động trong tương lai

Mở đầu cho buổi nói chuyện, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã chỉ ra những cơ hội cũng như thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các thế hệ trẻ Việt Nam.

Đó là điện toán đám mây, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn… Những thứ tưởng xa lạ nhưng thật ra liên quan trực tiếp đến từng bạn trẻ. Chẳng hạn, gửi ảnh chụp từ điện thoại thông minh, danh bạ điện thoại, những thứ thiết thực gần với giới trẻ ấy đều được ghi nhớ trên các đám mây dữ liệu.

Nước ta cũng đang thực hiện Chính phủ điện tử, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang thực hiện trang trại thông minh, phân xưởng thông minh. Ngành bưu chính viễn thông đang phấn đấu phủ sóng 5G, các bệnh viện đang phấn đấu khám bệnh trực tuyến, hội chẩn trực tuyến giúp các bệnh viện tuyến dưới. Hoặc cụ thể nhất là sự xuất hiện của những chiếc máy in 3D đầu tiên.

Học sinh nhận được sự giải đáp về ý tưởng khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0. Ảnh: Trung Dũng.

Học sinh nhận được sự giải đáp về ý tưởng khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0. Ảnh: Trung Dũng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đang từng bước tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thanh niên là thế hệ nhạy cảm nhất, trẻ trung nhất của xã hội nên không thể đứng ngoài cuộc cách mạng quan trọng này. Mọi thanh niên phải phấn đấu trong học tập ngoại ngữ, học tập chuyên môn, nghiệp vụ để không trở thành những người xa lạ với nó”.

Đồng thời, suốt trong buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng nhiều lần nhắc đến việc, trong tương lai khi robot thay thế công việc của con người, nhiều lao động ở một số ngành nghề có thể đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Vì vậy, các bạn trẻ rất cần phải trang bị cho mình những kỹ năng thiết yếu.

Giáo sư Dũng cũng chỉ ra việc thanh niên nông thôn nhiều địa phương đang tìm thấy lối thoát khỏi sự nghèo khổ sau lũy tre làng bằng việc lập nghiệp tại các công ty, phần lớn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp đó ở Việt Nam đang hoạt động trong các lĩnh vực thu hút nhiều công nhân nhất là may mặc, giày da và lắp ráp điện tử. Đáng tiếc cả 3 lĩnh vực này đều dễ dàng thay thế lao động bằng robot.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp may mặc đã nhập robot về và họ đang dần giảm số lượng công nhân lao động. Với hàng mỹ nghệ cũng đã có xí nghiệp thay thế công nhân bằng robot. Xu thế này ngày càng tăng lên, đồng nghĩa với việc thay thế sức lao động của công nhân.

Ngoài ra, việc nhiều công nhân ở độ tuổi 35 đến 40 bị mất việc đang là những nguy cơ hiện hữu mà người lao động phải đối mặt. Ở độ tuổi này tìm được việc làm sẽ là vô cùng khó nếu không có một tay nghề cao. Ngoài ra, còn có hàng nghìn sinh viên đã ra trường hiện còn đang loay hoay vì không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo, đó cũng là dự báo cho sự cạnh tranh nghề nghiệp khốc liệt trong tương lai”.

Các học sinh vui mừng nhận về món quà tri thức từ vị Giáo sư đáng kính. Ảnh: Trung Dũng.

Các học sinh vui mừng nhận về món quà tri thức từ vị Giáo sư đáng kính. Ảnh: Trung Dũng.

Trong phần trao đổi với các bạn học sinh, vị diễn giả dành nhiều thời gian để phân tích về sự quan trọng của giáo dục trong việc giúp các bạn trẻ hội nhập quốc tế và từng bước trở thành công dân toàn cầu.

Giáo sư nêu ra một số yêu cầu bức thiết, một hướng đi mới đang mở ra tương lai cho các bạn trẻ muốn lập nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Những ví dụ thiết thực như việc Chính phủ ta đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Những hiệp định này cho thấy thanh niên Việt Nam có thể tham gia lao động, học nghề hay làm việc trên một không gian rộng lớn của thế giới. Chúng ta cũng đang có thế mạnh trong một số ngành nghề chuyên môn để đưa lao động sang làm việc ở các thị trường có tiềm năng như Nhật Bản. Đặc biệt là ở ngành điều dưỡng, hàng nghìn điều dưỡng, hộ lý đã được tuyển chọn, đào tạo tiếng Nhật và đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản.

Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác, với tỉ lệ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao (37% với ứng viên điều dưỡng và 91% cho ứng viên hộ lý), trong khi ứng viên các nước khác chỉ đạt khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý. Những chia sẻ này của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho thấy, nếu được đào tạo bài bản, người lao động Việt Nam hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế.

Thầy Nguyễn Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 2 cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vì buổi hội thảo ý nghĩa. Ảnh: Trung Dũng.

Thầy Nguyễn Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 2 cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vì buổi hội thảo ý nghĩa. Ảnh: Trung Dũng.

Ban giám hiệu trường Hiệp Hoà số 2 chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng.

Ban giám hiệu trường Hiệp Hoà số 2 chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng.

Học sinh trường Hiệp Hoà số 2 chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng.

Học sinh trường Hiệp Hoà số 2 chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Trung Dũng.

Cuối buổi hội thảo, thầy Nguyễn Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hoà số 2 đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một buổi hội thảo đầy ý nghĩa. Để các em học sinh có thêm nhiều định hướng mới trong tương lai, để tự tin hơn trong một thời đại mới nhiều khó khăn, thử thách.

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trung Dũng