Ở các nước phát triển trên thế giới, homeschooling – học tại nhà là một trong số những xu hướng giáo dục hấp dẫn. Trẻ em sẽ được tự học ở nhà theo giáo án soạn sẵn dưới sự giám sát và quản lý của cha mẹ. Các tổ chức giáo dục sẽ tổ chức kỳ thi online để trẻ được cấp bằng chứng nhận.
Điều này giúp các em chủ động về thời gian học tập, thậm chí là học vượt lớp nếu có khả năng. Ngoài ra, trẻ có thể giảm bớt áp lực học hành hay việc chạy theo thành tích của nhà trường.
Tại Việt Nam, mô hình này cũng đã xuất hiện nhiều năm trở lại đây và hiện đang trở thành nhu cầu của không ít phụ huynh.
Những ngày gần đây, các phụ huynh dành sự quan tâm đặc biệt tới trường hợp 2 học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh được bố mẹ cho nghỉ học hẳn ở trường để về nhà tự học, dưới sự hướng dẫn của bố, mẹ.
Cụ thể, là giảng viên Học viện Bưu chính Viễn Thông tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ông Đặng Quốc Anh (ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận thấy cách dạy học ở nhà trường với chương trình nặng, nhiều hình phạt không mang tính giáo dục… nên ông đã nghỉ ở nhà để chăm sóc, dạy dỗ con cái.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nếu Việt Nam muốn áp dụng mô hình homeschooling thì cần có những quy chế, quy định cụ thể (Ảnh: Thùy Linh) |
Sau khi câu chuyện dạy dỗ con cái của gia đình ông Đặng Quốc Anh đã có nhiều cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề này, không ít phụ huynh ủng hộ cách cho con ở nhà tự học, nhiều chuyên gia lại cho rằng như vậy là quá mạo hiểm với tương lai của con và không phải phụ huynh nào cũng đủ tiềm lực về kinh tế, thời gian và cả tri thức để dạy con ở tất cả các lĩnh vực như thế.
Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến cho rằng, cha mẹ không nên làm mất đi quyền lợi học tập cùng cộng đồng của con cái mình.
Có nên tồn tại mô hình homeschooling? |
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng:
Phương pháp tự học mà không đến trường các nước trên thế giới đã làm từ lâu nhưng họ có quy chế rõ ràng. Nhưng đến nay, chúng ta chưa có quy chế nào quy định về việc này cho học sinh khối phổ thông.
Do vậy, thầy Lâm cho rằng, nếu Việt Nam muốn áp dụng mô hình homeschooling thì cần có những quy chế, quy định cụ thể đối với các phụ huynh về điều kiện thực hiện, nội dung thực hiện, cách kiểm tra đánh giá, đặc biệt có sự liên kết chứ không thể ai cũng có thể bắt con nghỉ học ở nhà để tự dạy con.
Cũng theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, nếu phụ huynh nào cũng để con ở nhà “đóng cửa dạy dỗ” thì sẽ rất nguy hại.
“Việc học sinh tương tác với bạn bè còn quan trọng hơn cả tương tác với bố mẹ hay thầy cô vì chúng ở cùng độ tuổi, cùng tâm sinh lý sẽ kích thích sự phát triển của nhau”, thầy Lâm lưu ý.
Thầy Tùng Lâm minh chứng, mô hình homeschooling được triển khai ở các nước tiên tiến như Mỹ, Canada thì các gia đình áp dụng phải tập trung lại với nhau hàng tuần, phối hợp với nhau tạo sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, cùng cho con cái tham gia các hoạt động cộng đồng chứ không phải nhà nào biết nhà nấy.