Giáo viên rất ngại chấm thi tuyển sinh 10, áp lực lớn thù lao thấp

30/07/2020 08:26
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên được điều động đi chấm thi tuyển sinh 10 rất áp lực nhưng chế độ trả thù lao của các địa phương đang khác nhau và có những địa phương chi trả quá thấp.

Kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2020-2021 trên cả nước đến thời điểm này đã cơ bản hoàn tất nhưng những dư âm còn đọng lại trong tâm trí mỗi thầy cô được điều động tham gia công tác chấm thi có lẽ chưa thể hết được.

Áp lực của giáo viên tham gia làm công tác chấm thi trong kỳ thi này còn lớn hơn rất nhiều kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (trước đây) và kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (năm nay).

Thế nhưng, chế độ thù lao chi trả cho cán bộ, giáo viên đi chấm thi của nhiều địa phương hiện nay rất bèo bọt, số tiền mà giáo viên nhận được thậm chí còn không đủ tiền nước, tiền ăn cơm bình dân trong ngày.

Vì vậy, giáo viên thường tìm cách né khi bị điều động bởi thù lao thì chỉ mang tính tượng trưng mà nếu có sơ suất gì thì bị kỷ luật như chơi, ảnh hưởng đến uy tín, sự nghiệp của bản thân.

Các giám khảo chấm thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tiến hành chấm chung và thảo luận để thống nhất cách chấm. Ảnh minh họa: baobinhdinh.com.vn.

Các giám khảo chấm thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tiến hành chấm chung và thảo luận để thống nhất cách chấm. Ảnh minh họa: baobinhdinh.com.vn.

Quy trình chấm thi nghiêm ngặt, áp lực cực lớn

Mỗi năm đến kỳ thi tuyển sinh 10 thì việc các địa phương bắt buộc phải điều động cán bộ, giáo viên đi tham gia coi thi, chấm thi để hoàn thành công tác tuyển sinh hàng năm là điều đương nhiên.

Nhưng đây là thời điểm năm học đã kết thúc- giáo viên được nghỉ hè theo quy định hiện hành nên việc điều động giáo viên thì Sở Giáo dục phải chi trả thù lao cho những người tham gia làm nhiệm vụ.

Áp lực đi chấm thi rất lớn bởi nó gần như phải tuyệt đối chính xác vì giám khảo chấm 2 vòng độc lập ở 2 phòng khác nhau. Giám khảo 1 chấm trên 1 phiếu riêng, không để lại dấu vết trên tờ giấy thi của thí sinh.

Giám khảo 2 chấm trực tiếp trên bài thi của thí sinh. Sau đó, 2 giám khảo phải ngồi lại để thống nhất mức điểm chấm để cho điểm cuối cùng và ghi điểm vào ô cho điểm cả số và chữ.

Những môn tự nhiên thì còn ít độ chênh lệch nhưng những môn xã hội thường có sự chênh lệch giữa 2 giám khảo. Vì thế, trước khi chấm thì Hội đồng chấm thí phải chấm thử 10 bài để thống nhất mức cho điểm.

Chỉ cần một vài phút mà giám khảo lơ đễnh là bài thi có sự chênh lệch lớn nên khi chấm thi gần như giáo viên phải tập trung cao độ và làm việc nghiêm túc để ra kết quả chính xác.

Sau khi giám khảo 1, 2 thống nhất điểm, dò lại từng con điểm nhỏ, điểm tổng, ký tên thì nộp bài cho tổ trưởng chấm thi và tổ trưởng chấm thi nộp cho hội đồng chấm thi.

Hội đồng chấm thi lại chọn xác suất để cho những giám khảo chấm kiểm tra lại một lần nữa.

Vì thế, quy trình chấm thi tuyển sinh 10 thường trải qua một quy trình độc lập, nhiều công đoạn mà nếu người chấm thi làm việc không nghiêm túc thì bị kỷ luật như chơi.

Hơn nữa, sau khi công bố điểm thi, có thí sinh còn làm đơn phúc khảo, Sở lại phải chấm phúc khảo và nếu như số điểm chênh lệch lớn thì phải triệu tập các giám khảo chấm thi đến đối chứng với người chấm phúc khảo.

Giáo viên né đi chấm thi vì quá áp lực mà thù lao thì quá thấp

Công việc chấm thi rất áp lực nhưng chế độ chi trả thù lao cho việc chấm thi tuyển sinh 10 của các địa phương rất khác nhau nhau và có những địa phương chi trả quá thấp, chưa tương xứng với công việc.

Tham khảo về chế độ mà các địa phương chi trả cho hội đồng chấm thi của nhiều địa phương trên cả nước, chúng tôi thấy các địa phương chi trả dao động từ 8.000- 15.000 đồng/ 1 bài thi/ 2 giám khảo.

Có địa phương chi trả trực tiếp số tiền này cho 2 giám khảo chấm thi, có địa phương cộng cả số lượng (giám khảo+ tổ trưởng, tổ phó của mỗi tổ) rồi chia đều số tiền này nên số tiền còn bị chia nhỏ ra. Có địa phương thì cộng gộp cả việc làm phách và chấm thi lại với nhau.

Chẳng hạn như năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa công bố số tiền chấm thi tuyển sinh 10 của địa phương này là 12.000 đồng/1 bài thi [1].

Như vậy, vừa làm phách, vừa chấm thi thì mỗi bài được 12.000 đồng/ 2 giám khảo- mỗi người được 6.000 đồng/1 bài thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang từ năm 2016 cho đến nay vẫn thực hiện chi trả theo Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh là 8.000 đồng/1 bài/ 2 giám thị nhưng cuối đợt chấm thi thì cộng cả tổ trưởng, tổ phó để chia đều số tiền này [2].

Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên thực hiện theo Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 21/8/2018 chi trả 15.000 đồng/1 bài/2 giám khảo [3]…

Mức chi cho công tác tuyển sinh 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa trong năm nay. (Ảnh: Kim Oanh).

Mức chi cho công tác tuyển sinh 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa trong năm nay. (Ảnh: Kim Oanh).

Như phần trên chúng tôi đã trình bày về quy trình chấm thì chúng ta thấy trung bình mỗi ngày chấm thi, 2 giáo viên chỉ chấm được khoảng 2 phòng (48 bài) vì chấm rồi còn phải thống nhất điểm, vào phiếu điểm…

Nhưng trước khi chấm thi riêng thì phải chấm Hội đồng 10 bài đầu tiên để thống nhất đáp án toàn hội đồng chấm nên mất thời gian cả ngày chưa xong, nhất là đối với môn Ngữ văn thì số lượng bài thi hơn chục trang giấy là rất nhiều. Những môn tự nhiên, tiếng Anh thì có phần nhanh hơn.

Khi chi trả tiền thì lao thì Sở sẽ lấy tổng bài thi nhân với số tiền theo quy định rồi chia cho tổng giáo viên cả hội đồng chấm hoặc chia theo số lượng giáo viên từng phòng tương ứng với số lượng bài chấm.

Vì vậy, có những địa phương sau đợt chấm thi thì giám khảo nhận trung bình mỗi ngày được khoảng 100-120 ngàn đồng, một số địa phương có phần cao hơn một chút nhưng đa phần khoảng trên dưới 200 ngàn đồng/ 1 ngày.

Trong khi, các Hội đồng chấm thi đều đặt ở trung tâm của các tỉnh (thành phố) nên những giáo viên ở xa phải chi tiền cơm nước trong ngày thì số tiền này gần như không còn.

Vậy nên, mỗi khi điều động giáo viên thì Ban giám hiệu nhà trường luôn phải động viên, thuyết phục bởi chẳng ai muốn đi chấm thi trong những ngày hè oi bức, công việc áp lực, vất vả mà số tiền thù lao lại quá bèo bọt…

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thanhhoa.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ke-hoach-tai-chinh/huong-dan-kinh-phi-to-chuc-ky-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-thpt.html

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Quyet-dinh-29-2016-QD-UBND-noi-dung-muc-chi-cac-ky-thi-hoi-thi-che-do-ho-tro-nganh-Giao-duc-An-Giang-319101.aspx

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Quyet-dinh-19-2018-QD-UBND-chi-phuc-vu-ky-thi-nganh-giao-duc-dao-tao-Thai-Nguyen-392842.aspx

KIM OANH