GS Ngô Bảo Châu: Học sinh vùng khó khăn khó có SGK điện tử

26/06/2013 14:37
Xuân Trung
(GDVN) - “Nếu không nghiên cứu kĩ để có giải pháp đưa SGK điện tử - Classbook về các vùng sâu, vùng xa thì học sinh khó có cơ hội tiếp cận. Thực tế, loại sách này chỉ phổ biến ở thành thị”.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về sự kiện NXB Giáo dục vừa cho ra đời bộ sách giáo khoa điện tử đầu tiên tại Việt Nam. Bộ sách có tên gọi tiếng Anh là Classbook do NXB Giáo dục Việt Nam triển khai. Theo nhiều nhà phân tích giáo dục, sự ra đời của Classbook là một bước đột phá về SGK hiện nay, đồng thời góp phần cải tiến cách dạy và học, đặc biệt học sinh các cấp sẽ hạn chế mang SGK tới trường, thay vào đó các em chỉ mang một công cụ duy nhất là Classbook. Theo ông Ngô Trần Ái - Giám đốc NXB Giáo dục, công cụ SGK điện tử sẽ là thiết thị hỗ trợ làm bài tập, tạo nên sự tương tác giữa người dùng và nâng cao sự hiểu biết cho người học. Đối với giáo viên, Classbook sẽ tạo điều kiện làm tăng tính hiệu quả, sự tương tác, tiện lợi trong tra cứu và xây dựng giáo án.
Công dụng của SGK điện tử được nhiều người dùng đánh giá cao, hiện sách đang được triển khai thi điểm tại hơn 100 trường từ cấp Tiểu học tới THPT trong cả nước. Ảnh Xuân Trung
Công dụng của SGK điện tử được nhiều người dùng đánh giá cao, hiện sách đang được triển khai thi điểm tại hơn 100 trường từ cấp Tiểu học tới THPT trong cả nước. Ảnh Xuân Trung
Công cụ SGK điện tử lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, rất nhiều phụ huynh lo ngại học sinh sẽ mượn đó để chơi game và làm những việc khác. Lãnh đạo NXB Giáo dục cũng khẳng định, không có chuyện đó, vì thực tế SGK điện tử chỉ có chức năng đọc sách, truy cập các trang sách và cập nhật ứng dụng cho sách. Không tự do truy cập Internet, thậm chí các ứng dụng ngoài cũng không tự do cài đặt được. Hiện tại, trong SGK điện tử này có 310 đầu SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Ngoài chức năng trên, SGK điện tử còn tỏ rõ ưu thế là một công cụ đa phương tiện khi tích hợp nhiều tính năng mới như nghe, xem ngay trên thiết bị. Ngoài ra, sách còn có chức năng tự đánh giá mức độ hiểu bài của học sinh tới đâu. Nhận xét về bộ sách này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng khẳng định, bộ sách này có rất nhiều ý nghĩa, có nhiều ưu thế cho công tác học tập của học sinh và giáo viên. Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu cho biết, ông rất thích bộ sách này. Bộ sách giúp cho không chỉ học sinh mà các thầy cô và toàn thể  cha mẹ học sinh có thể biết được chương trình học. “Bộ sách đồng thời có từ lớp 1 đến lớp 12, cha mẹ có thể theo dõi được học kì tới con mình học cái gì, năm tới học cái gì”. GS Ngô Bảo Châu cũng phân vân, công cụ hiện đại và tiên tiến là thế nhưng cần phải nghiên cứu thêm xem các thầy cô còn cần những nhu cầu gì, liệu thiết bị này có phụ vụ được đúng nhu cầu của thầy cô hay không? Và liệu học sinh có thể mang thiết bị này thay cho cặp SGK hay không?
GS Ngô Bảo Châu cho biết, SGK điện tử là bước đột phá, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm để đáp ứng đúng nhu cầu của giáo viên và học sinh hơn nữa. Ảnh Xuân Trung
GS Ngô Bảo Châu cho biết, SGK điện tử là bước đột phá, tuy nhiên cần nghiên cứu thêm để đáp ứng đúng nhu cầu của giáo viên và học sinh hơn nữa. Ảnh Xuân Trung
“Tôi rất hy vọng có thể giải quyết được vấn đề mà phụ huynh cũng như mọi người quan tâm là học sinh bớt mang sách vở nhiều khi tới trường” GS Châu kỳ vọng. Chia sẻ tiếp, GS Châu nói, ở nước ngoài nhiều nước cũng đã ứng dụng SGK điện tử vào trường học nhưng chưa có nước nào ứng dụng một cách tổng thể như ở Việt Nam. Ở nước ngoài không có một sản phẩm chung cho toàn bộ cấp học. “Tôi có thể nói, so với phương pháp truyền thống thì Classbook có cải tiến hơn, nhưng mặt nói chung tôi rất thích thiết bị này. Tuy nhiên, cần tâp trung vào một số tiện ích có lợi, hiệu quả cho học sinh, của thầy cô giáo và sự theo dõi của phụ huynh” GS Châu đề nghị. Ưu điểm của SGK điện tử được nhiều người thừa nhận. Tuy nhiên, nếu chỉ so học sinh ở thành phố thì cập nhật công nghệ không còn khó khăn, với thiết bị Classbook này học sinh vùng sâu, vùng xa khó mà tiếp cận được. GS Ngô Bảo Châu đồng quan điểm khi nhấn mạnh, quyển sách điện từ này không phải là rẻ (4,8 triệu đồng), đây là một cản trở với học sinh vùng khó khăn. Theo ý của GS Châu cần phải tìm cách khác nhau để học sinh các nơi được tiếp cận với sách điện tử, không thể để hai học sinh đi học, em thì mang sách giấy, em thì mang thiết bị điện tử. “Xu hướng số hóa sách là xu hướng không thể cưỡng lại được, cá nhân tôi rất yêu sách, khi mở trang sách mùi thấy giấy tôi rất thích. Và tạo cảm hứng khi đọc sách không nhất thiết là sách có vai trò đó mà còn ở các thầy cô giáo nữa. Theo tôi, chương trình trong sách không nên thay đổi quá nhiều, không nên tham rồi nhồi nhét, phải giữ chương trình học cho thật ổn định” GS Ngô Bảo Châu nêu quan điểm.
Lần về nước trong dịp hè của GS Ngô Bảo Châu tới ngày 2/9/2013. Trong thời gian ở tại Việt Nam, GS Châu cùng các lãnh đạo Viện Toán sẽ tổ chức một số hội nghị tại Viện bàn chuyên môn. Ngoài công việc của Viện, GS Châu còn chú trọng cho trang mạng Học Thế Nào.

Đầu tháng 7 tới GS Châu cùng cộng sự sẽ tổ chức các lớp học hè về Toán. Trong chương trình hè này (khoảng 2 tuần) không chỉ có những sinh viên Việt Nam mà còn mở  rộng thêm sinh viên các nước trong khối Asean tham gia.
Xuân Trung