Ngày 28/5, Trường Đại học Hoa Sen tổ chức buổi tọa đàm “Home schooling (học ở nhà) – Sự lựa chọn nào cho con bạn”, với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nói về phương pháp tự học ở nhà đã gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, tự học ở nhà là một mô hình tốt, có nhiều ưu điểm cũng như cả khuyết điểm, nhưng chỉ có thể tồn tại với một số trường hợp đặc biệt, và chưa phù hợp với phần đông học sinh của Việt Nam.
Giáo sư Vũ Đức Vượng – nguyên Giám đốc chương trình giáo dục tổng quát, Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, sự việc không đơn giản là học ở trường nhiều bất cập, nhiều tiêu cực rồi cho con nghỉ, tự học ở nhà theo mô hình Home Schooling.
Theo Giáo sư Vũ Đức Vượng, một đứa trẻ cần được phát triển toàn diện, cả về kiến thức lẫn tâm sinh lý, nhân cách, đạo đức.
“Không phải ai cũng có đủ thời gian, tiền bạc, và quan trọng nhất là kiến thức, kỹ năng để dạy cho con mình những điều đó” – Giáo sư Vượng nói tiếp.
Buổi tọa đàm về Home Schooling (tự học ở nhà) vừa được tổ chức tại Trường Hoa Sen (ảnh: P.L) |
Chính vì vậy, Giáo sư Vũ Đức Vượng đã đưa ra lời khuyên rằng, các bậc phụ huynh nên cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, trước khi đưa ra quyết định cho con tự học ở nhà.
Nhà báo Thu Hà (tác giả cuốn sách “Con nghĩ đi, Mẹ không biết) chia sẻ: Những bất cập, áp lực khi con trẻ học ở trường là một điều cần thiết, dạy con thích nghi và rèn luyện trước khi bước ra xã hội.
Nữ nhà báo này nêu quan điểm: Cha mẹ không thể chọn cho con môi trường hoàn toàn vô trùng, cũng như không thể bao bọc chúng mãi. Mai này, các con phải sống trong môi trường xã hội, với rất nhiều mối quan hệ phức tạp.
Do có những áp lực, bất công ở trường sẽ buộc chúng ta cùng với các con phải đối diện, giải quyết chứ không thể nào chạy trốn mãi.
Là một người đã từng sống, và làm việc trong vòng gần 40 năm tại Mỹ, Giáo sư – Tiến sĩ Trương Nguyện Thành, Hiệu phó điều hành của Trường Đại học Hoa Sen cũng chính là người đã từng cho con học trực tuyến (online) ở nhà, nhưng cuối cùng, ông vẫn phải cho con vào trường học trở lại.
Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại: Mọi chuyện tưởng chừng như tốt đẹp, khi con trai ông hoàn thành tốt các khóa học, và dễ dàng kết thúc chương trình phổ thông của Mỹ chỉ trong vòng 1,5 năm.
Nhưng vị Giáo sư này đã nhận ra một điều, độ tuổi dưới 18 khoảng thời gian con người phát triển tâm sinh lý. Điều này tốt nhất nên diễn ra trong môi trường gắn kết với mọi người, thay vì diễn ra trong một không gian khép kín như ở nhà.
Giáo sư Trương Nguyện Thành đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh: “Phụ huynh cứ nên để con tới trường, tiếp xúc với môi trường thầy cô, bạn bè, nhưng không tạo áp lực về mặt điểm số.
Trong các thời gian được nghỉ, hãy để cho con được làm, học hỏi những điều chúng thích, cần thiết, tạo môi trường cộng hưởng tốt hơn trên nền tảng sẵn có”.
Đồng thời, các bậc phụ huynh đừng nên chạy theo kiến thức, theo đuổi sự thông minh của đứa trẻ, mà hãy suy nghĩ kỹ điều gì quan trọng với con mình.
Đồng tình với quan điểm này, nữ nhà báo Thu Hà đã khẳng định: Mỗi con người sau này có thành công không phụ thuộc nhiều vào kiến thức, mà phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc.
Một môi trường chỉ xoay quanh cha mẹ, một vài bạn bè không thể đủ để trẻ phát triển toàn diện về tâm sinh lý, đạo đức hay là nhân cách.
Cuối cùng, nhà báo Thu Hà đã đưa ra một nhận định: Cha mẹ dù muốn cũng không thể hoàn toàn tự dạy cho con của mình. Theo nữ nhà báo này, nếu tự học ở nhà, các con có phải đã được “tiêm vắc xin” trong một môi trường đã chọn lọc kỹ lưỡng hay chưa?