Giáo viên bức xúc với so sánh viên chức làm 8 tiếng/ngày!

15/01/2021 06:49
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu tất cả giáo viên cùng vào trường làm việc hành chính 8 tiếng/ngày thì họ ngồi ở đâu để làm việc, nhất là những trường loại I ở khu vực đô thị?

Ngày 14/1/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường của tác giả Nhật Khoa, bài viết này đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả.

Đặc biệt, ngay sau khi bài viết được đăng tải thì đã có rất nhiều phản hồi từ bạn đọc và phần lớn các phản hồi không đồng tình với quan điểm đã nêu trong bài viết của tác giả Nhật Khoa.

Chúng tôi cho rằng vấn đề mà tác giả Nhật Khoa nêu trong bài viết cũng có những cái lý riêng nhưng có lẽ nó sẽ không phù hợp với đặc điểm, tình hình công việc của các trường học phổ thông ở nước ta hiện nay.

Ngoài giờ lên lớp thì giáo viên còn phải làm rất nhiều công việc trường lớp lúc ở nhà (Ảnh minh họa: baonghean.vn).

Ngoài giờ lên lớp thì giáo viên còn phải làm rất nhiều công việc trường lớp lúc ở nhà

(Ảnh minh họa: baonghean.vn).

Phần lớn giáo viên đang làm việc hơn 40 tiếng/ tuần

Hiện nay, giáo viên phổ thông đang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, công tác theo quy định của nhà nước. Đó là dạy theo số tiết quy định của từng cấp học (tác giả Nhật Khoa đã trích dẫn) và thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của thủ trưởng đơn vị.

Vì thế, nếu giáo viên dạy thiếu tiết thì Hiệu trưởng nhà trường có thể phân công thực hiện một số nhiệm vụ khác cho đủ số tiết quy định và điều này các nhà trường đã và đang thực hiện.

Nếu giáo viên dạy thừa tiết theo quy định thì giáo viên sẽ được hưởng tiền thừa giờ. Tuy nhiên, chuyện giáo viên được tính tiền thừa giờ những năm gần đây rất hiếm vì thực hiện khoán kinh phí cho từng đơn vị nên Ban giám hiệu nhà trường luôn tính toán đúng định biên để không phát sinh thừa giờ trong năm học.

Việc phân công nhiệm vụ của các trường học hiện nay cũng đang được Phòng, Sở Giáo dục (tùy cấp quản lý) phê duyệt rất kĩ. Đầu năm học, khi Ban giám hiệu phân công nhiệm vụ cán bộ, giáo viên, nhân viên thì các kế hoạch này đều phải thông qua cấp quản lý trực tiếp.

Vì thế, nếu tính như tác giả Nhật Khoa thì giáo viên dạy tiểu học 23 tiết (35 phút/ tiết) và giáo viên trung học cơ sở 19 tiết và trung học phổ thông là 17 tiết (mỗi tiết/ 45 phút) thì rõ ràng mỗi tuần chưa đủ 5 ngày và mỗi ngày có 8 tiếng ở trường như những công chức, viên chức làm việc hành chính.

Nhưng, thử hỏi có giáo viên nào ngoài việc dạy số tiết theo quy định mà về nhà không phải làm việc trường, việc lớp hay không?

Khi đã lên lớp thì không thể lơ là được mà thường là giáo viên phải “cháy” hết mình trước học trò. Thời gian làm việc trên lớp thường liên tục, căng thẳng với rất nhiều “vai” khác nhau. Mỗi lớp có sĩ số 45, thậm chí là trên 50 học trò nên bao giờ giáo viên cũng phải nói to hết cỡ…

Buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ thì giáo viên vẫn tất bật với giáo án, chấm bài, kế hoạch, bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn, vận động học sinh, tham gia hoạt động ngoại khóa cùng học sinh...

Thậm chí, theo luật Lao động thì công chức, viên chức được nghỉ các ngày Lễ như: ngày Tết dương lịch; giỗ Tổ; ngày 30/4; 1/5; ngày 2/9...theo quy định. Thế nhưng, giáo viên chưa bao giờ được “nghỉ không” các ngày này. Cứ nghỉ là thầy và trò phải dạy và học bù.

Đành rằng là có tình trạng giáo viên dạy thêm, làm thêm, bán hàng online như tác giả Nhật Khoa nói nhưng đó là khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ở trường, chứ ai dám bỏ việc đứng lớp để đi làm thêm?

Nếu tất cả giáo viên cùng làm việc 8 tiếng ở trường

Tác giả Nhật Khoa lại đặt vấn đề: “Để chấm dứt việc giáo viên không làm hết hoặc thực hiện công việc chậm trễ hạn chế giáo viên vi phạm về thời gian, giáo viên dạy thêm giờ hành chính,… thì việc quy định mỗi giáo viên làm việc giờ hành chính là một vấn đề tất yếu.

Nếu giáo viên cùng vào trường làm việc 8 giờ/ngày theo giờ hành chính thì đa số mọi công việc trên được giáo viên thực hiện tốt, giáo viên sẽ được tham gia hoạt động tập thể nhiều hơn, sinh hoạt chuyên môn nhiều hơn, các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn, công việc chấm, trả bài cho học sinh,…sẽ được đảm bảo.

Khi đó đương nhiên tinh thần đoàn kết trong trường sẽ tăng lên, giáo viên làm việc hiệu quả hơn, học sinh chắc chắn sẽ học tốt hơn, thương yêu thầy cô hơn, bạo lực học đường cũng từ từ biến mất.

Tôi cho rằng giáo viên làm việc giờ hành chính tại trường chính là điều mà phụ huynh mong muốn và được một số giáo viên mong muốn để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Giáo viên làm việc giờ hành chính tại trường thì đa số mọi công việc của giáo viên được giải quyết, hạn chế tình trạng giáo viên dạy thêm, học sinh cũng hạn chế học thêm mà thay vào đó là tham gia các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, thể dục thể thao, tự học,…dưới sự hướng dẫn của giáo viên”.

Riêng, cá nhân tôi không cho là như vậy bởi các lý do như sau:

Thứ nhất: nếu trong trường mà có giáo viên “không làm hết hoặc thực hiện công việc chậm trễ” thì thử hỏi giáo viên đó có tồn tại trong môi trường giáo dục được hay không?

Chẳng hạn, chỉ cần khi kiểm tra học kỳ, nếu giáo viên vào điểm trễ thì cả trường phải đợi để tổng kết vì phần mềm điểm không tổng kết được cho học trò.

Nếu có giáo viên như vậy mà tổ chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường để yên cho hay sao? Vậy, sinh ra Ban giám hiệu, tổ chuyên môn để làm gì?

Thứ hai: sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường, tổ chuyên môn cũng phải có kế hoạch chứ đâu phải ngày nào cũng vào sinh hoạt chuyên môn hay sao?

Làm gì có chuyện giáo viên làm việc 8 tiếng ở trường thì “sẽ được tham gia hoạt động tập thể nhiều hơn, sinh hoạt chuyên môn nhiều hơn, các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn..” như tác giả Nhật Khoa nêu ý kiến?

Thứ ba: tác giả Nhật Khoa cho rằng nếu giáo viên làm việc 8 tiếng ở trường thì “bạo lực học đường cũng từ từ biến mất” là chưa thực sự có cái nhìn khách quan về tình trạng bạo lực học đường hiện nay.

Bởi, cho dù làm việc hành chính 8 tiếng/ ngày thì đến giờ giáo viên vào, hết giờ giáo viên về. Giờ hành chính thì các lớp đều vào học, trong lớp có giáo viên bộ môn, bên ngoài có bộ phận ngoài giờ, bảo vệ nhà trường.

Chẳng lẽ, giáo viên làm việc hành chính thì họ đứng ngoài sân để canh học trò nhằm hạn chế bạo lực học đường hay sao? Trong trường học các nhiệm vụ thường được phân công rất cụ thể cho từng vị trí việc làm.

Thứ tư: nếu tất cả giáo viên cùng vào trường làm việc hành chính thì họ ngồi ở đâu để làm việc, nhất là những trường loại I ở khu vực đô thị?

Trong trường học hiện nay làm gì có phòng riêng để giáo viên cả trường vào làm việc hành chính? Nhiều trường học ở thành phố bây giờ đến phòng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng còn chưa có.

Thậm chí có những trường học hiện nay, tất cả ban giám hiệu, nhân viên nhà trường cùng ngồi làm việc chung ở 1 một phòng học (bố trí thành phòng chức năng) thì giáo viên lấy đâu ra phòng để ngồi làm việc như soạn giáo án, chấm bài, nhập điểm...?

Mỗi trường thường có một phòng giáo viên nhưng thông thường đây là 1 phòng học để giáo viên ngồi chờ, nghỉ ngơi khi hết tiết hoặc chưa đến tiết. Và, phòng này cũng được bố trí để các tổ chuyên môn họp chuyên môn hàng tuần theo ngày bộ môn.

Vậy, chẳng lẽ giáo viên kê một cái bàn ngoài sân trường để soạn giáo án, làm kế hoạch hay kê gối lên để…chấm bài?

Thực ra, còn nhiều vấn đề nữa mà trong phạm vi một bài báo chúng tôi không thể nói hết ý. Song, vấn đề mà tác giả Nhật Khoa nêu trong bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường có lẽ nó không hoặc chưa phù hợp với thực tế giáo dục nước ta hiện nay.

Những điều không hoặc chưa phù hợp đó thì tác giả có thể đọc thêm các phản hồi của bạn đọc dưới bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường của mình!

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/rat-nhieu-giao-vien-pho-thong-lam-viec-khong-du-8-gio-ngay-tai-truong-post214383.gd

NHẬT DUY