GS. Phan Huy Lê: Đề thi Lịch sử phải đo được tấm lòng học sinh

23/04/2014 13:20
Xuân Trung
(GDVN) - Trong buổi tôn vinh những học sinh đạt giải quốc gia môn Lịch sử sáng nay, GS. Phan Huyb Lê bày tỏ, cần có cách ra đề khác so với hiện nay.
Lễ tuyên dương và trao thưởng cho học sinh đạt giải nhất, nhì, ba Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT được tổ chức trọng thể và trang nghiêm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám sáng nay đã làm không ít thầy, cô, học sinh, phụ huynh bồi hồi và xúc động.

Trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, với thầy cô, học sinh và phụ huynh, Nhà sử học, GS. NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam rất tán thành việc cần phải cải cách thi cử, trong đó có việc đổi mới ra đề thi. Trong chủ trương đó, GS. Lê cho rằng nếu chủ trương ra đề thi vẫn nặng về kiểm tra kiến thức, hiểu biết các sự kiện và một số vĩ nhân lịch sử nhất định thì rõ ràng phải thay đổi.

Các học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn sử được tuyên dương sáng nay. Ảnh Xuân Trung
Các học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn sử được tuyên dương sáng nay. Ảnh Xuân Trung
Trong tình hình môn Lịch sử chưa được như đúng vị thế vốn có, GS. Phan Huy Lê cho rằng việc tổ chức những buổi tuyên dương, trao thưởng như thế này là niềm khích lệ lớn cho học sinh và những người trẻ yêu lịch sử. 

Đề cập tới vấn đề cách ra đề thi môn lịch sử hiện nay ở các kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh ĐH, CĐ, theo GS. Lê đề thi lịch sử không phải là đo kiến thức học sinh, mà phải hiểu căn bản về phân tích, tổng hợp để thẩm định được những hiểu biết thực sự, đặc biệt là cách vận dụng hiểu biết đó của học sinh theo tư duy của mình. Đó là mang tính sáng tạo, phản ánh thực chất.

GS. Phan Huy Lê khẳng định, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ GD&ĐT cùng tiến hành cải cách thi môn sử nói chung và các kỳ thi quốc gia về môn sử.

Qua đây, GS. Lê cũng thông báo, từ năm 2014, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bộ GD&ĐT phối hợp với NXB Giáo dục thống nhất chủ trương có cuộc thi mang tính quốc gia với chủ đề: “Em yêu lịch sử”.

GS. Phan Huy Lê, ông Vũ Ngọc Hoàng-đứng giữa (Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ) và lãnh đạo Bộ GD&ĐT thắp hương tưởng nhớ tiền nhân ở nhà Thái học. Ảnh Xuân Trung
GS. Phan Huy Lê, ông Vũ Ngọc Hoàng-đứng giữa (Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ) và lãnh đạo Bộ GD&ĐT thắp hương tưởng nhớ tiền nhân ở nhà Thái học. Ảnh Xuân Trung

Đây là cuộc thi nhằm động viên, cổ vũ những học sinh, những lớp trẻ say mê tìm hiểu lịch sử dân tộc. Ở cuộc thi này đề thi sẽ ra hoàn toàn theo tinh thần mới, sẽ không đo kiến thức cụ thể của học sinh mà đo tấm lòng của học sinh, ý thức, nhận thức về lịch sử, những hiểu biết thực sự trong khối óc và trái tim của các em.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, giáo dục lịch sử đang được cả xã hội quan tâm, bên cạnh những bạn trẻ hăng say tìm hiểu lịch sử, những tấm gương hy sinh về đất nước, vững chắc tay súng bảo vệ biên cương thì vẫn còn bộ phận học sinh phổ thông học sử có phần giảm sút.

Điều này cho thấy, việc dạy học lịch sử tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập cần khắc phục. Giáo dục lịch sử trong nhà trường cần tập trung những giá trị cơ bản của văn hóa truyền thống và đạo lý dân tộc, những tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Bộ GD&ĐT chủ trương đổi mới cả cách tiếp cận nội dung, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, thông qua những kiến thức lịch sử để cho các em yêu thích bộ môn, tự hào là người Việt Nam.

Trong buổi sáng nay, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ phát triển sử học Việt Nam đã tuyên dương, trao thưởng cho 6 học sinh đạt giải nhất, 51 giải nhì, 73 giải ba và  87 giải khuyến khích. 

Trong lời chia sẻ của mình, GS. Phan Huy Lê khẳng định: “Chấn hưng và khôi phục vị thế, phát huy hết chức năng môn sử cần nghiên cứu và thực thi hệ thống các giải pháp đồng bộ từ nhận thức, vai trò và yêu cầu của môn sử đến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và học liên quan tới cả hệ thống đào tạo giáo viên dạy môn lịch sử”.
Xuân Trung