GS Phan Huy Lê chỉ ra 'khuyết tật' lớn nhất của giáo dục Việt Nam

11/04/2013 07:54
Quyên Quyên
(GDVN) - "Khuyết tật trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay không phải các khuyết tật nhỏ trong từng bộ phận mà là khuyết tật mang tính hệ thống".
Năm 2011, kỳ thi đại học của nước ta đã chứng kiến hàng nghìn điểm 0 môn Sử. Đây là một câu chuyện buồn của ngành giáo dục. Năm 2012, môn Sử bị loại khỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Gần đây nhất dư luận lại xôn xao với clip HS trường THPT Nguyễn Hiền (TP.Hồ Chí Minh) đồng loạt xé và ném đề cương môn Sử.

Bàn luận về những sự việc liên quan trên, PV Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện cùng GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam.

Thưa GS, sau một loạt các sự kiện đáng buồn liên quan đến môn Lịch sử trong thời gian qua, GS thấy có những yêu cầu cấp bách nào?

GS Phan Huy Lê: Không chỉ riêng Lịch sử, mà toàn bộ nền giáo dục phổ thông đã đến lúc phải có thay đổi căn bản. Tại văn kiện của Đại hội XI nói cần đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục, tôi muốn dùng từ rõ ràng hơn là phải có một cuộc cải cách toàn diện và triệt để. 

Nền giáo dục Việt Nam đã qua mấy lần cải cách rồi nhưng chưa bao giờ cấp thiết, bức xúc bằng lúc này. Nền giáo dục đã có những cố gắng mặt này, mặt khác, điều này không thể phủ nhận, nhưng hiện đang ở trong tình trạng chất lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Dù nói rằng nền giáo dục là then chốt, là quốc sách hàng đầu, nhưng với tình trạng không đổi mới như hiện nay thì nền giáo dục lại là nhân tố đáng kể làm chậm sự phát triển của đất nước. Trong cải cách toàn diện và triệt để toàn bộ nền giáo dục, môn Sử mới thoát ra khỏi những khiếm khuyết, hạn chế hiện nay.

GS Phan Huy Lê: "Khuyết tật trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay không phải các khuyết tật nhỏ trong từng bộ phận mà là khuyết tật mang tính hệ thống".
GS Phan Huy Lê: "Khuyết tật trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay không phải các khuyết tật nhỏ trong từng bộ phận mà là khuyết tật mang tính hệ thống".

Những khiếm khuyết, hạn chế đó là gì, thưa GS?

GS Phan Huy Lê: Khuyết tật trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay không phải các khuyết tật nhỏ trong từng bộ phận mà là khuyết tật mang tính hệ thống. Vì vậy cần cải cách toàn bộ hệ thống, mà trước hết là phải có nhận thức đúng, có người gọi là triết lý hay tư duy giáo dục. Vấn đề cốt lõi đặt ra là cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của nền giáo dục không phải trên lý thuyết giáo dục chung chung mà phái xuất phát từ thực tế của đất nước và yêu cầu của nguồn nhân lực trong một định hướng lâu dài. Đồng thời kinh nghiệm thành công của các nước thế giới cần được nghiên cứu và tiếp thu, vận dụng một cách phù hợp. Từ nhận thức đó, cần xây dựng lại cấu trúc của cả hệ thống giáo dục quốc dân. Chỉ trên cơ sở cải cách toàn bộ như vậy, môn Sử mới có được vị thế đúng với chức năng, nhiệm vụ của nó trong nền giáo dục phổ thông. 

Riêng môn Sử, giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có biên bản ghi nhớ phối hợp nghiên cứu nhằm khắc phục các yếu kém hiện nay và nâng cao chất lượng đào tạo. Hai bên đã hợp tác tổ chức Hội thảo quốc gia về dạy Lịch sử ở trường phổ thông tại Đà Nẵng ngày 18-19/8/2012 với sự tham gia của hàng trăm nhà giáo, nhà quản lý và nhà sử học. Hội thảo đã thành công trong việc thống nhất đánh giá thực trạng giáo dục môn Sử, nguyên nhân các yếu kém và đề xuất các giải pháp khắc phục lâu dài và trước mắt. Rất tiếc từ đó đến nay, các đề xuất của hội thảo chưa được nghiên cứu và triển khai. 

Như vậy, đối với môn Sử, theo GS cần khắc phục cụ thể từng vấn đề như thế nào? 

GS Phan Huy Lê: Thứ nhất, đến lúc phải nhận thức lại vị thế của môn Sử cho đúng. Đây là điều cơ bản nhất. Nếu đặt môn Sử là môn phụ như hiện nay thì tôi nhấn mạnh hệ lụy của nó với lớp trẻ là khôn lường, rất nguy hiểm.

Trên cơ sở nhận thức rõ ràng, đúng đắn cần phải xác định mục tiêu, yêu cầu môn Sử hay nói cách khác là dạy và học Lịch sử nhằm mục tiêu gì? Dạy và học những cái gì? Không phải dạy Sử là để thuộc lòng một số sự kiện, nhân vật, số liệu... Thực ra tất cả mọi sự kiện rồi sẽ qua đi, không thể nhớ hết được, nhất là trong thời công nghệ tin học hiện đại, có công cụ tra cứu thay bộ nhớ, quan trọng nhất là rèn luyện tư duy, là thấm nhuần các giá trị lịch sử - văn hóa vào tâm trí lớp trẻ và lắng đọng dần thành phẩm chất, năng lực của các em, trở thành hành trang đi theo học sinh suốt cả cuộc đời. Đấy là nội dung SGK và phương pháp giảng dạy, học tập môn Sử. 

Muốn biên soạn SGK tốt thì cần xây dựng lại chương trình. Chương trình hiện nay có một số thay đổi nhưng vẫn rất bất cập. Cần nghiên cứu để chương trình môn Sử thể hiện rõ ràng mục tiêu, yêu cầu giáo dục của môn học trong nền giáo dục phổ thông cùng các nguyên tắc cơ bản trong phân bố chương trình cho các cấp, các lớp và yêu cầu cụ thể của mỗi cấp, mỗi lớp…

Chương trình hiện nay bố trí theo lối đồng tâm nên có phần lặp lại và khá tổn phí thời lượng. Lớp 12 chỉ học Lịch sử thế giới từ năm 1945 và Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000 nên đề thi thường hay trùng lặp. Đó cũng là những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu và xử lý thỏa đáng. Cách ra đề thi cũng cần được xem xét lại trên cơ sở kiểm nghiệm những kết quả đã qua.

Thưa GS, thực tế hiện nay là chương trình học ở bậc phổ thông còn rất nặng, tâm lý chung của học sinh là nếu không thi thì sẽ không học. Vậy cần phải làm gì để giúp lớp trẻ yêu thích môn Sử?

GS Phan Huy Lê: Tạo hiểu biết và hứng thú môn Sử cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của môn Sử trong nhà trường mà là trách nhiệm của cả xã hội. Điều này cần có sự phối hợp giữa giáo dục với xã hội, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tế cho thấy, Lịch sử đi vào học sinh qua nhiều kênh thông tin, nhiều phương thức thẩm thấu khác nhau, trong đó có những phương thức rất nhẹ nhàng, dễ được lớp trẻ hứng thú và tác động sâu sắc. Ví như tiểu thuyết lịch sử, truyện ký lịch sử, rồi nghệ thuật sân khấu với các phim, kịch lịch sử… Hệ thống bảo tàng cũng là một địa chỉ mang tính giáo dục lịch sử rất sinh động qua các hiện vật và các minh họa bằng sa bàn, tranh vẽ, phim phục dựng… Rồi ngoại khóa, du khảo, tham quan và giảng bài tại di tích lịch sử, gắn lịch sử với các di sản văn hóa… Tất nhiên phát huy các phương thức này, sự cố gắng của nhà trường không đủ và chỉ giới hạn trong mức độ nào đó, cần sự quan tâm của cả xã hội, sự đầu tư của nhà nước. Môn Sử trong nhà trường chịu trách nhiệm chủ yếu nhưng không thể tách khỏi sự quan tâm và tham gia của xã hội.

Thưa GS, dự thảo Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông của Bộ giáo dục và Đào tạo được thực hiện sau năm 2015. Như vậy, những thiết sót cũng phải chờ đến sau năm 2015?

GS Phan Huy Lê: Một cuộc cải cách lớn cần có thời gian nghiên cứu sâu sắc và sự chuẩn bị chu đáo. Tôi mong rằng trong quá trình nghiện cứu và chuẩn bị đó, Bộ GD&ĐT lắng nghe đầy đủ ý kiến đóng góp đầy tâm huyết và xác đáng của nhiều nhà giáo, nhà khoa học ở trong và ngoài nước. Đồng thời trong lúc nghiên cứu, nếu phát hiện những sai sót, khiếm khuyết của nền giáo dục hiện nay thì nên sớm xử lý, khắc phục kịp thời, không nên chờ đợi quá lâu. 

Ví dụ, không nên coi môn Sử là môn phụ hay một số kiến thức cấp thiết cần bổ sung ngay vào nội dung giảng dạy…

Hội Khoa học Lịch sử đã từng kiến nghị cần sớm bổ sung chủ quyền biển đảo, nhất là chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào nội dung SGK, lấp một khoảng trống rất đáng tiếc của SGK đang sử dụng. Đây không phải là biên soạn lại SGK mà bổ sung bằng những tư liệu cho học sinh và thày/cô giáo. Hội thảo về môn Sử của trường phổ thông tại Đà Nẵng cũng nêu lên khiếm khuyết mang tính thời sự này và đề nghị Bộ GD&ĐT nên sớm khắc phục. Nhận thức rõ trách nhiệm về vấn đề này, một số tỉnh mà đi đầu là tỉnh Quảng Ngãi, đã tự bổ sung vào chương trình giảng dạy môn Sử trong tỉnh.

Thế mà cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã tỏ thái độ đồng tình nhưng vẫn chưa triển khai. Sự chậm trễ về việc bổ sung những nội dung cơ bản và cấp thiết như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến yêu cầu giáo dục môn Sử, nhất là chuẩn bị cho lớp trẻ trở thành công dân làm tròn nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này!
Quyên Quyên