Viết tiếp bài “Tái cấu trúc giáo dục phổ thông: Quay về mô hình những năm 1960?”. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục giới thiệu bài viết của GS. TSKH. Phạm Sỹ Tiến (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), để góp thêm ý tưởng về phân luồng giáo dục phổ thông. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Bậc phổ thông gói gọn trong 10 năm
Thi là một khâu quan trọng trong giáo dục phổ thông. Ở Singapore, cuối lớp 6 học sinh tiểu học phải qua kỳ thi hoàn tất Tiểu học (Primary School Leaving Examination – PSLE). Trong cấu trúc lại giáo dục phổ thông, tuy không nên yêu cầu cao ở các kỳ thi, nhưng cần coi trọng thi để có chuẩn thực hiện việc phần luồng học sinh và xét tuyển vào đại học.
Khi tốt nghiệp THCS (lớp 7 theo cấu trúc mới), có thể lấy điểm tổng kết quá trình học tập để cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THCS. Với giấy chứng nhận đó, học sinh có thể đăng ký học tại các trường dạy nghề. Đối với học sinh muốn học tiếp THPT, cần yêu cầu dự một kỳ thi nghiêm túc với các môn Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ làm điều kiện vào học THPT (đến lớp 10).
|
Ảnh minh họa |
Khi tốt nghiệp THPT (lớp 10), cần thiết phải tổ chức một kỳ thi quốc gia rất nghiêm túc, với nội dung thi bao hàm hầu hết các môn học ở THPT, gồm 5 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Sử học và chọn một trong các môn Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học. Đề thi cần kiểm định sao cho có thể 85-90% số học sinh tốt nghiệp THPT sau 10 năm học tập. Nếu tỷ lệ đỗ quá thấp sẽ là gánh nặng cho xã hội. Với kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT nghiêm túc thì dù tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, nhưng vẫn có thể sử dụng làm căn cứ tuyển sinh của các trường đại học hay cao đẳng, trường nghề một cách rõ ràng và đảm bảo chất lượng nếu có một số quy định, ví dụ như sau:
Học sinh đạt 25 điểm là tốt nghiệp THPT (trung bình 5 điểm mỗi môn, không có môn bị điểm 0).
Điểm chuẩn để được xét vào học THNC có thể là 35 điểm (trung bình mỗi môn thi đạt 7 điểm trở lên, không có môn bị điểm 0). Học sinh đạt dưới chuẩn 35 điểm chỉ được đăng ký vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp, trường trung học nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề. Điểm chuẩn (35 điểm) có thể thay đổi cao hơn hoặc thấp hơn sao cho chỉ khoảng 50% số học sinh tốt nghiệp THPTđược vào THNC, chuẩn bị học đại học.
Như vậy, trong cấu trúc mới, giáo dục phổ thông chủ yếu là 10 năm. Điểm thi tốt nghiệp THPT (lớp 10) sẽ quyết định việc phân luồng mạnh mẽ, rõ ràng. Số lượng học sinh chuẩn bị vào đại học sẽ giảm đi. Sau THNC việc tuyển vào các trường đại học do các trường đại học quyết định (nên bàn riêng).
Đổi mới các trường nghề, trường trung cấp, cao đẳng
Mong muốn 50% số học sinh tốt nghiệp THPT (10 năm) sẽ được định hướng học tiếp tại các trường nghề, trường trung cấp hoặc trường cao đẳng, ngoài quy định điểm thi THPT, cần mở rộng, phát triển và tăng cường đầu tư nhiều trang thiết bị hơn nữa cho hệ thống các trường này.
Ngoài ra, cần chú ý về quy định và chính sách của nhà nước đối với các trường nghề, trường trung cấp, trường cao đẳng. Lâu nay các loại trường này thiếu sức hấp dẫn vì học sinh tốt nghiệp khó tìm việc làm so với người tốt nghiệp trình độ cao hơn. Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần ban hành các quy định về sử dụng lao động.
Với nhiều nghề trình độ sơ cấp, cần yêu cầu các doanh nghiệp, công ty, tổng công ty chỉ được sử dụng người có văn bằng của các trường nghề hay trường trung cấp. Đây là kinh nghiệm của các nước phát triển nhằm giúp cho các trường nghề, trường trung cấp về xây dựng, may mặc, điện dân dụng và nhiều nghề đơn giản có thể phát triển.
Mặt khác, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được đảm bảo. Đồng thời, cần quy định nhiều công việc phải ưu tiên sử dụng trình độ cao đẳng. Đối với các công việc đó, ngoài những vị trí lãnh đạo, nếu sử dụng trình độ đại học, thì cơ quan và cá nhân phải chịu thuế cao. Mặt khác, các trường nghề, trường trung cấp, trường cao đẳng phải thực sự đóng vai trò đào tạo kỹ năng cho người học tốt hơn các trường đại học.
Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ghi: “Trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay”, tuy nhiên Nghị quyết 29 cũng nêu rõ: “Tiếp tục nghiên cứu đổi mới hệ thống giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế phát triển giáo dục của thế giới”. Như vậy, hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay chưa thể nói là tối ưu. Do đó, cần sớm nghiên cứu cấu trúc lại hệ thống giáo dục phổ thông đồng thời với giáo dục đại học và hệ thống đào tạo nghề.
GS. TSKH. Phạm Sỹ Tiến