Giáo viên tư thục làm giúp việc, bán cơm để mưu sinh trong thời dịch Covid-19

11/03/2020 06:09
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhiều giáo viên hợp đồng, giáo viên các trường tư thục phải làm thêm các công việc khác nhau để mưu sinh trong bối cảnh các trường học đóng cửa.

Trước Tết, cô giáo N.T.X (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được nhận thỉnh giảng với thù lao khoảng 30.000 đồng/ ngày.

Mặc dù với mức tiền thấp như vậy nhưng cô giáo X. vẫn cố gắng duy trì cuộc sống và hoàn thành tốt việc giảng dạy.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học buộc phải đóng cửa, cô X. cũng mất đi nguồn thu nhập duy nhất của mình.

Gần 2 tháng nay, cô X. có thêm nghề mới – nghề giúp việc. Thời gian rảnh rỗi, cô tranh thủ đan hạt kiếm thêm thu nhập.

Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!
Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!

Cô X. tâm sự: “Trước đây, tôi đi dạy được hưởng tiền công 30.000 đồng/ tiết học.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trường học đóng cửa cho nên nguồn thu nhập cũng không còn.

Chính vì thế tôi phải làm thêm nhiều công việc khác nhau để có thêm thu nhập.

Khi tôi làm giúp việc thời gian đầu cũng ngại vì mình làm theo giờ. Có những lần mình làm ngay cho gia đình của học sinh. 

Học sinh, phụ huynh cũng thương thường trả công cao hơn. Biết làm sao được, nghề giáo cũng là một nghề. Khi khó khăn thì phải bắt buộc tìm đường sống thôi”.

Trường học đóng cửa, cô giáo Minh Hằng có thêm 1 nghề mới là nghề giữ trẻ và giúp việc tại gia. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cô Hằng phải nghỉ dạy ở nhà không lương. 

Gánh nặng kinh tế gia đình, cô Hằng không chịu ngồi bó gối. Thời gian rảnh rỗi cô Hằng bán hàng qua mạng và nhận trông trẻ tại nhà.

Nhiều trường tư thục đóng cửa giáo viên vất vả mưu sinh (Ảnh:T.H)
Nhiều trường tư thục đóng cửa giáo viên vất vả mưu sinh (Ảnh:T.H)

Cô Hằng giãi bày: “Đối với giáo viên trường tư thục như chúng tôi nghỉ làm không có lương. Nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp đã bị cho nghỉ việc. 

Chính vì thế bất kỳ công việc nào kiếm ra tiền và hợp pháp tôi cũng làm. Nếu dịch bệnh kéo dài mà các trường đóng cửa thì không biết chúng tôi sẽ sống như thế nào?”.

Mặc dù phải nghỉ ở nhà và đi làm thêm thế nhưng niềm an ủi của cô Hằng là công việc làm thêm vẫn liên quan đến chuyên môn và thu nhập cũng khá cao. Mức lương cô Hằng nhận được dao động khoảng từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/ ngày.

Không may mắn như cô Hằng, cô giáo Nguyệt Ánh (trường mầm non tư thục Hoa Mai) chỉ kiếm được khoảng trên dưới 100.000 đồng/ ngày nhờ mấy củ khoai hay gói kẹo me tự làm.

Cô Ánh nói: “Do trường học đóng cửa, kinh tế gia đình không khá giả lại phải nuôi con nhỏ nên tôi phải tính đến chuyện làm thêm. 

Thời gian này tôi lấy khoai về luộc bán và làm kẹo me. Rảnh chút thì học bán hàng trên mạng, bán bảo hiểm. 

Tuy nhiên thu nhập của các công việc này cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi rất mong dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, trường học mở cửa để chúng tôi có thể trở lại công việc bình thường”.

Giáo viên làm thêm nhiều công việc để có thêm thu nhập (Ảnh:V.N)
Giáo viên làm thêm nhiều công việc để có thêm thu nhập (Ảnh:V.N)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường tư thục buộc phải đóng cửa.

Không có nguồn thu giáo viên phải chấp nhận cảnh không có lương.

Vì thế dẫn đến tình trạng hàng loạt giáo viên, nhân viên nộp đơn xin nghỉ việc để tìm công việc khác.

Cô Nguyễn Thị Thảo Trinh, chủ trường mầm non tư thục Hoa Mai cho biết: Trường có 10 nhân viên bảo mẫu và giáo viên. Kể từ khi học sinh nghỉ do dịch Covid-19 đến nay đã có 7 người thông báo nghỉ việc.

Với tình hình hiện nay chủ trường cũng không có nguồn thu để trả lương cho giáo viên.

Chúng tôi cũng không dám trách ai vì ai cũng có cuộc sống riêng.

Cũng không thể bắt giáo viên ngồi đợi cho đến khi hết dịch được.

Tuy nhiên một vấn đề phát sinh sau này được nhiều chủ trường dự báo đó là tình trạng thiếu giáo viên nếu các trường hoạt động trở lại.

Các trường tư mong Chính phủ quan tâm, hỗ trợ bằng cơ chế chứ không xin tiền
Các trường tư mong Chính phủ quan tâm, hỗ trợ bằng cơ chế chứ không xin tiền

Theo cô giáo Phạm Thái Lê: Việc trả lương cho giáo viên trong thời điểm dịch Covid-19 phụ thuộc vào tiềm lực và lương tâm của các chủ trường tư thục.

Cô Lê phân tích: “Với các trường công lập, họ hưởng nguyên lương 12 tháng/năm kể cả nghỉ hè, lễ, tết.

Vì vậy, nghỉ hay dạy thì họ vẫn hưởng như thế, không thêm không bớt.  

Trong thời gian nghỉ, giáo viên vẫn làm việc, thậm chí làm nhiều việc khác ngày thường nên không thể nói họ, giáo viên, nghỉ chơi mà vẫn hưởng lương. 

Còn nghỉ hè, đương nhiên họ vẫn hưởng đủ. Vậy xét về tổng thể, giáo viên công lập không có gì bất thường về lương.

Đối với các trường ngoài công lập, nếu giáo viên nghỉ vẫn được hưởng lương thì phần thiệt sẽ thuộc về các chủ trường. 

Việc trả lương ở các trường ngoài công lập do lãnh đạo trường, chủ trường quyết định. Vì vậy, tháng 2 vừa rồi nghỉ có nơi trả lương, có nơi không trả hoặc trả không đủ. 

Nếu không được trả như khi đi dạy tôi thấy vẫn là bình thường.

Quỹ lương ngoài công lập thường hưởng từ 10-11 tháng /năm (tháng nghỉ hè giáo viên hưởng mức lương bảo hiểm) nên thời gian nghỉ họ không được trả thì khi dạy bù sẽ được trả”.

Mặc dù nghỉ dạy nhưng giáo viên vẫn phải làm nhiều công việc chuyên môn (Ảnh:vinhphuc.gov.vn)
Mặc dù nghỉ dạy nhưng giáo viên vẫn phải làm nhiều công việc chuyên môn (Ảnh:vinhphuc.gov.vn)

Trong thời điểm này, cô Lê cũng mong muốn các phụ huynh thông cảm và thấu hiểu cho giáo viên, không nên thắc mắc: Vì sao giáo viên nghỉ dạy vẫn được hưởng lương? Suy nghĩ như vậy là định kiến và hẹp hòi vì giáo viên không đến lớp nhưng vẫn phải làm nhiều công việc; vệ sinh trường lớp, soạn giáo án, dạy trực tuyến…

Đối với các giáo viên và chủ trường tư thục, họ sẵn sàng chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thế nhưng có một thực tế rằng, có nhiều giáo viên cho đây là một cơ hội để họ có thể bỏ nghề và kiếm tìm một công việc mới có thu nhập cao hơn.

Cô giáo N.T.X giãi bày: “Với mức lương nhận được từ công việc làm thêm tôi không có ý định quay lại bục giảng để nhận 30.000 đồng/tiết học và vô số áp lực đổ lên đầu. Tôi sẽ bỏ việc từ đây”.

Theo Bộ luật Lao động hiện hành, đây là quãng thời gian người lao động nghỉ làm việc do dịch bệnh, được xác định là quãng thời gian ngừng việc. Thời gian ngừng việc thể hiện ở 3 nội dung sau:

Thứ nhất, nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;

Thứ hai, nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương, những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

Thứ ba, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Như vậy, thời gian giáo viên nghỉ dạy là theo sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, mà cụ thể là Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên nghỉ dạy trong trường hợp này do nguyên nhân khách quan dịch bệnh.

Các đơn vị sự nghiệp công lập (nhà trường) có nghĩa vụ thanh toán lương cho người lao động (giáo viên, người lao động) và các loại phụ cấp theo quy định nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Các khoản phụ cấp đó là: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp lưu động, phụ cấp khu vực… theo quy định của Luật Viên chức 2010, Luật Giáo dục 2005 (sắp thay thế bởi Luật Giáo dục 2019) và Bộ luật Lao động 2013.

Vũ Ninh