Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Giáo dục bắt đầu từ gia đình, không có gen thông minh

31/01/2017 06:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Gia đình nội ngoại đều dạy dỗ con theo hướng bố mẹ giữ gìn gương mẫu để cho con cái noi theo. Từ nhỏ đến lớn tôi và vợ tôi đều được hưởng một nền giáo dục...

LTS: Đầu xuân Đinh Dậu, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII - về vai trò của giáo dục gia đình, cha mẹ làm gương và vấn đề "gen thông minh".

Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, bài viết gần đây của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu về cách xử lý những sự cố không mong muốn trong y khoa để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc về cái tâm, cái tầm và cái tài trong con người anh. 

Được biết Giáo sư có hai người con đều rất giỏi giang, thành đạt và tràn đầy tinh thần cống hiến. Đầu xuân, xin Giáo sư vui lòng chia sẻ một chút về "kinh nghiệm dạy con" của mình cho các bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam?

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Gia đình tôi có 8 anh chị em nhưng có 7 tiến sĩ, 3 giáo sư và 3 phó giáo sư. Nếu kể các con dâu, cháu trai, cháu gái thì còn nhiều hơn. 

Vợ chồng tôi có hai cháu- Nguyễn Lân Hiếu và Nguyễn Kim Nữ Thảo. Lân Hiếu khi mới 1 tháng tuổi đã nằm trong bụng mẹ đi tham gia chiến trường Quảng Trị, một chiến trường với bom đạn vô cùng ác liệt. 

Thật may mắn hơn bao nhiêu đồng đội khác, vợ tôi không bị nhiễm chất độc da cam nên cháu Hiếu và sau này là cháu Thảo đều lành lặn và sáng dạ. 

Chúng tôi không có kinh nghiệm gì đặc biệt trong việc dạy con mà chỉ theo nếp của hai bên nội ngoại. Bố tôi là NGND Nguyễn Lân và bố vợ tôi là cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. 

Cả hai gia đình nội ngoại đều dạy dỗ con theo hướng bố mẹ giữ gìn gương mẫu để cho con cái noi theo. Từ nhỏ đến lớn tôi và vợ tôi đều được hưởng một nền giáo dục lành mạnh. 

Bố và mẹ không hút thuốc, không rượu chè, cờ bạc và luôn là những tấm gương về đạo đức và hết lòng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, ảnh do tác giả cung cấp.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, ảnh do tác giả cung cấp.

Chúng tôi chưa bao giờ được hưởng ưu ái thiên vị gì so với các bạn học khác, cũng chưa bao giờ bị mắng mỏ, càng không bao giờ bị đánh đập. Cứ theo nề nếp ấy chúng tôi dạy dỗ hai cháu Hiếu và Thảo một cách nhẹ nhàng và không thấy có gì khó khăn. 

Các cháu đều ham học và tự phấn đấu để có thành tích cao trong học tập.

Chúng tôi cố gắng đáp ứng những yêu cầu dinh dưỡng tối thiểu để các cháu có đủ sức khoẻ dù cuộc sống thời chiến tranh thật khó khăn. 

Tôi nhớ vợ tôi đêm đêm rang lạc húng lìu, dán thành từng túi nhỏ và trước khi đi làm đã vòng qua nhiều hàng quán để nhờ bán. 

Tôi tìm vào trong làng sau trường Đại học tìm mua kẹo bạc hà để góp với các gói lạc của vợ. Khi giá lạc, giá kẹo tang chúng tôi phải bớt đi vài hạt trong từng túi nhỏ để không tăng giá bán (!).

Có lần đi nước ngoài về tôi đã phải nhờ vợ bán mấy cuộn băng cassette trắng để có tiền mua sữa cho cháu Thảo. 

Có thời gian vợ tôi đi học tại Ba Lan để bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý bệnh viện tôi đã phải rất cố gắng để nuôi cháu Thảo khi cháu mới có 6-7 tuổi. 

Khi các cháu học cấp II, cấp III các cháu cũng có nhu cầu học thêm. Các cháu học cùng vài bạn với những thầy giỏi như thầy Nguyễn Thương chẳng hạn. 

Thầy đã từng dạy tôi trước đây và Thầy dạy vì yêu nghề chứ không vì tiền bạc. Tôi thấy Thầy hỏi từng cháu học đến đâu và Thày giảng lại cho các cháu hiểu thật kỹ rồi Thầy đọc bài tập cho các cháu làm ngay tại chỗ. 

Thày đi xe đạp và chả có mẩu giấy nào trên tay. Nay Thầy đã khuất núi nhưng tôi cảm thấy thật đáng tiếc, vì những người Thầy giỏi giang như vậy mà chưa bao giờ được mời tham gia soạn chương trình hay viết sách giáo khoa. 

Cháu Hiếu khi ôn thi Đại học cũng tìm thầy để học thêm nhưng khi thấy không thích hợp thì cháu thôi ngay để tìm thầy khác. Đến bây giờ tôi vẫn thấy cấm dạy thêm là không đúng. 

Chỉ có điều là cháu nào cần mới học, và thày cô nào giỏi mới nên dạy thêm. Dạy thêm cốt cho các cháu hiểu bài sâu hơn chứ không cần học gì thêm ngoài chương trình. 

Tôi nhớ lại là chúng tôi chưa bao giờ phải giục các cháu học hành vì các cháu tự thấy việc học là cho mình chứ không phải cho bố mẹ hay cho thầy cô. 

Có chăng là đôi khi chỉ nhắc các cháu đi ngủ đúng giờ chứ đừng thức khuya quá. 

Các cháu tự chọn bạn thân để chơi. Các bạn của cháu Hiếu từ lớp I (cùng với Ngô Bảo Châu) đến bây giờ vẫn thân thiết với nhau, dù mỗi cháu một nghề nghiệp khác nhau. 

Cháu Thảo có hai cô bạn từ lớp 5 nhưng đến bây giờ vẫn thân thiết với nhau như chị em ruột. Tình bạn tốt đẹp giúp các cháu rất nhiều trong việc xây dựng nhân cách và động viên nhau mỗi lúc gặp khó khăn. 

Việc chọn trường Đại học chúng tôi cũng để các cháu tự quyết định. Cháu Hiếu đỗ cùng một lúc ba trường: Y khoa, Tổng hợp và Lâm Nghiệp. 

Cháu đỗ điểm cao vào ĐH Tổng hợp nhưng lại chọn trường Y vì một lý do thật đặc biệt. Khi đó cháu thấy bà ngoại rất đau đớn vì bị ung thư phổi và cháu tự quyết học Y khoa để mong cứu chữa được những người mắc căn bệnh hiểm nghèo. 

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trong một chương trình khám tim miễn phí cho trẻ em nghèo. Ảnh: suckhoedoisong.vn.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu trong một chương trình khám tim miễn phí cho trẻ em nghèo. Ảnh: suckhoedoisong.vn.

Cháu tự vươn lên rất mạnh mẽ, kể cả việc học tiếng Anh, tiếng Pháp. Cháu cứ từng bước trưởng thành và trở thành một PGS tim mạch có tiếng không chỉ trong nước, mà còn cả trong khu vực với tư cách là chuyên viên của Tổ chức Y tế thế giới. 

Cháu Thảo lúc đầu cũng thích học Y như anh mình, nhưng sau nhiều lần đến chơi trong phòng thí nghiệm của bố, cháu thấy thú vị khi quan sát vi sinh vật với muôn hình vạn trạng dưới kính hiển vi và cháu đã tự chọn học lớp chuyên Sinh của Đại học Tổng hợp. 

Tôi cũng chả giúp gì nhiều được cháu vì cháu cứ tự vươn lên mạnh mẽ để đạt giải Sinh học quốc tế tại Bỉ. 

Khi cháu tốt nghiệp Tiến sĩ tại Mỹ vợ chồng tôi có sang dự buổi bảo vệ luận án của cháu và thấy thật sung sướng khi thấy các Thầy rất khen công trình nghiên cứu của cháu. 

Một điều ta nên rút kinh nghiệm là việc bảo vệ rất đơn giản nhưng thật nghiêm túc. 

Hội đồng giám khảo không chỉ có các Thầy trong trường, trong tiểu bang mà cả các thầy từ bang khác, thậm chí có cả thầy từ Nhật Bản bay sang. 

Nghĩa là những người thật sự am hiểu về lĩnh vực nghiên cứu đó. Các thầy rất hiền từ nhưng hỏi rất sâu sắc trước khi họp riêng để đánh giá xuất sắc cho luận án của cháu. 

Một chuyện lạ là nghiên cứu sinh không cần một bó hoa nào, hơn nữa buổi chiêu đãi tối hôm đó lại do Thầy hướng dẫn đài thọ. 

Thầy quan niệm nghiên cứu sinh đã giúp Thầy rất nhiều trong việc giải quyết một phần trong hướng nghiên cứu lớn hơn của Thầy. 

Dù học tập và thực tập ở các nước phát triển (Mỹ, Pháp, Nhật, Đức) nhưng cả hai cháu đều rất vui khi được về phục vụ trong nước, dù ai cũng biết chế độ đãi ngộ của các Tiến sĩ trong nước với lương khởi điểm chưa tới 200 USD (!)

Truyền thống gia đình rõ ràng là một nền tảng vững chắc cho sự thành đạt lẫn tính cách dấn thân vào khoa học và tinh thần phụng sự cộng đồng của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và em gái anh, TS Nguyễn Kim Nữ Thảo.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng, anh Hiếu và chị Thảo “có gen học giỏi, học ở đâu cũng giỏi”, Giáo sư bình luận thế nào về điều này?

GS.NGDN Nguyễn Lân Dũng: Với tư cách là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam và với kinh nghiệm 60 năm trong nghề, tôi không nghĩ tới gen di truyền về trí tuệ. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Giáo dục bắt đầu từ gia đình, không có gen thông minh ảnh 3

Đổi mới toàn diện giáo dục không khó, nếu Bộ biết lắng nghe

(GDVN) - GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng rào cản đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà còn rất nhiều, và nó đến từ chính cơ chế, bộ máy quản lý quan liêu của Bộ.

Với Hiếu và Thảo, nhiều người cho là có yếu tố di truyền của gia đình, nhưng là người nghiên cứu Sinh học tôi thấy không phải. 

Di truyền thường biểu hiện về hình thái và một số bệnh lý. Chưa ai xác nhận bất cứ loại gen nào được gọi là gen thông minh. 

Tôi thấy nhiều sinh viên của tôi xuất thân từ nông thôn, nhất là vùng Nghệ An - Hà Tĩnh, các em học rất chăm và rất giỏi. Hoàn cảnh sống của gia đình các em ấy khó khăn quá mức. 

Hồi sơ tán ở Đại Từ ăn uống kham khổ, thiếu thốn vậy mà nhiều em đã kiếm củi để bán nhằm gửi tiền về hỗ trợ cho gia đình. Có lẽ có một động cơ phải học giỏi để thoát khỏi những hoàn cảnh sống quá khó khăn ấy. 

Về phần hai đứa con của của chúng tôi thì có lẽ ảnh hưởng của truyền thống gia đình có tác động rất lớn tới việc tự giác phấn đấu của các cháu.

Không chỉ con chúng tôi mà con, cháu của chị tôi và của các em tôi đều rất đáng tự hào. 

Con trai của chị Chỉnh tôi là Đại tá, cháu ngoại của chị đã là Giảng viên Đại học. Con trai Lân Hùng là PGS - Chủ nhiệm Khoa ở Đại học và cháu nội của Hùng đã đạt hai giải thưởng quốc tế và đỗ đầu ba trường chuyên ở Hà Nội. 

Con gái Lân Việt là Thạc sĩ tại Pháp. Con gái của Lân Trung là nữ Phó giáo sư trẻ nhất. Con gái Lân Tráng đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Đại học Bắc Kinh. Con trai của Lân Cường là thực tập sinh tại Nhật…

Cuối năm 2016 nở rộ các trung tâm "kích hoạt não" cho trẻ em thu hút khá nhiều phụ huynh cho con tham gia với hy vọng con em họ sẽ trở thành thiên tài, nhân tài. 

Giáo sư đánh giá như thế nào về hiện tượng này ạ? Đây là khoa học hay phản khoa học? Việc bố mẹ áp đặt kỳ vọng của mình, hoài bão của mình lên con cái sẽ tác động, ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển và trưởng thành của con trẻ?

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Trái với hy vọng của nhiều phụ huynh, phương pháp “kích hoạt não giữa” dạy trẻ em thành thiên tài được các học giả uy tín của Ấn Độ nhận định là trò lừa đảo, hoang đường. 

Theo http://news.zing.vn thì báo The Hindu, cho rằng MidBrain Activation - "kích hoạt não giữa" - được cho là chương trình đào tạo nhằm giúp trẻ em cảm nhận được vật chất mà không cần nhìn. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học Ấn Độ  cho rằng các tổ chức cung cấp chương trình này đã lôi kéo một số phụ huynh nhẹ dạ, khiến họ tin rằng “kích hoạt não giữa” sẽ giúp trẻ cải thiện trí nhớ, tập trung bằng cách kích thích một số bộ phận của não. 

Ông Madhava Rao - nhà tâm lý học thần kinh người Ấn Độ - nhận định: não giữa không liên quan trí thông minh, mà chỉ có mối liên hệ với các phần não khác. 

Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức duy lý Ấn Độ - Narendra Nayak - cho hay, không ít phụ huynh nước này đang trả số tiền rất lớn cho những tổ chức lừa đảo với ảo vọng biến con em mình thành thiên tài. 

Tờ Times of India đưa tin năm 2015, ông Narendra Nayak hứa trả một khoản tiền khá lớn cho tổ chức nào chứng minh trẻ em có khả năng bịt mắt đọc sách sau khi được đào tạo bằng phương pháp "kích thích não giữa". 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Giáo dục bắt đầu từ gia đình, không có gen thông minh ảnh 4

Học sinh Việt Nam học một lúc 14 môn thì “còn gì là người?”

(GDVN) - Trong khi ở các nước phát triển, học sinh cấp THPT chỉ học khoảng 4-5 môn còn học sinh của ta hiện nay phải học 14 môn thì “còn gì là người”.

Lời thách thức sau đó được một giám đốc trung tâm cung cấp chương trình giáo dục này có tên Vinoj Surendran chấp nhận, mà không đòi hỏi bất cứ khoản tiền nào. 

Tuy nhiên, hai ngày trước khi tổ chức buổi thử nghiệm khả năng siêu việt của những học viên tại trung tâm mình, ông Surendran tuyên bố rút lui. 

"Các bậc cha mẹ không muốn mang con em mình ra làm thí nghiệm", ông giải thích. Người này cũng cho hay trí não trẻ em được kích hoạt bằng phương pháp "nada-yoga" truyền thống. 

Sự kiện trên khiến các học giả Ấn Độ củng cố nhận định "kích hoạt não giữa" là chương trình lừa đảo. 

Thậm chí, ảo thuật gia nổi tiếng tại bang Kerala (Ấn Độ) - Gopinath Muthukad - còn cho hay, các nhà tổ chức sử dụng thủ thuật “X-ray Vision” dạy con trẻ cách nhìn trộm khi bị bịt mắt, rồi cho đó là kết quả của kích hoạt não. 

Các tổ chức bài trừ mê tín dị đoan là Maharashtra Andhashraddha Nirmulan Samiti (MAN) và Hiệp hội các tổ chức duy lý Ấn Độ (FIRA) cũng phát động chiến dịch chống lại những lớp học "kích hoạt não giữa" tại nhiều thành phố ở Ấn Độ. 

Họ cho rằng phụ huynh cần được cảnh tỉnh để không bị mê muội bởi những "khả năng kỳ diệu" mà chương trình này đem lại cho con mình.

Niềm vui nào là lớn nhất với gia đình Giáo sư trong năm qua và Giáo sư có mong ước gì trong năm tới?

GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Năm 2016 vữa qua gia đình chúng tôi có quá nhiều hạnh phúc. Đầu tiên phải kể đến chuyện Bố tôi được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đặt tên Phố Nguyễn Lân trên một con đường phố dài và đẹp gần đường Lê Trọng Tấn.

Chúng tôi rất vui mừng vì đó là sự đánh giá công minh với một thầy giáo tận tuỵ trên 70 năm vì sự nghiệp trồng người và góp phần phát huy giá trị của Tiếng Việt. 

Nếu được đề xuất mong ước thì chúng tôi trông chờ phố Nguyễn Lân sẽ có thêm ở thành phố Huế - nơi bố tôi dành cả tuổi thanh xuân cho Quốc học Huế với những học sinh xuất sắc như Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Hoàn, Trần Quỳnh… và cũng là nơi vị Đốc lý người Việt đầu tiên đã đổi các tên đường phố mà nay vẫn còn mãi với thời gian. 

Niềm vui thứ hai là em trai tôi tôi - GS.TS.NGND Nguyễn Lân Việt vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

Niềm vui thứ ba là con trai chúng tôi - PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm tim mạch Đại học Y Hà Nội vừa được bầu vào Quốc hội Khoá 14. 

Niềm vui chung là tất cả anh em, con cháu đều khoẻ mạnh, đoàn kết và luôn phấn đấu gìn giữ truyền thống một đại gia đình hiếu học và luôn sống lành mạnh, cùng phấn đấu chung với toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước.

Năm 2017 đã tới, tất cả chúng tôi cùng chung niềm vui với cả nước, với mong ước một sự đột phá tiến thẳng vào cuộc cách mạng lần thứ tư, xây dựng một Chính phủ kiến tạo và liêm chính, phát triển một nền nông nghiệp công nghiệp hoá, và đổi mới thực chất nên giáo dục nước nhà.

Đó là một nền giáo dục của thời đại công nghiệp 4.0 với những con người có năng lực tư duy và sáng tạo, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin để tạo nên một sự thích nghi với thời đại sản xuất thông minh trên toàn cầu.

Năm mới, tôi xin gửi lời chúc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có nhiều tuyến bài hay hơn nữa, đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Chúc quý bạn đọc gần xa một năm mới an khang thịnh vượng!

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư. Đầu xuân năm mới, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kính chúc Giáo sư và đại gia đình một năm mới sức khỏe, an khang thịnh vượng!

Hồng Thủy